Môi trường kinh doanh: Nên cải cách mạnh ở khâu 'chia sân'...
TS Trần Đình Thiên ở Viện kinh tế nêu một số đề xuất về cải thiện môi trường kinh doanh nhân việc VN được đứng vị trí số 3 về nỗ lực cải cách. Theo ông, cần một sự đột phá nữa: Nhà nước không nên làm thay việc của doanh nghiệp.
- Quan điểm của ông về việc Việt Nam được xếp thứ 3 về tiến độ cải cách môi trường kinh doanh trong bản Báo cáo hoạt động kinh doanh 2006 của Ngân hàng Thế giới? Chúng ta có thể vui đến đâu?
Câu chuyện xếp hạng ấy có 2 vế, một là ghi nhận những nỗ lực và mặt thứ hai là đặt ra những việc cần phải làm. Trong bảng xếp hạng vừa rồi, nên lưu ý có 2 con số cải cách: 3 và 99. Số 3 về cải cách môi trường kinh doanh là xếp hạng về sự lên bậc, còn 99 là định vị anh như thế nào so với các nước khác trong bảng xếp hạng. Nếu không phân biệt rõ hai chuẩn, việc đánh giá sẽ thiên lệch. Tôi có nhận định như sau:
Thứ nhất: Việc lên bậc trong cải cách môi trường thể chế đã phản ánh đúng thực tế VN trong thời gian vừa rồi, đó là nỗ lực để cải cách thể chế và chính sách. Điều đó ghi nhận rằng VN đã có một năng lực cải cách, và có quyết tâm cải cách đồng thời chứng minh rằng chúng ta đang có đà để thực hiện được điều này.
Nhưng đứng về mặt thể chế mà nói, khi còn nhiều năng lực (nghĩa là còn nhiều khoảng trống để cải cách) chứng tỏ rằng môi trường thể chế còn ở xa sự hoàn thiện, còn quá nhiều việc phải làm. Chẳng hạn Singapore đang xếp vị trí thứ 2, nếu tiếp tục cải cách bao nhiêu đi nữa thì cũng chỉ lên thêm được một bậc mà thôi. Lý do vì môi trường của họ đã hoàn thiện chứ không phải vì họ không có năng lực cải cách.
Ví dụ trong bảng xếp hạng, mình có nhiều điểm tốt nhưng điểm tốt ấy không có giá trị so sánh. Chẳng hạn về việc cấp giấy phép, mình đứng nhất chỉ vì ở các nước, vấn đề cấp giấy phép đã được tối ưu rồi nên người ta đã không còn bận tâm đến điều đó. Còn ở nước mình trước kia có quá nhiều giấy phép thì bây giờ bỏ đi một tí đã là sự cải cách lớn
Nhưng chính con số 99 trong bảng xếp hạng vị trí lại đã nói lên rằng chúng ta còn lâu mới đạt đến môi trường hoàn thiện cần thiết.
Thứ 2, hiện nay, phải nói rằng chuyện xếp hạng và đánh giá tích cực ấy rất có lợi cho VN:
- Lợi ích thứ nhất, vị trí thứ 99 cho thấy rõ mình đang ở đâu trong bảng xếp hạng. Chúng ta cần nhận diện đúng môi trường kinh doanh của mình.
- Lợi ích thứ 2, cho thấy mình đang có một đà phát triển rất tốt. Sự lên hạng của VN đem lại một cái nhìn tích cực của thế giới cho chúng ta. Tại thời điểm này, đó là một điều rất quan trọng. Bởi vì trong thời điểm hội nhập cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa môi trường và thể chế kinh doanh, đó là điều quan trọng để có thể khoe với thế giới. Giúp cho các DN đầu tư vào VN tăng thêm hiệu quả và giảm được chi phí.
Hơn nữa, hiện nay, VN đang đứng trước cơ hội rất lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đang có cơ hội như thế, lại được lên điểm “cải thiện môi trường kinh doanh” trong một đánh giá có tính toàn cầu sẽ tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư với bên ngoài.
Thứ 3, cần lưu ý trong xếp hạng mỗi năm đánh giá một chuẩn đo khác nhau. Năm nay chuẩn đo nói đến 3 mảng chính: Cấp phép kinh doanh, thuế và hạ tầng kinh doanh. Nên lưu ý, đánh giá năm nay chỉ liên quan đến những tiêu chí ở trên chứ không phải toàn bộ môi trường kinh doanh. Nó chỉ phản ánh một phần của môi trường kinh doanh mà thôi. Bước tiến xếp hạng ấy nói lên rằng không phải toàn bộ môi trường kinh doanh của anh đang tiến lên.
Trong khi đó, có thể có những lĩnh vực đi xuống nhưng lại không thuộc phạm vi đánh giá trong năm nay.
Gần đây, có nhiều bảng xếp hạng của các tổ chức Quốc tế về môi trường kinh doanh, chỉ số phát triển con người được công bố và từ đó cũng có những nhận định khác nhau. Theo ông, Việt Nam có nên "tự định vị" mình không?
Môi trường kinh doanh: Việt Nam "tiến trong thế đứng yên"
- Hiện chúng ta đang thiếu một bộ chỉ tiêu để đánh giá chất lượng tăng trưởng và phát triển.
(VietNamNet) - Việt Nam đứng thứ 3 trong 10 nước cải cách mạnh mẽ nhất trong năm 2005, nhưng đó chỉ là "tiến trong thế đứng yên".
Theo tôi, VN cũng nên có một bộ chỉ tiêu để đánh giá chính mình, đừng nên chỉ lệ thuộc vào quốc tế, chuẩn đánh giá của quốc tế mỗi năm mỗi khác, phân khúc cũng chưa toàn diện. Hơn nữa, điều quan trọng là mình cũng phải tự nhận diện chính mình. Mình nhận diện bản thân có giá trị và ý nghĩa cổ động hơn rất nhiều.
VN cần phải nghĩ đến hệ thống chỉ tiêu đánh giá năng lực cải thiện chất lượng tăng trưởng, năng lực cải thiện chất lượng cạnh tranh. Điều này có ý nghĩa quan trọng bậc nhất ở VN. Hiện chưa ai làm điều đó bởi công việc này đòi hỏi đội ngũ thống kê rất đồ sộ.
Trong cuộc họp báo hôm qua, bà Phạm Chi Lan đã chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân gây ra cản trở trong môi trường kinh doanh là chính sách thuế?
- Tôi cũng cho rằng thuế là 1 trong những yếu tố gây cản trở. Mục tiêu của thuế cần phải đơn giản, trong khi đó, mục tiêu của thuế nước mình lại quá nhiều, chẳng hạn tăng thu cho ngân sách, giúp cho phân phối công bằng, chuyển dịch cơ cấu tốt, xoá đói giảm nghèo... Để chính sách thuế phục vụ tăng trưởng lại phục vụ cả công bằng xã hôi? Hai mục tiêu đó thường khó đi đôi với nhau. Trong khi đó thì theo nguyên lý thì một công cụ bao giờ cũng chỉ phục vụ cho một mục tiêu, những thứ khác đều là hiệu quả
Phức tạp thứ 2 là cơ cấu thuế, nhiều mức độ, nhiều thang bậc. Nhưng điều quan trọng nhất là phải cải cách bộ máy và đội ngũ thực thi thuế. Khi một cơ chế còn chưa hoàn thiện, lại cộng với đôi ngũ còn hạn chế thì sẽ gây cản trở rất lớn. Bởi vì doanh nghiệp đối diện với chính phủ bằng cái gì. Về nguyên tắc, đó là đối diện bằng chính sách thuế.
Tôi đồng ý với quan điểm cho rằng Nhà nước phải hướng tới thứ thuế để giúp doanh nghiệp. Muốn thế phải giảm chi tiêu và khuyến khích phát triển.
- Ông còn chú ý tới những cản trở nào nữa cho môi trường kinh doanh?
- Giao thông vận tải của mình còn nhiều ách tắc (tất nhiên đã được cải thiện). Nếu nhu cầu về hạ tầng đòi hỏi phải cải thiện 20% mà mình chỉ tăng 10% thì tức là gây cản trở. Phát triển hạ tầng cơ sở phải cân xứng với mục tiêu kinh tế.
Cũng là đầu tư kinh doanh, nhưng thay vì đầu tư cho các nhà máy ximăng hay nhà máy đường thì nên bỏ tiền để làm đường, Nhưng phải xác định đó là làm đường nào, làm con đường ở đâu và tháo gỡ nút nào mới là chủ chốt. Hiện nay, nhiều khi chúng ta không tính đến điều ấy. Phúc lợi xã hôi là cần thiết nhưng không quan trọng bằng mục tiêu tăng trưởng. Hãy phát triển xã hội đã rồi sau này sẽ hỗ trợ cho mục tiêu phúc lợi xã hội.
Theo ông, trong các yếu tố tạo thành môi trường kinh doanh, hiện nay cần phải cải cách cái gì mạnh nhất?
- Mạnh nhất là phải phân định rõ việc gì thuộc về ai. Hiện Nhà nước đang làm nhiều việc không cần làm. Những việc cần làm lại làm chưa tốt. Trả chức năng thị trường về cho thị trường thì sẽ tự khắc điều tiết tốt hơn.
Theo ông, việc phân định “phần việc của Nhà nước” như thế nào thì mới được gọi là rõ ràng?
- Nhà nước chỉ nên tạo ra môi trường pháp lý. Chỉ có Nhà nước mới làm được chứ không ai làm nổi. Hiện nay môi trường pháp lý của mình yếu và năng lực thực thi cũng kém, thiếu đồng bộ. Quá trình tổ chức chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Thứ 2 là hỗ trợ phát triển, tức là tập trung đầu tư cho hạ tầng kinh tế như đường sá, bến cảng một cách hiệu quả hơn. Hạ tầng phải đi liền với chiến lược phát triển kinh tế. Không nên rải đều dự án. Đầu tư, kinh doanh cụ thể là việc của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ thôi.
Việc thứ 3 là phải tạo cơ hội, điều kiện cho những nhóm người nghèo có khả năng tiếp cận thị trường mà không bị rủi ro.
Việc thứ 4 là Nhà nước tạo sân chơi bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp nhưng phải hỗ trợ những điều kiện về marketing, thông tin , và kỹ thuật. Không nên có sự ưu đãi đặc biệt cho khu vực nào. Lúc đó, ta sẽ có một môi trường kinh doanh chuẩn mực.
-
Lương Bích Ngọc - Ngọc Nhung
Ý kiến của bạn về vấn đề này: