Hình dung về việc làm trong tương lai
Thời đại toàn cầu hoá đang xồng xộc tới mọi cửa nhà, thay đổi vô số thứ, trong đó có thị trường lao động.
| ||
|
Có những quy tắc truyền thống sẽ tồn tại, song cách sử dụng lao động sẽ thay đổi cơ bản, kéo theo nhiều thay đổi lớn trong cách nghĩ, cách làm của người lao động.
Lao động toàn cầu vừa thiếu vừa thừa
Đối với hoạt động của một doanh nghiệp, ngoài yếu tố vốn, phương án kinh doanh, thì phát triển nguồn nhân lực là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu. Và vấn đề đó ngày nay, thời toàn cầu hoá, đang là vấn đề gây đau đầu cho các doanh nghiệp và sau đó là các nền kinh tế trên thế giới.
Tại các nước phát triển như Mỹ và Tây Âu, các ông chủ đang đối mặt với tình trạng lao động già và chi phí nhân công cao. Khoảng gần một thập niên trở lại đây, các nước phát triển đang phải đối mặt với sự già nua dân số, khiến những nước này thiếu hụt lực lượng lao động trầm trọng.
Trong khi đó, các ông chủ ở châu Á và những phần còn lại của thế giới đang phát triển lại đối mặt với tình trạng thiếu những ứng viên thích hợp cho các vị trí quan trọng dù nhân công lúc nào cũng thừa. Các chủ doanh nghiệp ở đây đều cảm nhận được rằng với nền kinh tế ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu và thị trường cạnh tranh gay gắt, thì nguồn nhân lực cao cấp trong quản trị kinh doanh càng cần thiết hơn bao giờ hết. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm được điều này và không phải nước nào cũng có thể sẵn lực lượng lao động đó.
Jeffrey A. Joerres, Chủ tịch hãng Manpower (nhân lực), là người hiểu rõ hơn ai hết về tình trạng và triển vọng của nhân lực toàn cầu, bởi với doanh thu năm 2005 đạt hơn 15 tỷ USD, hãng Manpower của ông đang là nhà cung cấp nhân lực lớn thứ 2 thế giới. Hãng cũng cấp khoảng 2 triệu nhân công mỗi năm tới các vị trí chuyên nghiệp, công nghiệp và văn phòng ở 72 nước trên thế giới.
Với kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực này, ông đã có những nhìn nhận sâu sắc về tình hình nhân lực trong tương lai trên phạm vi toàn cầu, về sự thay đổi dòng nhân công, về những bộ phận phụ trách nhân lực của các tập đoàn và những khó khăn các công ty sẽ gặp phải ở các thị trường như Trung Quốc hay Ấn Độ.
Các công ty sẽ tăng cường sử dụng lao động không thường xuyên
Joerres cho rằng điều đầu tiên mà hầu hết các công ty đang cố gắng là sự năng động và sức bật và để làm được điều đó, tất cả đều phải công nhận rằng động lực chính là những nhân viên năng động và có sức bật. Trong số 10 khách hàng chính của công ty ông, nhân lực luôn được đào tạo và tuyển mới để thay thế những người không còn phù hợp với đà tăng trưởng của công ty.
Và để đáp ứng được sự thay đổi mau lẹ nhất, đa số họ đều sử dụng khoảng 10% - 25% lao động không thường xuyên. Các công ty lớn đang làm tốt như vậy, công ty vừa thì khó theo kịp, trong khi công ty nhỏ hầu như không thể sử dụng nhân công theo kiểu đó. Nhưng xu thế tương lai, theo ông, phải như vậy.
Bởi sử dụng lao động không thường xuyên, các công ty không những dễ dàng thay đổi cho thích ứng với tình hình sản xuất kinh doanh mà còn giảm thiểu được chi phí bảo hiểm và trang thiết bị phục vụ cho công việc. Và đó chính là cơ hội cho ngành dịch vụ nhân lực phát triển mạnh mẽ ở hầu khắp các nền kinh tế trong tương lai gần.
Điều lớn nhất mà cả người tuyển dụng và người lao động có được nhờ việc sử dụng theo kiểu đó là kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp. Cả hai đều có được điều đó nhờ có cơ hội thử nghiệm ở các tình huống khác nhau, và lần nào cũng đòi hỏi sự đối đãi chuyên nghiệp nhất từ cả hai phía. Điều đó rèn luyện cho cả hai trở nên hoàn thiện và chuyên nghiệp nhất.
Những thay đổi của thị trường lao động trong tương lai
Với các công ty lớn, lao động không thường xuyên giờ đã thành chiến lược cố định, đó là thay dổi đầu tiên. Nhờ cơ cấu bớt cồng kềnh và nhân lực hoạt động hiệu quả hơn, họ đã giảm thiểu được những ý tưởng, những dự án vô bổ và nâng cao được giới hạn năng lực làm việc cho nhân viên.
Với người lao động, sẽ không còn khái niệm "nghề ngon ăn" nữa, hay ít nhất là sẽ giảm bớt. Bởi mỗi nghề trong tương lai sẽ có vòng đời ngắn hơn, và sự cạnh tranh cho các vị trí gay gắt hơn, công bằng hơn, bởi tất cả đều phải tỷ thí trong môi trưởng mở rộng ra toàn xã hội chứ không bó hẹp trong phạm vi công ty.
Một thay đổi lớn nữa là quá trình tự đào tạo sẽ thay thế cho việc doanh nghiệp đào tạo nhân viên. Nếu chưa đủ sức làm việc, họ sẽ phải tự đào tạo tại các trường lớp, hoặc ngay chính trụ sở công ty nhưng phải là ngoài giờ, không ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Một thay đổi có thể sẽ sớm xảy ra là đối với công đoàn. Thay vì bảo vệ trực tiếp với người lao động, họ sẽ tập trung vào bảo vệ những cơ sở mang lại việc làm cho họ. Đó là môi trường làm việc, là tình hình kinh doanh của các công ty, là năng lực của nhân công... Bảo vệ những thứ đó là cách vững bền nhất để bảo vệ lợi ích người lao động.
Tất nhiên, theo ông Jeffrey A. Joerres, cốt lõi của sự hợp tác trên thị trường lao động sẽ không thể thay đổi. Đó là lương bổng, bảo hộ lao động, thưởng và các lợi ích đáng được hưởng.
-
Nhật Vy (Tổng hợp)