,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
653006
Để không còn khủng hoảng thiếu điện trong tương lai?
1
Article
null
,

Để không còn khủng hoảng thiếu điện trong tương lai?

Cập nhật lúc 15:55, Thứ Ba, 31/05/2005 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - TS Vũ Minh Khương từ ĐH Harvard (Mỹ) có những đề xuất đột phá và có tính tổng thể để trả lời cho câu hỏi: "Làm thế nào để không còn khủng hoảng thiếu điện trong tương lai?". Đó là những giải pháp có tính chiến lược chứ không phải nhằm gỡ rối tình thế.

Khi toàn xã hội phải đối phó với một sự cố lớn, chẳng hạn như tình trạng thiếu điện nghiêm trọng và kéo dài ở miền Bắc trong những ngày này, chúng ta có thể trông đợi ba cách ứng xử chính:

Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình.

 1. Thích nghi: Theo cách này, người dân và doanh nghiệp tự xoay sở một cách linh hoạt để giảm thiểu khó khăn do thiếu điện; nhiều người và doanh nghiệp đầu tư mua máy phát điện cá nhân để không còn sợ mất điện. Với các ứng xử này, người dân và doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận sống chung với cảnh thiếu điện.

2: Quyết liệt trong giải pháp tình thế:
Người dân và doanh nghiệp bức xúc cao độ, đòi hỏi ngành điện tìm mọi cách giải quyết khắc phục tình trạng thiếu điện; còn ngành điện, như "ngồi trên đống lửa", đôn đáo sử dụng mọi giải pháp tình thế, từ tạm dừng việc sửa chữa duy tu, đến nhập khẩu điện cấp thời để tạm thời vượt qua được sự cố. Qua sự cố này, người dân và doanh nghiệp luôn bị thấp thỏm là tình trạng thiếu điện là không thể tránh khỏi, nhất là khi nắng nóng, khô hạn.

 3. Đột phá trong nhận thức để tìm lời giải chiến lược: Theo cách này, các cấp có trách nhiệm và toàn xã hội nhận thức lại một cách sâu sắc vai trò nền tảng chiến lược của ngành điện trong công cuộc phát triển kinh tế. Mọi cấp, mọi ngành, và toàn xã hội căng mắt học hỏi kinh nghiệm hay nhất của quốc tế để từ đó có sự thống nhất cao về ý chí và các phương án hành động cụ thể với một quyết tâm chiến lược: Việt Nam sẽ không còn cảnh thiếu điện triền miên trong tương lai.

Thiếu điện: "Không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ"

Phải đa dạng hóa nguồn cung cấp và biết phân tán rủi ro, ngành điện phải công khai cho người tiêu dùng biết khả năng cung ứng...

Là một dân tộc có khả năng rất cao trong thích nghi với khó khăn và giỏi về xử lý tình thế, sẽ có nhiều khả năng là chúng ta sẽ chỉ dừng ở các cách cách ứng xử thứ 1 và 2. Hơn nữa, "thời tiết" (làm các nhà máy thuỷ điện thiếu nước và trời nóng làm nhu cầu điện tăng đột biến) và "cơ chế" (giá bao cấp, thiếu vốn đầu tư), dường như đã là những lý do khá thuyết phục để chúng ta không cần đề cập đến cách ứng xử thứ 3.

Thế nhưng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thành công trong phát triển ngành điện là tiền đề chiến lược, có ý nghĩa nền tảng cho toàn bộ công cuộc phát triển kinh tế. Do vậy, nếu cách tiếp cận thứ 3 không được đặt ra một cách quyết liệt và sâu rộng, công cuộc hiện đại hoá của nước ta sẽ phải chịu nhiều trở ngại và tổn thất to lớn ở phía trước. Chúng ta cần có được ý chí chiến lược và những chương trình hành động cụ thể để đảm bảo rằng Việt Nam sẽ không còn nguy cơ thiếu điện trong tương lai. Bài viết này muốn gợi ra được một số quan sát và ý tưởng bước đầu cho cách tiếp cận này.

Cần coi dự trữ quốc gia về công suất điện quan trọng hơn dự trữ sắt, thép, xi măng, đường

Có lẽ Hàn Quốc với đóng góp của Công ty Điện lực quốc gia KEPCO là một ví dụ đặc sắc. Hàn Quốc ngày từ lúc khởi đầu đã coi điện là nền tảng cho công cuộc công nghiệp hoá nên luôn luôn chú trọng đầu tư đặc biệt cho phát triển và quản lý ngành này. Do vây, trong lịch sử phát triển của mình, Hàn Quốc không bao giờ phải chịu cảnh thiếu điện, mặc dù nhịp độ tăng trưởng kinh tế của họ có tốc độ rất cao, với sự phát triển bùng nổ của những ngành tiêu tốn nhiều điện như hoá chất, thép, đóng tàu. Lượng điện sử dụng trên đầu người của Hàn Quốc trong giai đoạn 1990-2002 mỗi năm tăng bình quân 330,8 kwh, trong khi con số của Việt Nam này chỉ là 23,4 kwh [1] (nghĩa là thấp hơn Hàn Quốc 10 lần).

Để đảm bảo đủ điện cho dù nhu cầu sử dụng điện có gia tăng nhanh chóng, ngành điện Hàn Quốc, chấp nhận tỷ lệ công suất điện dự trữ rất cao tại một số thời điểm, chẳng hạn, 50% (1972-1973) và 55% (1986-1987). Điều đáng suy nghĩ là, Hàn Quốc không có nguồn thuỷ điện dồi dào, cũng như nguồn than và khí phong phú như của ta nên việc sản xuất điện của Hàn Quốc khó khăn và tốn phí hơn ta rất nhiều.

Mặt khác, phát triển ngành điện của Hàn Quốc còn tạo sức bật cho các ngành công nghiệp xây dựng và chế tạo máy. Các dự án xây dựng nhà máy điện đã giúp các công ty Daewoo và Hyundai có cơ hội tiếp nhận và nội địa hoá công nghệ trong lĩnh vực sản xuất điện từ các công ty nước ngoài (chủ yếu là Mỹ) và mau chóng tích tụ thêm tiềm lực để trở thành các tập đoàn kinh tế có vai trò trụ cột trong phát triển quốc gia.

Làm sao đủ điện? Nhập khẩu!

Chuyên gia kinh tế Bùi Văn - Chương trình kinh tế Fulbright Việt Nam - cho rằng: Nhập khẩu điện là bài toán kinh tế hợp lý nhất cho chúng ta lúc này.

Phát triển ngành điện ở Trung Quốc cũng là một ví dụ đáng tham khảo. Lượng điện sử dụng trên đầu người của Trung Quốc trong giai đoạn 1990-2002 bình quân hàng năm tăng 46,9 kwh (có nghĩa là gấp đôi mức tăng ở nước ta), thế nhưng Trung Quốc về cơ bản có dư điện (khoảng 25%) trong suốt các năm qua (trừ giai đoạn 2002-2003). Việc chúng ta phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc, là nước phải sản xuất trên 70% điện từ than và nhập than của nước ta, cho thấy khả năng hoạch định chiến lược trong phát triển ngành điện của Trung Quốc tốt hơn ta.

Trong thời đại công nghệ thông tin và toàn cầu hoá đang trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế, mức độ quan trọng của ngành điện lực càng cao hơn bao giờ hết.

Nếu chúng ta còn để tình trạng thiếu điện đe dọa, chúng ta sẽ ở thế rất yếu trong kêu gọi đầu tư nước ngoài, đặc biệt đối với các ngành công nghệ hướng tới xuất khẩu; hơn nữa kinh nghiệm thực tế cho thấy, chúng ta phải nhượng bộ nhiều về giá đất, thuế để bù đắp cho yếu kém của ta về cung ứng điện cho các nhà đầu tư.

Mất điện còn làm hệ thống thông tin liên lạc qua Internet tê liệt, điều này sẽ dẫn đến những tổn thất tiềm tàng, rất nghiêm trọng mà không ai có thể đo lường hết được.

Một khi thấy hết vai trò nền tảng đặc biệt của ngành điện, Nhà nước nên coi việc đầu tư vào các dự án phát triển ngành điện quan trọng hơn hẳn hơn là các dự án xi măng, mía-đường, phân bón, sắt thép, lọc dầu, cảng nhỏ địa phương. Chúng ta cũng cần coi dự trữ quốc gia về công suất điện quan trọng hơn dự trữ sắt, thép, xi măng, đường.

 Phát hành trái phiếu có đảm bảo bằng điện

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo trong phát triển ngành điện, đồng thời tạo môi trường thuận lợi nhất cho khu vực kinh tế tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào các nhà máy sản xuất điện độc lập. Chính phủ Hàn Quốc giành 30-50% tổng nợ vay nước ngoài của quốc gia cho đầu tư vào ngành điện. Trung Quốc tạo môi trường khuyến khích đến mức các thành phần kinh tế ồ ạt đầu tư vào ngành điện. Malaysia cho đấu thầu quốc tế với cơ chế minh bạch, thuận lợi, để thu hút các nhà đầu tư tốt nhất trên thế giới vào góp sức phát triển ngành điện của minh.

Về đầu tư, chúng ta không nên để tỷ trọng thuỷ điện trong tổng nguồn điện quá cao như hiện nay (khoảng 48%, trong khi các nước chỉ ở mức 10-20%). Trong tương lai, tình hình thời tiết, khí hậu có thể còn nhiều bất thường trong khi nền kinh tế có mức tổn thương ngày càng cao khi bị thiếu điện (theo chuẩn mức quốc tế là 0,5 USD cho mỗi khw bị thiếu).

Về nguồn vốn đầu tư, chúng ta có thể dung nhiều biện pháp phong phú sáng tạo, kể cả "đổi đất lấy công trình". Chúng ta cũng có thể phát hành trái phiếu có đảm bảo bằng điện, theo giá cả khuyến khích và lãi suất phải chăng. Với mong muốn không còn cảnh thiếu điện trong tương lai và cơ chế lãi suất hợp lý, chắc chắn tráI phiếu phát triển điện lực sẽ giúp huy đông những nguồn vốn rất lớn trong xã hội.

 Cần có quĩ đặc biệt để khuyến khích sáng tạo các phương pháp sử dụng điện tiết kiệm

Mặc dù ngành điện nước ta đã có tiến bộ vượt bậc trong phát triển và công tác quản lý, chúng ta vẫn còn thua kém xa so với nhiều nước lân cận. Tỷ lệ điện thất thoát của ta giảm từ 25% năm 1990 xuống còn 14% năm 2002; đó là điều rất đáng trân trọng. Thế nhưng, tỷ lệ này của Trung Quốc chỉ ở mức 7% và Hàn Quốc ở mức 5-6% trong suốt thời kỳ này.

Ta cũng nên tham khảo và tiếp nhận kinh nghiệm Đài Loan trong định giá bán điện: giá bán điện mùa hè cao hơn các mùa khác khoảng 20-30%; Giá bán điện dịch vụ và tiêu dùng cao hơn hẳn giá điện sản xuất.
Chúng ta cũng cần phát động rộng rãi việc học hỏi và sáng chế các phương pháp sử dụng điện tiết kiệm. Nhà nước và ngành điện cần có quĩ khuyến khích đặc biệt cho các hoạt động này. Các cuộc thi sáng tạo nên có định hướng vào lĩnh vực này.

Chọn ngành điện làm thí điểm đặc biệt cho cơ chế quản lý hiện đại và chống tham nhũng

Coi ngành điện là nền tảng không chỉ là việc phải đầu tư mạnh mẽ tiền của, mà còn là việc tạo nên cơ chế quản lý hiện đại và tuyển chọn đội ngũ cán bộ chủ chốt có tài năng và phẩm chất cao cho ngành kinh tế chiến lược này.

Nên chăng, ngành điện được chọn là ngành thí điểm đặc biệt cho hình thành cơ chế quản lý hiện đại và chống tham nhũng. Theo đó, cán bộ quản lý tài năng được tuyển chọn từ mọi nguồn và được đánh giá định kỳ bởi một uỷ ban cấp quốc gia, CBCNV được trả lương thoả đáng như trong các công ty liên doanh. Với các công trình xây dựng, nhà nước nên cho cơ chế thưởng quản lý dự án 0,5-1% giá trị công trình nếu công trình đạt chất lượng và hiệu quả cao, đúng tiến độ; từ đó có cơ chế đặc biệt nghiêm khắc chấm dứt triệt để việc bên A được hưởng tỷ lệ 10% từ mỗi công trình xây dựng như thông lệ hiện nay.

  • Vũ Minh Khương

[1] Số liệu từ Ngân hàng Thế giới (World Development Indicators, 2004)
 

,
,