,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
724360
Giấy phép cho Võ Lâm truyền kỳ
1
Article
null
,

Giấy phép cho Võ Lâm truyền kỳ

Cập nhật lúc 10:57, Thứ Bảy, 29/10/2005 (GMT+7)
,

Các “cao thủ võ lâm” (trong game) hẳn đang hồi hộp chờ kết quả. Việc Lệnh Hồ Xung có lại hành tẩu giang hồ cùng Nhậm Doanh Doanh hay không, chẳng còn phụ thuộc vào võ công của chàng ta nữa. Các cơ quan quản lý nên đưa ra một lộ trình về các thủ tục yêu cầu VinaGame phải tuân thủ...

Soạn: AM 601339 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Quang cảnh sân khấu chính của Đại hội võ lâm lần II Vinagame tổ chức tại khu thể thao tổng hợp Quần Ngựa.

Liên tiếp nhiều ngày qua, giới CNTT – đặc biệt là cộng đồng những người chơi trò chơi trực tuyến (TCTT - online game) – đang xôn xao về việc Sở Bưu chính, viễn thông (BCVT) TP. HCM có thể sẽ yêu cầu VinaGame ngưng việc cung cấp trò chơi “Võ lâm truyền kỳ”. Chỉ riêng động thái này cũng đã có khá nhiều ý kiến nhận định khác nhau, nhưng vấn đề không chỉ nằm trong chuyện “có cần xin giấy phép” hay không, mà còn tiềm ẩn nhiều khía cạnh đáng quan tâm.

Chuyện giấy phép và lý lẽ của các bên

Dấu hỏi lớn nhất hiện nay là liệu Sở BCVT có ra quyết định yêu cầu VinaGame đình chỉ việc cung cấp TCTT “Võ lâm truyền kỳ” cho tới khi xin được giấy phép OSP hay không? Có ít nhất năm “bên” đang tranh luận với những ý kiến khác biệt: Bộ BCVT, Sở BCVT, nhà cung cấp VinaGame, cộng đồng “game thủ” (khách hàng), giới truyền thông đại chúng (chưa kể các cơ quan quản lý Nhà nước khác như Bộ VHTT, UBND TP.HCM và giới CNTT). Trong đó, VinaGame và người chơi đang như "cá nằm trên thớt".

Bộ BCVT (thực tế là phát biểu của Thứ trưởng Lê Nam Thắng) thì cho rằng việc cấp giấy phép OSP về TCTT không thuộc thẩm quyền ngành BCVT (mà của ngành VHTT). Tuy nhiên nếu nhận định rằng “game online không được coi là dịch vụ ứng dụng viễn thông mà chỉ là nội dung Internet” thì còn phải xem lại. Đây cũng là điểm mấu chốt trong ý kiến của Sở BCVT: “game online thuộc dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, được gọi là dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông” (giải thích của Giám đốc Lê Mạnh Hà). Cách phân tích đó, xét về mặt công nghệ, cũng... rất logic.

Vấn đề không chỉ là cách hiểu khác nhau, cách diễn dịch khác nhau về các văn bản pháp luật mà còn do bản thân các văn bản này chưa theo kịp thực tế, còn nhiều điều khoản chưa thật rõ ràng.

Và một mặt  khác, chúng tôi cho rằng không hề có chuyện “đá” nhau (như có nơi đã đưa tin) giữa Bộ và Sở, vì chuyện hiểu khác nhau là chuyện không hiếm, cái chính là tiêu chí hành xử (vì lợi ích xã hội) của hai cấp là hoàn toàn giống nhau.

Về phía VinaGame, chắc ai cũng đoán được họ chỉ muốn kinh doanh (và có lợi nhuận), do đó nếu phải có giấy phép gì họ chắc chắn phải tìm cách “xin” được. Nếu phải (tạm) ngưng dịch vụ, họ sẽ thiệt hại về doanh thu và cả về dư luận. Ngược lại, nếu được tiếp tục triển khai “Võ lâm truyền kỳ”, “sự cố” này biết đâu đã vô tình quảng bá tên tuổi VinaGame (!?).

“Phe” khách hàng thì đơn giản chỉ muốn được chơi! Đối với người chơi TCTT, không chỉ là không được chơi tiếp, mà đồng nghĩa với đổ sông đổ biển những “thành tựu” đã đạt được bằng công sức, tiền của và thời gian (nói vui theo kiểu “võ lâm” là bị phế bỏ võ công, mất hết công lực một đời!).

Giới truyền thông (và bạn đọc) lại càng phong phú hơn về ý kiến, nhưng đa số lại không trực tiếp vào “dấu hỏi” đang lững lờ trên đầu các “bên”, mà liên quan đến những vấn đề sâu xa hơn mà chúng tôi đề cập dưới đây.

Đằng sau những lập luận

Có khá nhiều “dấu hỏi” khác được đặt ra đằng sau chuyện giấy phép OSP của VinaGame. Đó là chuyện ai có trách nhiệm giải thích luật và các văn bản pháp lý khác? Bên lập pháp (tức Quốc hội) hay hành pháp (tức Chính phủ)? Hay thậm chí đó là công việc của tư pháp như một số nước? (ở một vài quốc gia, tòa án sẽ phán xử khi có cách hiểu khác nhau về luật giữa Chính phủ và người dân). Dường như ta chưa có cơ chế rõ ràng cho điều này.

Một vấn đề khác, đó là TCTT có hại không? Có nên khuyến khích không? Xét về mặt kinh tế, đây là một ngành “hái ra tiền” đối với nhà cung cấp (tức là có lợi về thu thuế). Xét về mặt xã hội, còn phải lắng nghe ý kiến và kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của nó lên sức khỏe, tâm lý, quan hệ gia đình, sức học… Chúng tôi cố tình không “xét” về mặt quản lý Nhà nước, vì bản chất của việc quản lý là thúc đẩy, định hướng chứ không phải ngăn cản phát triển (chính Giám đốc Sở BCVT đã khẳng định không hề muốn VinaGame điêu đứng). Cũng xin thông tin thêm rằng trên Cityweb của thành phố đã từng công bố việc TP.HCM không khuyến khích TCTT. Như vậy, cho đến nay chúng ta vẫn còn phải bàn luận nhiều về điều này.

Những vấn đề khác nảy ra cũng từ “sự cố” này là: những loại hình nào phải có thêm giấy phép ngoài giấy phép kinh doanh? Xử lý ra sao những đơn vị “vi phạm” khi quy định ra đời sau hoạt động của doanh nghiệp. Ai bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi có “tranh chấp” giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp…?

Vì sự phát triển

Tuy có hàng loạt “dấu hỏi lớn” như vậy “nhân” vụ việc Võ lâm truyền kỳ, nhưng cuộc họp sắp tới giữa các cơ quan chủ yếu sẽ giải quyết vấn đề: TCTT có cần OSP hay giấy phép gì khác không? VinaGame phải làm gì để được tiếp tục cung cấp dịch vụ?

Các “cao thủ võ lâm” (trong game) hẳn đang hồi hộp chờ kết quả. Việc Lệnh Hồ Xung có lại hành tẩu giang hồ cùng Nhậm Doanh Doanh hay không, chẳng còn phụ thuộc vào võ công của chàng ta nữa.

Theo chúng tôi, do đặc thù của sự việc, cũng như bản chất việc kinh doanh giải trí là không gây hại cho xã hội, cách tốt nhất là các cơ quan quản lý đưa ra một lộ trình (về các thủ tục) yêu cầu VinaGame phải tuân thủ. Không chỉ về mặt giấy phép, mà còn các điều kiện khác (ví dụ phải phát cho mỗi người chơi một tờ khuyến cáo về sức khỏe) để có thể đi đúng định hướng của Chính phủ. Xin nhắc lại là “một lộ trình” (gồm các bước và thời gian cụ thể), chứ không “ngưng” lập tức. Nếu nhà cung cấp không tuân thủ đúng, việc xử phạt cũng sẽ không gây bất ngờ (cho cả người chơi).

Một giải pháp như vậy vừa giúp quản lý được những hoạt động quá mới mẻ (như TCTT) vừa giúp cho xã hội có thêm sự đa dạng nhờ đóng góp của doanh nghiệp. Bản thân người tiêu dùng có thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ và Nhà nước cũng được lợi từ việc thu thuế.

Hy vọng khúc “tiếu ngạo giang hồ” vẫn sẽ được tấu lên trên mỗi bước phát triển của ngành công nghiệp TCTT non trẻ

  • Trần Anh Khôi
     

Theo dòng sự kiện

VietNamNet

VinaGame sẽ ngừng dịch vụ game online vì thiếu giấy phép

"Chưa có quyết định chính thức về giấy phép của VinaGame!"

"Quần hùng" xôn xao tin "Võ lâm" thiếu giấy phép!

Công nghiệp game Việt Nam - "Con gà đẻ trứng vàng"?

Người lao động

Quản lý game online sao có lợi cho người chơi

Thanh Niên

Cú sốc của một ngành công nghiệp non trẻ

Về sự cố Võ lâm truyền kỳ: Thứ trưởng hay Giám đốc Sở BC-VT đúng?

Tuổi trẻ

Dừng kinh doanh game online hay không?: Vẫn chờ!

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này

,
,