Lãng phí và xe công: Đề xuất mới cho chuyện cũ
Hôm nay, nhân tường thuật về thảo luận Dự luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí của Ủy ban thường vụ QH, các báo lại quay trở lại chuyện lãng phí xe công. Quả là chuyện cũ nói lại, bởi một năm nay đã có quá nhiều bài báo bàn về chủ đề này, bàn nhiều đến mức người ta cảm thấy: Lãng phí xe công là lãng phí lớn nhất hiện nay. Có một người nổi tiếng nói rằng: Bàn về chủ để lãng phí và tiết kiệm thì quá mênh mông, vì chúng ta đang lãng phí quá nhiều những thứ phải tiết kiệm, nhưng lại đang tiết kiệm quá mức những thứ cần phải chi đúng lúc. Đâu là điểm nóng nhất của lãng phí mà dư luận cần bàn thay vì xoáy quá sâu vào chuyện xe công? Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, ĐBQH khóa 9, và chuyên gia Bùi Văn - Giảng viên chương trình kinh tế Fulbright, TPHCM.
Năm 2005, Chính phủ sẽ tập trung vào 4 vấn đề: cải cách hành chính, chống tham nhũng, thanh tra công vụ và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. |
Chuyên gia Bùi Văn: Chuyện không đáng ầm ĩ
Chuyện sử dụng xe công có lẽ chẳng có gì đáng phải bàn nhiều. Xe công cũng là một phương tiện sử dụng trong công tác, giống như bộ bàn ghế trong văn phòng, chiếc máy tính hay chiếc máy lạnh. Liệu câu chuyện xe công có đáng để tốn nhiều giấy mực đến thế trên các phương tiện truyền thông, có đáng tốn nhiều thời gian đến thế của các phiên họp cao cấp nhất trong Quốc hội và Chính phủ?
Vấn đề là xe công có khả năng di động trên đường chứ không nằm nguyên trong khuôn viên cơ quan như các thiết bị khác, mà trong quá trình di động ấy có nhiều kết hợp linh động khác: cho bầy con đi đến trường, cho bà vợ đi viếng chùa, hay cho bản thân vị quan chức đi nhậu đêm trong khi tài xế ngồi ngáp bên ngoài.
Còn bao nhiêu vụ lãng phí kinh khủng như cái nhà máy giấy nọ ở Kon Tum tốn hàng trăm triệu đô la mà không dùng được, hay cái cảng kia tốn hàng chục triệu đô la xây xong để ngắm chơi. Tuy nhiên những vụ này người ta ít nhận thấy, mà có thấy giỏi lắm cũng chỉ thấy một chuỗi các tập thể chứ cũng chẳng thấy trách nhiệm của một cá nhân nào. Xe công thì khác: tôi nhìn thấy cái biển xanh ở quán nhậu, tôi nhìn thấy chính cá nhân này bước ra, vậy là rõ.
Các đề xuất mới
Bởi vì câu chuyện xe công dễ bị lạm dụng đến thế và dễ làm cho dư luận bất bình đến thế, nên đã phải nảy sinh ra những đề xuất như khoán chi phí xe công, khoán xăng. Tuy nhiên cần phải thận trọng để không chuyển từ một bất hợp lý này sang một bất hợp lý khác lớn hơn.
Hãy hình dung một vị lãnh đạo được khoán kinh phí để thay thế xe công như một đề xuất. Do giá xe ô tô của Việt Nam cao hơn các nước khác rất nhiều, mà lương lại thấp hơn, nên kết quả là tiền đi lại cao hơn gấp nhiều lần lương chính thức. Đấy là bất hợp lý thứ nhất.
Giả sử người được khoán chi phí lại mua xe về để tự mình lái hay người nhà lái. Kết quả là các vị lãnh đạo đều có xe riêng trong khi người dân hiếm ai có. Tất nhiên cùng chiếc xe đó sẽ buổi sáng đi công vụ, buổi chiều đi nhà hàng, cuối tuần đi nghỉ mát. Lãnh đạo sẽ còn xa dân hơn hiện nay. Đấy là bất hợp lý thứ hai.
Ngay cả chuyện khoán xăng mà không khoán xe. Tự nhiên phát sinh một động cơ khuyến khích các vị lãnh đạo đừng đi đâu cả, mà có đi thì đi gần gần thôi. Các vùng sâu vùng xa thì lâu lâu đi một lần cho có. Không may là việc đi hay không đi lại tùy thuộc vào tinh thần trách nhiệm. Đấy là bất hợp lý thứ ba.
Còn bao điều bất hợp lý khác có thể xảy ra. Các đơn vị cấp dưới sẽ phải cử xe đi đón lãnh đạo về thăm. Có vị lãnh đạo sẽ đi xe ôm đi gặp đối tác nước ngoài. Nhiều đề xuất mới dựa theo quan sát từ các nước phát triển, nhưng phải nhìn nhận là ở đó phương tiện giao thông công cộng đã hết sức văn minh hiện đại, nhà nhà đều có xe ô tô riêng, và dưới sự giám sát chặt chẽ của công luận thì ít ai có động cơ để lạm dụng chiếc xe công.
Liệu có cần chính sách mới
Chẳng phải trong chuyện xe công mà trong mọi lĩnh vực chúng ta đã có nhiều qui định, có lẽ còn nhiều hơn mức cần thiết. Vấn đề là kỷ cương không nghiêm. Các đề xuất mới cũng xuất phát từ tâm lý bi quan trước triển vọng khôi phục kỷ cương.
Tuy nhiên, thay vì thử nghiệm một cơ chế lạ, có lẽ tốt hơn là hãy siết chặt lại kỷ cương. Hãy kỷ luật công khai những vị đã mua xe quá định mức, dù việc mua này có do ai tư vấn. Hãy nhắc các vị lãnh đạo đừng bao giờ để vợ con ngồi vào xe công. Nếu có tiện đường qua chỗ ăn sáng hay nhà bà con thì cũng đừng tranh thủ. Hãy lên lịch công tác cho lái xe như cho một cán bộ cơ quan chứ không phải người làm trong gia đình. Hãy in rõ trong xe lời nhắc “chỉ dùng cho công vụ”. Các biện pháp có vẻ hơi cực đoan, nhưng là cần thiết để khôi phục lại một kỷ cương đã mất.
Đừng triệt tiêu chiếc xe công, chỉ cần để cho nó trở lại đúng vị trí một phương tiện công tác.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh, ĐBQH khoá 9: Lãng phí lớn nhất là những dự án được Nhà nước cấp kinh phí mà không đem lại hiệu quả Lãng phí xảy ra ở nhiều lĩnh vực. Lãng phí trong sử dụng xe công chỉ là một ví dụ chứ không phải là lãng phí lớn nhất. Tôi cho rằng cái lãng phí lớn nhất hiện nay là những dự án được Nhà nước cấp kinh phí nhưng không đem lại hiệu quả: trong xây dựng cơ bản, trong hoạt động kinh tế, trong nghiên cứu khoa học, trong hoạt động văn hoá... Nếu có một cuộc khảo sát toàn diện về những dự án được Nhà nước cấp kinh phí mà không mang lại hiệu quả thì ta sẽ thấy số tiền đó là một con số khổng lồ. Điều đáng buồn là nhiều người biết vậy nhưng vẫn tiếp tục tham gia vào các dự án, thậm chí nghĩ ra các kiểu dự án vì lợi ích của bản thân chứ không vì lợi ích của xã hội. Thậm chí hình thành những đường dây chạy dự án mặc dù mọi người đều biết là những dự án đó không đem lại hiệu quả gì thiết thực. - Đã từng có ý kiến về việc này, nhưng một số ý kiến cho rằng đời sống của trí thức nói chung còn thấp, việc làm dự án cũng là một cách nâng cao đời sống một cách chính đáng? - Việc cấp kinh phí cho những dự án nghiên cứu là tốt nhưng việc kiểm tra, giám sát, nghiệm thu không tốt đã dẫn tới tiêu cực. Nên cải thiện đời sống bằng kiểu khác, cải thiện kiểu này là không chính đáng mà tiền cũng chỉ là rơi vào tay một số người. Nói làm như vậy để nâng cao đời sống là cách biện minh. Nhiều người làm khoa học, văn nghệ có lương tâm họ thấy đau buồn vì thực trạng này. - Khi đang là ĐBQH, đã có bao giờ ông nói điều này tại diễn đàn QH chưa? - Cũng có. Nhưng hồi đó hiện tượng này chưa nhiều |
-
Lương Bích Ngọc (thực hiện)
Sự kiện qua các báo:
Tuổi trẻ: Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội TRẦN QUỐC THUẬN: Dịch vụ xe công: rất hay!
Tuổi trẻ: Làm sao mà gần dân được?
Tuổi trẻ: Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá: Sẽ thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe công
Tuổi trẻ: Chống việc sử dụng xe "chùa" cách nào?
Tiền phong: Ủy ban TVQH cho ý kiến về Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Quy rõ trách nhiệm cá nhân
Tiền phong: Không chỉ là chuyện “xe đi lễ chùa”
Tiền phong: Dự thi viết “Những ý tưởng cải cách hành chính”: Quản lý xe công tập trung
Lao động: Phiên họp thứ 28 Ub Thường vụ Quốc hội: Công khai định mức, tiêu chuẩn trong quản lý nhà nước
Lao động: Phải công khai, minh bạch trong chi tiêu ngân sách