Hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN:1tiền gà 3 tiền thóc!
10:31' 06/11/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Miễn giảm thuế thu nhập DN (TNDN) không có tác động lớn đối với quyết định đầu tư của DN tư nhân trong nước và là khoản bao cấp không đáng có mặc dù nó khá phổ biến. Đây là kết luận từ báo cáo nghiên cứu thực nghiệm do GS TS Nguyễn Thị Cành cùng đồng nghiệp tại Khoa Kinh tế ĐHQG TP.HCM thực hiện.

Soạn: AM 188757 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Ưu đãi thuế TNDN chưa hẳn đã khuyến khích DN đầu tư mở rộng sản xuất.

Báo cáo này được thực hiện dựa trên khảo sát thực tế 140 DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân 3 tỉnh Tiền Giang, Bình Dương và TP.HCM.  Mục tiêu và nội dung của báo cáo chỉ là miêu tả và hiểu rõ hơn tác động của các chính sách ưu đãi thuế TNDN với DN tư nhân trong nước, chứ không phác hoạ bức tranh tổng quan cho tình hình cả nước hay bao quát đầy đủ các chính sách ưu đãi về thuế và những chính sách ưu đãi khác. Tuy nhiên báo cáo cũng cung cấp một số thông tin thú vị và đáng suy nghĩ.

Không được ưu đãi thuế TNDN: Vẫn đầu tư

Kết quả điều tra dựa trên phỏng vấn sâu và biểu câu hỏi của nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng khi quyết định đầu tư thì các yếu tố liên quan đến hạ tầng, nguồn nhân lực tốt là  quan trọng nhất đối với DN chứ không phải ưu đãi thuế TNDN. Ngoài ra khả năng tiếp cận nguồn nguyên liệu, tiếp cận thị trường, luật pháp tại địa phương và cách ứng xử của các chức sắc địa phương cũng được xếp trên ưu đãi thuế TNDN trong các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư.

Trên thực tế gần 85% số DN nhận ưu đãi thuế TNDN cho rằng họ chắc chắn hoặc chắc sẽ tiếp tục đầu tư như cũ cho dù không nhận được ưu đãi thuế TNDN. Tại Tiền Giang 9 trong số 13 DN nghĩ rằng dù thế nào họ cũng vẫn đầu tư. Ở Bình Dương, 80% DN sẽ vẫn đầu tư những khoản tương tự dù không có thuế ưu đãi TNDN mà họ được hưởng, 10% nói rằng sẽ không đầu tư vào đâu nếu không có ưu đãi thuế và 10% còn lại không có câu trả lời dứt khoát. Tỷ lệ tương tự của TP.HCM là 92%, dưới 3% và 5,41%. Như vậy có thể thấy rằng ưu đãi thuế TNDN là khoản bao cấp đầu tư không đáng có từ ngân sách nhà nước.

Có những vùng sử dụng các ưu đãi thuế TNDN hấp dẫn để mời chào nhà đầu tư nhưng vẫn không hoặc thu hút được rất ít DN như huyện Nhà Bè và Cần Giờ ở TP.HCM, huyện Tân Phước (Tiền Giang) hay Phú Giáo (Bình Dương). Lý do của họ là ở đó thiếu cơ sở hạ tầng, khó thu hút được nhân lực tốt, xa vùng nguyên liệu và chi phí cho các yếu tố trên có thể lớn hơn nhiều so với phần ưu đãi về thuế.

Theo ông Nick Freeman - chuyên gia tư vấn của dự án "Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam" (VNCI) thì tốt nhất Chính phủ nên sử dụng khoản ngân sách dành cho ưu đãi thuế TNDN đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đào tạo đội ngũ công nhân... những yếu tố quan trọng hơn đối với DN. 

Để hưởng ưu đãi thuế TNDN: Phải lo "phí"

Gần 69% DN được phỏng vấn đồng ý với nhận định quy trình ưu đãi thuế ở Việt Nam rất phức tạp và khó hiểu. Công ty A được thành lập từ năm 1999 với vốn điều lệ 1 tỷ đồng sản xuất chế biến nông sản, được hưởng ưu đãi thuế TNDN, nhưng không làm thủ tục nhận ưu đãi. Theo chủ DN nếu anh làm thủ tục nhận ưu đãi sẽ được miễn thuế 2 năm đầu và giảm thuế 50% của 4 năm tiếp. Nhưng anh ta không làm với lý do hai năm đầu mới thành lập DN chưa có lãi, 2 năm tiếp theo có lãi nhưng rất thấp, nên có miễn thuế thì phần này không đáng kể. Bốn năm tiếp theo có lời nhưng chưa cao, lợi nhuận trước thuế ước tính của 4 năm là khoảng 60 triệu đồng. Nếu phải đóng thuế TNDN ở mức 28% hay 32% thì phải đóng khoảng 18 triệu trong 4 năm đầu. Nếu công ty A làm thủ tục ưu đãi, anh ta phải tốn một khoản phí cho đường dây chạy thủ tục nhận ưu đãi bằng số tiền thuế đóng cho Nhà nước mà còn mất công lo các loại giấy tờ. Trong trường hợp này, cả công ty lẫn DN sẽ bị thiệt do vậy công ty quyết định không làm thủ tục nhận ưu đãi thuế TNDN.

Dựa vào bình luận của một số công ty cho thấy một tỷ lệ tương đối cho rằng vì thời gian và các chi phí liên quan đến việc nhận ưu đãi thuế TNDN vượt quá số lượng chi phí thuế có thể tiết kiệm được, nhất là đối với các DN mới thành lập nên họ không quan tâm đến việc xin các ưu đãi thuế TNDN cho dù có đủ điều kiện.

Bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ nhận xét: điều mà DN mong mỏi không phải là ưu đãi về thuế, quan trọng hơn là tất cả rào cản phải được xoá bỏ và DN được tạo điều kiện thuận lợi nhất để sản xuất kinh doanh.

  • Cẩm Tú
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
DN khu chế xuất được ưu đãi thuế theo ''Chương trình thu hoạch sớm''
Tổng cục Thuế ''nhượng bộ'' DN khu chế xuất, khu công nghiệp
Từ 1/7, cắt giảm thuế 17 mặt hàng tham gia AFTA
Vì sao DN khu chế xuất bị ''ngưng'' hưởng thuế ưu đãi theo CEPT?
CÁC TIN KHÁC:
Số DN đăng ký mới tăng mạnh (06/11/2004)
Người nghèo khó tiếp cận thị trường đất đai (05/11/2004)
Oxfam: Vào WTO, Việt Nam đang bị các nước giàu "ép" (03/11/2004)
Cấp bách dịch vụ trước thềm WTO (26/10/2004)
Đẩy nhanh thông quan hành lý xuất nhập cảnh (26/10/2004)
Chính sách chưa tạo động lực "thúc" DN nhà nước (21/10/2004)
25% lãnh đạo DN Việt Nam là nữ (19/10/2004)
Năng lực cạnh tranh tụt 15 hạng, VN khó thu hút FDI? (18/10/2004)
Lần đầu tiên VN tham gia đua thuyền buồm quốc tế (15/10/2004)
Doanh nghiệp hãy đứng trên đôi chân của mình (14/10/2004)
Ngày doanh nhân, nhìn về sự kiện Phú Mỹ Hưng (14/10/2004)
2 tỷ đồng cho người nghèo nhân Ngày doanh nhân (14/10/2004)
Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh sẽ phân bổ quota (07/10/2004)
ATF hôm nay, cộng đồng kinh tế ASEAN ngày mai? (06/10/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang