Xuất khẩu lao động: Nợ lãi để... chờ bay!
Chỉ tính riêng ở Thanh Hoá, hàng trăm người tham gia xuất khẩu lao động đã hoàn tất thủ tục hiện đang chờ đợi xuất cảnh trong vô vọng. Hàng chục trường hợp khác vừa đến Qatar đã phải quay trở về do không được bố trí đúng công việc ký kết trong hợp đồng.
Trong khi đó, tháng nào họ cũng phải đóng tiền lãi cho ngân hàng và chuẩn bị phải trả cả tiền gốc. Việc thì chưa có vẫn phải chờ đợi. Nhiều gia đình nghèo không biết xoay xở thế nào, và nợ lại chồng lên nợ.
Đợi trong tuyệt vọng
Ngày 6/11/2006, anh Quách Văn Tuấn - ở làng Sen, xã Xuân Du, huyện Như Thanh (Thanh Hoá) đã tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) thuộc Tỉnh đội Nam Định đăng ký tham gia XKLĐ sang Brunei với nghề hàn công nghiệp và phải đóng phí môi giới 1 triệu đồng.
Một trong những nạn nhân của "cò" xuất khẩu lao động. Ảnh: Lao Động
Hoàn thành mọi thủ tục, Tuấn được giới thiệu lên Trung tâm Hợp tác lao động quốc tế Vilaxim đóng tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Ngày 10/1/2007, Vilaxim thu 200 đôla Mỹ của anh Tuấn, đổi lại Tuấn sẽ được sang Brunei làm nghề hàn trong xưởng ôtô và sẽ lên đường vào đầu tháng 2.2007. Anh Tuấn về nhà chờ mãi vẫn không thấy Vilaxim gọi.
Cho đến tận ngày 9/5 mới đây, TTDVVL thuộc Tỉnh đội Nam Định thông báo gọi Tuấn đến làm thủ tục lên đường. Nhưng rồi, anh lại ra về trong nỗi thất vọng vì không đến lượt.
Được mấy hôm, đến 16/5, anh Tuấn lại bị gọi đi bổ túc tay nghề, nhưng thực tế là bổ túc tiếng Anh.
Anh Tuấn cho biết đợt tuyển dụng này do Công ty Tranco đảm nhiệm, với khoảng 120 LĐ tham gia. Song cuối cùng, chỉ khoảng gần 40 LĐ gặp may mắn. Số đông còn lại đến sáng ngày 19.5 vẫn không được tham gia tuyển, họ nhận được những lời giải thích chung chung rồi lại phải khăn gói về quê.
Nguyễn Đình Vinh ở Bồng Thượng - xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh - là một trong số hàng chục LĐ đã đăng ký XKLĐ sang Qatar, nhưng cũng đang phải ngồi nhà chờ đợi suốt nhiều tháng qua.
Anh Vinh kể: "22 người trong nhóm chúng tôi thi đỗ tay nghề từ tháng 10/2006. Nhưng đến nay mới có 11 người "bay" được. Ngày 16/5, họ lại tiếp tục có thông báo tuyển 100 người. Trong hợp đồng ký kết, chậm nhất từ 60 đến 90 ngày phải "bay". Vậy mà thời gian chúng tôi chờ đợi đã hơn 7 tháng rồi, vẫn chưa biết bao giờ mới đến lượt mình được gọi".
Chồng chất nợ nần
Đa phần những người tham gia XKLĐ ở Thanh Hoá đều có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. Họ ra đi là cầu mong sự thay đổi, nhưng phải đánh cược bằng những khoản tiền vay nợ lãi của ngân hàng, tư nhân. Nhưng rồi niềm hy vọng của họ đang dần vụt tắt bởi chờ đợi hàng nửa năm trời vẫn không đi được.
Trần Văn Hoan sinh ra trong một gia đình có tới 8 anh chị em - ở xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh - tâm sự rằng, anh đã phải đợi chờ suốt 7 tháng qua và chưa biết đến bao giờ công ty mới gọi đến tên mình. Cảnh ngồi nhà nằm chờ mới thật cơ cực.
"Tôi không dám đi làm ăn xa, không dám đi chơi cùng đám bạn bè trong xã, vì sợ không may xảy ra đánh nhau hay ốm đau đúng lúc có giấy gọi lên đường thì sẽ bị đơn vị cung ứng LĐ phạt rất nặng".
Ông Trần Văn Vũ - ở thôn Tân Lập, xã Xuân Du, huyện Như Thanh có con là Trần Văn Việt chờ "bay" đã 7 tháng nay - nói: "Quan trọng hơn đó là khoản tiền vay ngân hàng 20 triệu đồng từ tháng 9 năm ngoái. Tiền mình vay phải chuyển khoản luôn cho đơn vị cung ứng LĐ.
Thời gian nằm chờ đã 7 tháng rồi, tháng nào cũng phải trả nợ với mức lãi suất 1,25%, mỗi tháng nộp 250 nghìn đồng. Đó là chưa kể vào cuối tháng 11 tới đây, ngân hàng họ sẽ thu 8 triệu tiền gốc. Con chúng tôi chưa bay được, bây giờ biết đào đâu ra tiền để trả cho ngân hàng đây".
Làm việc với PV chiều ngày 18/5, ông Trần Văn Nam - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Thanh Hoá - cho biết: Tình hình XKLĐ đang có những vướng mắc, các DN cần phải nhanh chóng tháo gỡ.
Ngày 12/4, Sở LĐTBXH đã ra văn bản số 546/SLĐTBXH yêu cầu các DN tham gia XKLĐ trên địa bàn và UBND các huyện, thị báo cáo nhanh số lượng LĐ đã tuyển chia theo thị trường, số LĐ đã học xong định hướng, số LĐ chờ "bay"... báo cáo về sở chậm nhất là ngày 20/4.
Song đến nay mới có khoảng 20 DN báo cáo. Ông Nam khẳng định: Trong những ngày tới, sở sẽ yêu cầu các DN tuyển quá số lượng quy định, để NLĐ chờ "bay" quá lâu phải bồi hoàn thiệt hại hoặc phải đưa hết số lượng đã tuyển đi làm rồi mới được tuyển dụng tiếp.
(Theo Lao động)
Ý kiến của bạn?