Lãng phí cơ hội & tiềm năng là lãng phí lớn nhất
"Việc Quảng Nam thực hiện tiết kiệm thông qua những biện pháp như vị Chủ tịch tỉnh nói là TỐT nhưng chưa ĐỦ". TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình Fulbright Việt Nam bình luận.
Dù chủ đề chống lãng phí, thực hành tiết kiệm không phải là chuyện mới thì bài trả lời phỏng vấn báo Thanh niên của Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc với tiêu đề: "Tuyên chiến với lãng phí" cũng khiến người ta không thể thờ ơ. Những cách thức cụ thể về chống lãng phí mà ông Phúc đề cập như không đầu tư vào xây công sở, lãnh đạo làm gương giảm thiểu chi phí, gộp tất cả các "hội" vào một lễ, không bắn pháo hoa... không phải là những đề xuất đột phá nhưng qua đó người ta có thể cảm nhận được quyết tâm của Quảng Nam trong nỗ lực xoá bỏ đói nghèo để đi tới giàu có.
Ảnh: Hoàng Ngọc |
Lâu nay, chúng ta đã "phê" nhiều về lãng phí, đã bàn nhiều về những cách thức để tiết kiệm. Nhưng có vẻ như chưa có một cuộc thảo luận ráo riết về chủ đề: "Đâu là lãng phí lớn nhất và nên tiết kiệm như thế nào để đem lại hiệu quả thiết thực". Nhân việc Quảng Nam "Tuyên chiến với lãng phí", chúng tôi xin chia sẻ trăn trở của mình với độc giả qua thảo luận đầu tiên được thực hiện với TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright...
TỐT nhưng chưa ĐỦ
Nhà báo Hoàng Ngọc (báo Nikkey - Nhật Bản): Đó là cách tiếp thị địa phương tốt Tôi không hề bất ngờ khi biết việc Chủ tịch UBND Quảng Nam Nguyễn Xuân Phúc quyết định gộp hàng chục buổi lễ kỷ niệm 60 năm thành lập nước của các ban ngành đoàn thể thành một buổi lễ chung, bởi điều đó hoàn toàn nằm trong mục đích duy nhất trong tổ chức lễ hội của lãnh đạo tỉnh: Quảng bá hình ảnh Quảng Nam nhằm thu hút đầu tư và du lịch! Với mục đích như vậy thì việc tổ chức một buổi lễ chung được tổ chức hoành tráng, ngoài ý nghĩa tiết kiệm, sẽ thu hút được sự chú ý nhiều hơn với giới truyền thông và cái tên Quảng Nam lại có dịp được quảng bá. Và có lẽ, những người tham dự lễ chung hoành tráng "cấp tỉnh" cũng sẽ tự hào hơn là tham dự những cái lễ lẻ tẻ cấp ngành ở nơi đang còn tìm cách thoát khỏi danh sách những tỉnh nghèo ở Việt Nam. |
Việc tổ chức lễ hội tràn lan không chỉ tốn kém tiền bạc mà còn mất rất nhiều thời gian, năng lượng cho việc tổ chức, mời tham gia, ăn uống hội hè. Đó là chưa kể lễ hội hiện nay đang bị sân khấu hóa, chỉ còn hướng tới mục đích thu hút khách du lịch, tạo ra nguồn tài chính từ du lịch và tham quan, chứ không giữ được bản chất và mục đích nguyên thủy là tạo nên tinh thần và sức cấu kết cộng đồng nữa. Vì vậy giản tiện các lễ hội, chú trọng đến yếu tố tinh thần hơn vật chất là việc rất có ý nghĩa.
Lâu nay, chúng ta đã kêu ca nhiều về lễ hội, về phung phí trong đầu tư và chi tiêu công nhưng thay đổi chưa được bao nhiêu. Vì thế nên việc Quảng Nam "tuyên chiến" với lãng phí, giảm bớt các chi phí là rất đáng được hoan nghênh, biểu dương, là tấm gương tốt cho các địa phương khác, tiết kiệm một khoản đáng kể ngân sách để có thể đầu tư vào các mục đích phát triển kinh tế xã hội khác.
Tuy nhiên, điều này chưa đủ. Nếu nhìn dưới các góc độ khác nhau, sẽ thấy việc tiết kiệm bằng cách gộp tất cả các buổi liên hoan kỷ niệm 60 năm, giảm chi tiêu lãng phí trong những việc như không xây nhiều nhà vệ sinh, sử dụng cơ sở hạ tầng cũ... là tốt nhưng chưa đủ.
Từ góc độ của bản thân địa phương, lãng phí lớn nhất không phải là trong lễ hội, hội hè mà là bỏ qua cơ hội và không sử dụng hết tiềm năng.
Lãng phí cơ hội và tiềm năng là lãng phí lớn nhất
Bỏ qua cơ hội và năng lực thực tế bị sử dụng dưới mức tiềm năng - đó là yếu tố nội thương (vết thương ở bên trong), còn những gì anh Phúc nói mới chỉ là ngoại thương (vết thương bên ngoài). Những gì nhìn thấy được là quan trọng, nhưng những gì nằm sâu bên trong, vô hình hơn mới là quan trọng nhất. Điều này thì anh Phúc chưa đề cập tới.
TS Vũ Thành Tự Anh |
Bỏ qua cơ hội là một lãng phí lớn bởi một khi cơ hội đã qua đi thì không trở lại. Xin đơn cử: Khu kinh tế mở Chu Lai đã được Nhà nước cho phép có cơ chế mở từ cách đây gần 3 năm. Nhưng đến thời điểm này, dù bắt đầu thực hiện nhưng Chu Lai chưa khai thác hết lợi thế "mở", cơ chế ưu đãi của nhà nước dành cho mình. Nếu không thực hiện sớm, lợi thế tương đối - có tính chất so sánh - của Chu Lai sẽ mất. Cụ thể, Quảng Ngãi với khu Dung Quất, Quy Nhơn với khu Nhơn Hội cũng có những ưu đãi tương tự, nên dần dần Quảng Nam sẽ mất đi lợi thế so sánh: khu phi thuế quan, các ưu đãi khi các nhà đầu tư chọn Chu Lai thay vì các khu công nghiệp khác.
Nếu tư vấn cho Quảng Nam, thì những gì họ đang định thực hiện là tốt rồi, nhưng bước tiếp theo quan trọng hơn là giải quyết các lãng phí về cơ hội, về tiềm năng thực tế.
Đầu tư vào "hạ tầng mềm" là cách tiết kiệm hiệu quả
Từ góc độ kinh tế nói chung, những gì anh Phúc nói đến là cơ sở hạ tầng cứng, mắt thường nhìn thấy được như đường sá, công sở...
Có những thứ vô hình không nhìn thấy được nhưng quan trọng hơn rất nhiều là cơ sở hạ tầng mềm: Luật pháp, quy định, môi trường đầu tư, thái độ với các nhà đầu tư, thái độ đối với khu vực kinh tế dân doanh và khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài, sự phân biệt đối xử v.v. Ngay cả khi có cơ sở hạ tầng cứng hoành tráng mà không có cơ sở hạ tầng mềm thích hợp thì sẽ triệt tiêu và vô hiệu hóa lợi ích, tính ích dụng của cơ sở hạ tầng cứng.
Bên cạnh những việc Quảng Nam đã làm như lời anh Phúc, phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng mềm. Nếu nhìn vào bảng chỉ số năng lực cạnh tranh của VCCI công bố cách đây mấy tháng (dù chỉ mang tính chất tham khảo) thì cơ sở hạ tầng cứng của Quảng Nam không cao, chỉ có 3.5/10, thuộc 20% tỉnh có chỉ số thấp nhất. Nhưng nếu nhìn vào những cơ sở hạ tầng mềm thì có vẻ Quảng Nam đã thực hiện tốt hơn. Như về việc thực thi chính sách, Quảng Nam được 8 điểm, xếp thứ 3 trong 43 tỉnh. Bên cạnh đó, có những chỉ tiêu khác mà Quảng Nam được điểm khá cao như chính sách với khu vực kinh tế dân doanh, tính năng động... Việc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng mềm ở Quảng Nam là điều đáng biểu dương, là hướng đi đúng đắn để thu hút đầu tư, phát triển địa phương.
Một nhà đầu tư trước khi quyết định việc có đầu tư hay không sẽ quan tâm chủ yếu đến cơ sở hạ tầng mềm, vì hai lẽ:
- Thứ nhất, cơ sở hạ tầng mềm rất khó để nhìn thấy, nhất là khi thời gian họ ở đây ngắn, và họ không phải người ở địa phương, hoặc không phải người trực tiếp làm việc với cơ quan hữu quan, nên khó có thể nhận định chính xác.
- Thứ hai, chính cơ sở hạ tầng mềm sẽ quyết định chi phí kinh doanh và khả năng thành công của nhà đầu tư trong tương lai.
Vì vậy những nhà đầu tư thật sự nghiêm túc sẽ rất quan tâm đến cơ sở hạ tầng mềm: chi phí để đăng ký kinh doanh, chi phí và thủ tục để thực hiện các quyết định đầu tư, tính minh bạch về chính sách, chi phí phụ trội bên ngoài, rồi việc chính quyền địa phương có can thiệp một cách thô bạo vào các quyết định đầu tư cũng như quản lý của nhà đầu tư hay không? Hay sử dụng biện pháp mang tính chất thân thiện hơn, giảm bớt những phiền nhiễu về mặt hành chính. Rồi chính quyền địa phương có phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư trong khu vực và ngoài khu vực, trong tỉnh và ngoài tỉnh, nhà nước và dân doanh hay không? Rồi sự năng động và thân thiện của chính quyền địa phương...
"Có quyết tâm thì không gì là không làm được"
Như thế, việc Quảng Nam tiết kiệm rõ ràng là rất tốt, nhưng cần phải vượt lên thêm một cấp độ nữa quan trọng hơn: đầu tư vào cơ sở hạ tầng mềm.
Khi kết quả đầu tư tốt, nhiều nhà đầu tư đến và đầu tư có hiệu quả, thu hút được những nhà đầu tư chiến lược và nghiêm túc, thì việc có cơ sở hạ tầng tốt, cơ ngơi - văn phòng và xe cộ - đẹp và hiện đại là phần thưởng xứng đáng, chứ không phải chuyện xa xỉ. Vì người bỏ công sức hiệu quả, làm tốt thì xứng đáng được thưởng.
Cuối cùng, tôi muốn chốt lại là 2 ý của anh Phúc khá ấn tượng:
- Nếu quyết tâm thì không có gì không làm được. Trong rất nhiều trường hợp, cái mình không làm được là bởi mình không quyết tâm, nhất trí, không đủ tinh thần dám chấp nhận khó khăn và dám trả giá.
- Quy chế nhờ nhân dân giám sát, và vận động cán bộ và công chức. Từ trước đến giờ mình vẫn nói tới vận động và dùng các biện pháp tinh thần, nhưng suy cho cùng thì nhân dân - không thuần túy là những người dân thường mà còn gồm cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp dân doanh - chính là người đối diện hàng ngày với thủ tục hành chính, quy định, môi trường đầu tư và môi trường kinh doanh, nên họ sẽ cung cấp những thông tin chính xác nhất, những phản hồi đúng đắn nhất, làm cơ sở cho việc phát triển hạ tầng mềm của tỉnh.
-
Vũ Thành Tự Anh
Bạn có đồng tình với TS Vũ Thành Tự Anh không? Theo bạn, lãng phí gì là lớn nhất?