,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
711354
Tránh bao cấp ý tưởng bằng cách nào?
1
Article
null
,

Tránh bao cấp ý tưởng bằng cách nào?

Cập nhật lúc 21:54, Thứ Hai, 26/09/2005 (GMT+7)
,

Buổi gặp mặt giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và hơn 400 nhà khoa học do Bộ Khoa học Công nghệ (KH-CN) tổ chức là một sự kiện rất có tiếng vang. Làm thế nào để những thông điệp từ những trao đổi trong cuộc gặp này không bị "chìm xuồng"? Phải có sự đột phá ra sao để KH- CN có thể  góp phần quan trọng vào cuộc chiến chống tụt hậu của đất nước?  Làm thế nào để các nhà khoa học mạnh dạn đề xuất ý tưởng của mình. Trao đổi giữa Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Quốc Thắng và VietNamNet.

Soạn: AM 562311 gửi đến 996 để nhận ảnh này

- Theo ông, những điểm mới nhất và ấn tượng nhất của cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng và giới KH vừa rồi là gì?

- Ấn tượng sâu sắc nhất trong buổi gặp vừa qua là lần đầu tiên đã tụ họp đông đủ rất nhiều các thế hệ cán bộ khoa học, đúng như VS Nguyễn Văn Hiệu đã nói: "Đây là Hội nghị Diên Hồng".

Thứ hai là cả các nhà khoa học lẫn Thủ tướng đều nói rất thẳng, rất thật...

Ấn tượng cuối là tinh thần quyết tâm rất cao của hai bên trong việc xác định rằng đây là điểm mấu chốt trong giai đoạn hội nhập. Cả giới làm khoa học, các doanh nghiệp lẫn Thủ tướng đều cho rằng đây là thời điểm quyết liệt để chiến đấu và chiến thắng giặc tụt hậu.

- Theo ông thì những bước tiếp theo của "Hội nghị Diên Hồng" này là gì để giới khoa học thực sự tiến tới trong cuộc chiến chống "giặc tụt hậu"?

- Có hai điểm mấu chốt để thực hiện một cách hiệu quả những ý định được vạch ra từ hội nghị này. Đó là:

+ Quyết tâm đổi mới công nghệ. Nếu không, sẽ không thể hạ giá thành sản phẩm, không thể nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng, nếu không chúng ta sẽ không thể thắng lợi trong hội nhập WTO.

+ Thứ hai là hội nhập quốc tế trong KHCN. Nếu không có giải pháp quyết liệt và phù hợp, chúng ta sẽ không thể hội nhập. Hội nhập với mục đích thứ nhất là nâng cao công nghệ, thứ hai là học tập những bí quyết để từ đó nâng cao công nghệ, tạo ra những công nghệ mang giá trị VN.

Theo đó, sẽ có những hướng tháo gỡ bằng việc thay đổi cơ chế: đầu tư, chính sách, tài chính. Các Bộ ngành sẽ trình lên Chính phủ để tháo gỡ những vướng mắc và hỗ trợ cho hoạt động công nghệ. 

Muốn đổi, trước hết phải thay đổi về cơ chế mà chỉ một mình Bộ KH-CN "đổi" thì cũng không thể "chuyển" được.
 
- Có vẻ như 50 năm qua, đa số các nhà khoa học đã quen với cơ chế bao cấp, không chỉ là bao cấp về cách làm việc mà còn bao cấp cả về ý tưởng. Nghĩa là với các nhà khoa học thì quen được chỉ bảo là "nghiên cứu cái gì" còn phía các cơ quan quản lý thì cũng quen ra lệnh: "Năm nay cần làm những gì....". Chúng ta đã quá quen với cách giao việc một cách... "bao cấp" và quá cụ thể. Theo ông, cần có đột phá nào để thay đổi từ cả 2 phía thói quen bao cấp ý tưởng đó?

- Tôi rất đồng ý với quan điểm trên. Giải pháp hiện nay là cả hai bên đều phải thay đổi tư duy.

Nhà nước có thể đặt hàng những vấn đề có thể có tính lan toả lớn trong xã hội. Còn các Bộ, các Sở, các ban ngành phải đặt ra những nhiệm vụ cụ thể theo chiến lược phát triển địa phương hay liên vùng.

Đối với các nhà khoa học cần phải làm những công việc thích ứng với kế hoạch phát triển KT-XH của ngành mình, địa phương mình. Nói cách khác, nên giao quyền tự chủ cho các nhà nghiên cứu để thích ứng với thị trường.

- Nhiều khi, ý tưởng của nhà khoa học không trùng lặp với quan điểm của chính khách và họ có thể phản biện. Điều đó ở cấp vĩ mô có thể chấp nhận được nhưng đôi khi ở địa phương, một nhà KH không dễ dàng mà "cãi" lại được Chủ tịch tỉnh. Ông có nghĩ là cần một cơ chế đột phá nào đấy mà phá vỡ được thật nhanh sự bao cấp từ cả hai phía và nâng cao tính độc lập về ý tưởng?

- Các bạn cũng phải nhận thấy là các lãnh đạo địa phương cũng đang dần dần thay đổi, biết lắng nghe ý kiến các chuyên gia nhiều hơn. Nhưng mà ngược lại các nhà khoa học cũng cần phải mạnh dạn đề xuất ý tưởng của mình.

Tất nhiên quá trình này cũng cần phải thay đổi từ từ. Từ thị trường KHCN và sức ép về kinh tế sẽ bắt các lãnh đạo địa phương phải xây dựng cho mình hệ thống chuyên gia tư vấn trong đó có các nhà chính trị, các nhà khoa học, các nhà kinh tế.

- Các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam đã nêu nhiều bất cập về trình độ chuyên môn, động lực làm việc, cơ chế quản lý, hiệu quả đầu tư, sử dụng không hiệu quả các kết quả nghiên cứu… Bộ KH-CN đã có công trình nghiên cứu nào để đánh giá thực trạng KH-CN Việt Nam?

- Hiện nay chúng tôi đang tiến hành một đề tài "Điều tra về tình hình công nghệ các địa phương, đánh giá trình độ thực hiện" và đánh giá chất lượng những công trình cụ thể của các nhà KH.

Chúng tôi có một kế hoạch lớn là đổi mới lại hệ thống đánh giá, điều này rất quan trọng. Tôi hy vọng hết năm nay chúng tôi sẽ hoàn thiện và cho ra mắt những công cụ đánh giá đó.

- Các công cụ này có được giám sát độc lập hay không?

- Chúng tôi đặt hàng cho một đơn vị độc lập chứ không phải do chính Bộ chúng tôi tự làm. Còn đánh giá về kết quả khoa học công nghệ trong thời gian vừa qua, thú thật, đây là ý kiến riêng với tư cách một cán bộ khoa học, tôi cho rằng đừng nên bi quan quá vào KHCN nước nhà.

Một số người cho rằng tất cả các nghiên cứu KH đều cho vào ngăn kéo hết. Chúng ta phải xét đến đặc thù của lĩnh vực này. Nghiên cứu KH có độ rủi ro cao, mỗi năm có thể có hàng trăm ý tưởng nhưng chỉ cần 5, 10 cái được áp dụng đã là thành công rồi. Đầu tư KH hiện nay là một dạng đầu tư mạo hiểm. Một công trình hôm nay nằm trong ngăn kéo nhưng ngày mai có thể đưa ra ứng dụng. Trong mạo hiểm đó, chúng ta có những thắng lợi nhất định.

- Trong hệ thống xếp hạng thế giới, các vị trí thay đổi hàng năm. Một nước có thể tiến bộ, nhưng các nước khác lại tiến bộ nhanh hơn, nên vị trí lại bị tụt hạng. Vậy vị trí của chúng ta đang ở đâu? Trong những năm gần đây chúng ta lên hạng hay xuống hạng?

- Tôi cho rằng chúng ta đang ở dạng trụ hạng. Về tổng thể ta chưa thăng hạng, một số mặt còn tụt hạng. Chúng ta chưa hề có nhảy vọt. Trong tương lai ta cần có giải pháp để thăng hạng.

Hội nghị Diên Hồng xưa có 2 chữ "Sát Thát", cuộc gặp vừa qua lại xác định 2 chữ "quyết chiến với tụt hậu", dứt khoát không thể trụ hạng là hài lòng. Tôi mong một dịp khác có thời gian nhiều hơn để giải thích, phân tích rõ hơn điều này.

- Thủ tướng nói là KH-CN cần có đột phá như “khoán 10” trong nông nghiệp. Đây là một mô hình của nông nghiệp đã có cách đây 20 năm. Theo Thứ trưởng, ngày nay đột phá trong quản lý KH nên được hiểu như thế nào?

- Tôi hiểu thế này, cơ chế khoán 10 xưa là tạo quyền tự chủ rất lớn cho nông dân về phương tiện sản xuất, về công cụ, đất đai. Còn một đột phá như khoán 10 trong KH là ở chỗ tạo cơ chế tự chủ và phát huy tối đa sức sáng tạo của người làm KH, để họ có thể toàn quyền huy động chất xám và thăng hoa ý tưởng.

Thứ hai là phải có sự đột phá về cơ chế tài chính để thúc đẩy sự sáng tạo.

- Có một “cặp” ý kiến trái ngược nhau. Một là Việt Nam đang nghèo, cần tập trung vào nghiên cứu ứng dụng, các nghiên cứu cơ bản và không thực tế hãy để cho các nước giàu làm (đây cũng là quan điểm của Hàn Quốc vào thập kỷ 70-80). Ý kiến khác là Việt Nam không được bỏ qua việc nghiên cứu cơ bản để không lãng phí tài năng trong lĩnh vực này và bảo đảm nền tảng cho phát triển bền vững trong tương lai. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

- Nghiên cứu cơ bản rất cần thiết không đất nước nào bỏ qua được nhưng chúng ta hãy học tập Hàn Quốc. Thập kỷ 80, họ không chú ý đến nghiên cứu cơ bản nhưng bây giờ thì đã khác. Các nhà KH của VN mạnh trong nghiên cứu cơ bản nhưng yếu trong nghiên cứu ứng dụng thực tế.

Nhưng với nguồn lực còn hạn chế ở nước ta hiện nay, điều quan trọng là cần phải xác định trong nghiên cứu cơ bản thì cần tập trung vào lĩnh vực nào trước.

Thứ hai, cần tập trung đẩy mạnh theo hướng nghiên cứu có tính ứng dụng. Chẳng hạn trong nghiên cứu về Toán học, tập trung theo hướng hợp lý hoá và bảo mật để hỗ trợ cho CNTT. Chúng tôi vẫn chủ trương tăng kinh phí cho NC ứng dụng.

- Thứ trưởng mới chuyển về Bộ từ vị trí Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chắc chắn ông mang theo nhiều ý tưởng và nhiều tâm huyết về việc gắn kết ba hệ thống “nghiên cứu – đào tạo – ứng dụng”. Trong buổi gặp mặt Thủ tướng, các nhà khoa học có nói mối quan hệ đó hiện rất yếu kém. Ông thấy có đúng không? Và ông có sáng kiến gì không?

- Ngay từ thời ở trường ĐH Bách khoa, tôi đã luôn trao đổi với các đồng nghiệp: dạy cho sinh viên cái gì họ cần chứ không phải dạy những gì mà chúng ta có. Nhà trường cũng cần nghiên cứu những gì xã hội và DN cần.

Ngoài vấn đề cơ chế chính sách mà Thủ tướng chỉ đạo, chúng tôi đã có chương trình "ươm tạo" DN và lồng ấp công nghệ trong các viện của trường mà ĐH Bách khoa Hà Nội là nơi tiên phong. Chúng tôi khuyến khích những ý tưởng của các SV, các nhà nghiên cứu trẻ để nâng lên thành công trình nghiên cứu và hỗ trợ để có thể ứng dụng.

Ngoài ra còn cần phải có chương trình đào tạo những cán bộ KH hàng đầu mà hiện chúng ta đang rất ít.

- Ngày 23/9, khi Thủ tướng nói chuyện với lãnh đạo Bộ KH-CN, có một băng chào mừng rất lớn đề “Nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Phan Văn Khải về thăm và làm việc với Bộ KH-CN”. Điều này hơi lạ, bởi vì việc Bộ KH-CN và Thủ tướng gặp nhau chắc là rất thường xuyên, không giống như một tỉnh vùng sâu vùng xa, lâu lắm mới được gặp Thủ tướng. Thứ trưởng thấy như thế nào?

- Các bạn thấy khác thường nhưng tôi thấy bình thường, Nó thể hiện một nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của VN, mỗi khi thấy cấp trên hay khách đến, chúng ta luôn luôn mở rộng cửa chào đón một cách trân trọng nhất. Thực chất thì các cán bộ lãnh đạo cao cấp vẫn thường xuyên gặp gỡ và làm việc với lãnh đạo Bộ KH-CN. Nhưng sự kiện Thủ tướng đến gặp gỡ đông đảo cán bộ của Bộ thì không phải năm nào cũng có.

Đây cũng là dịp để chúng tôi báo cáo đề xuất những ý tưởng, đồng thời cũng thể hiện quyết tâm thực hiện trách nhiệm mà Đảng và Nhà nước đã giao.

- Giả định Thủ tướng yêu cầu Thứ trưởng đề xuất ngay ba điều cần phải khắc phục ngay (chỉ ba điều thôi, giống như ông tiên chỉ cho 3 điều ước), cá nhân ông sẽ đề xuất 3 điều gì?

- Tôi đề nghị:

+ Thứ nhất, Bộ KHCN cùng với các Bộ ngành khác nhanh chóng tạo ra những đột phá và phát huy tính sáng tạo trong NCKH. Cuộc chiến này cần huy động ý chí và sức mạnh tổng lực. Một mình Bộ chúng tôi không thể làm hết được việc đó.

+ Thứ 2, tôi đề xuất  tất cả các cán bộ KH, các nhà KH cần phải có tinh thần DN. Mặt khác, tất cả các nhà DN cần có tư duy và có đam mê KH để đổi mới công nghệ.

+ Thứ 3, cả xã hội phải coi đổi mới có tính đột phá về KHCN không chỉ là việc của riêng ai. Lâu nay, hình như nhiệm vụ đó xã hội vẫn coi là của các nhà KH, các nhà quản lý KH và nhà nước.

- Ngày hôm qua VietNamNet đã bắt đầu một diễn đàn online với chủ đề “Làm gì để đưa KH-CN nước ta trở thành động lực”. Thứ trưởng nghĩ là các ý kiến đóng góp từ độc giả trên mạng (thường được coi là thế giới ảo) sẽ được ghi nhận với giá trị như thế nào?

- Rất cảm ơn và trân trọng VNN đã có sáng kiến như vậy. Đây là một kênh thông tin quan trọng. Nhân dịp này chúng tôi cũng xin cảm ơn các phương tiện thông tin đã giúp nối gần hơn nữa khoảng cách của  chúng tôi và người dân.

- Nếu báo điện tử VietNamNet đề xuất một chương trình phối hợp với Bộ trong chủ đề “Tìm đột phá trong KH-CN", Thứ trưởng có nghĩ là một chương trình như vậy có kết quả và hiệu quả tốt hay không?

- Tôi đồng ý, chúng ta có thể phối hợp với nhau để tạo ra những sân chơi KH cho người dân, chẳng hạn cho các bạn trẻ. Tôi xin hẹn dịp khác làm việc cụ thể hơn với các bạn về vấn đề này.

  • Lê Ngọc Nhung (thực hiện)

Theo dòng sự kiện:

 VietNamNet

Tính đố kỵ cản trở khoa học
Nông nghiệp đã có khoán 10, còn khoa học-công nghệ thì sao?

Phải có tư duy mới để tạo ra khoán 10 trong KHCN
Thủ tướng lắng nghe bức xúc từ giới khoa học

Phát triển khoa học-công nghệ là quốc sách hàng đầu

Thủ tướng gặp gỡ 400 nhà khoa học

Tuổi Trẻ

Sẽ tổ chức ngày khoa học - công nghệ hằng năm

Để khoa học VN ngang tầm th ế giới

Tiền Phong

Khoa học công nghệ: Bao giờ có "khoán 10"?

"Hội nghị Diên Hồng" của giới khoa học Việt Nam

Ý kiến của bạn:

,
,