Năng lực cạnh tranh tụt 15 hạng, VN khó thu hút FDI?
04:34' 18/10/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Theo báo cáo Cạnh tranh toàn cầu 2004-2005 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố, thứ hạng của VN đã giảm 15 bậc so với năm ngoái.

Sản xuất xi măng - một trong những lĩnh vực cần thu hút đầu tư nước ngoài.

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế của VN để tìm lời giải cho sự sụt giảm mạnh này.

Báo cáo thường niên về tính cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) dựa trên khảo sát đối với 8700 DN tại 104 quốc gia.

WEF sử dụng chỉ số về "cạnh tranh tăng trưởng" để xếp hạng các nước. Tính theo chỉ số này, VN xếp ở vị trí 77/104 nước. Trong khi thứ hạng của VN năm 2003 là 60/102 nước.

Yếu kém về công nghệ và cải cách hành chính chậm chạp

Chỉ số về cạnh tranh tăng trưởng (Growth Competitiveness Index) bao gồm 3 cột trụ: chất lượng môi trường kinh tế vĩ mô, tình trạng của các định chế quốc gia, và sự sẵn sàng tiếp cận công nghệ cao của đất nước.

Báo cáo cũng ghi nhận sự tụt hạng mạnh của VN.

Thứ hạng cạnh tranh tăng trưởng GCI

Quốc gia

  Năm 2004
(trên 104 nước)

Năm 2003 
(trên 102 nước)

Singapore 

 7

 6

 Malaysia

31

 29

 Thái Lan

34

32 

Trung Quốc 

 46

 44

 Indonesia

 69

 72

Philippines 

76

66

Việt Nam

77

60

"Sự tụt hạng của VN liên quan sự sụt giảm quan trọng trong cả 3 lĩnh vực của chỉ số, đặc biệt là về định chế và công nghệ". Báo cáo viết.

Trong đó, chỉ số về định chế của VN năm nay là 82 trong khi năm ngoái xếp thứ 63. Chỉ số công nghệ còn sút giảm mạnh hơn nữa, 92/104 ( con số của năm 2003 là 65).

VietNamNet đã trao đổi với bà Phan Thanh Hà, Phó Trưởng Ban nghiên cứu Chính sách Kinh tế Vĩ mô, Viện Nghiên cứu Kinh tế Quản lý TW (CIEM), đối tác đã phối hợp với WEF thực hiện khảo sát đối với các DN tại VN.

Bà Hà cũng cảm thấy "bất ngờ" khi thứ hạng về năng lực cạnh tranh quốc gia của VN lại có sự giảm sút mạnh đến như vậy.

"Vì mặc dù tổng vốn đầu tư nước ngoài của VN có giảm  song vốn tái đầu tư của VN lại tăng lên. Đây là một chỉ số tốt, phản ánh mức độ tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh của VN". Bà Hà giải thích.

- Là một đối tác giúp WEF thực hiện khảo sát đối với DN VN, theo bà Báo cáo của WEF đã phản ánh đúng năng lực cạnh tranh của VN?

Thứ hạng cạnh tranh kinh doanh BCI

Quốc gia

  Năm 2004
(trên 103 nước)

Năm 2003 
(trên 95 nước)

Singapore 

10 

 8

 Malaysia

23 

 26

 Thái Lan

37 

31 

Trung Quốc 

 44

 60

 Indonesia

 47

46 

Philippines 

 70

64

Việt Nam

79

50

- Chúng tôi giúp WEF thực hiện điều tra đối với 100 DN đang hoạt động tại VN, trong đó có 3-6% là DN có vốn FDI, 70% là DN nhỏ. Tỉ lệ các DN nhỏ chiếm 70%. Mặc dù chúng tôi đã cố gắng lựa chọn những DN tiêu biểu, tương đối lớn về quy mô, tỷ trọng đóng góp trong nền kinh tế để có thể đại diện cho giới kinh doanh tại VN. Song, với con số mấy chục ngàn DN đang hoạt động tại VN thì mẫu điều tra chưa phải là lớn. Do vậy, câu trả lời có thể chưa thực sự khách quan.

Tuy nhiên, Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới được đánh giá là một trong những công cụ kiểm tra hàng đầu về điều kiện cạnh tranh của các nền kinh tế toàn cầu với sự cộng tác của 109 viện nghiên cứu đối tác (trong đó có CIEM). Họ có những đánh giá độc lập của mình và khó có thể nghi ngờ tính khách quan của báo cáo. Rõ ràng, thứ hạng như vậy của VN cũng đáng để chúng ta suy nghĩ. Trong thời gian tới, CIEM sẽ tổ chức một hội thảo để tìm lời giải đáp cho nguyên nhân vì sao thứ hạng của VN lại sụt giảm mạnh như vậy.

- Như bà vừa giải thích, kết quả trên dựa trên cuộc khảo sát ý kiến của các DN. Nói cách khác, thứ hạng này phản ánh thái độ, lòng tin của các DN vào môi trường kinh doanh ở VN?

- Đúng là như vậy.

- Theo đánh giá của bà thì nguyên nhân của sự rớt hạng mạnh này là gì?

- Nguyên nhân thì nhiều, nhưng có thể căn cứ vào hai chỉ số công nghệ và định chế, những chỉ số đã ảnh hưởng mạnh nhất tới thứ hạng của VN. Trong khi đó, công nghệ và thể chế đều liên quan đến vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp.

Sự yếu kém về đổi mới công nghệ của các DN VN là điều có thể thấy được. Một mặt là vì vốn đầu tư nước ngoài vào VN mấy năm nay giảm mạnh, bất kể những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ. Mặt khác, ở VN việc chuyển giao công nghệ theo license không có. Trong khi, những lĩnh vực đầu tư công nghệ cao như bưu chính viễn thông, cơ sở hạ tầng của VN lại "mở cửa" chưa nhiều. Chẳng hạn, mặc dù Nhà nước kêu gọi rất nhiều nhưng loại hình đầu tư BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) hầu như chỉ có các DN Nhà nước rót vốn, còn các DN tư nhân hay nước ngoài hầu như vắng bóng. Quy định thắt chặt trong tuyển dụng lao động nước ngoài (chỉ được sử dụng không quá 30% số lượng lao động là người nước ngoài) cũng hạn chế rất nhiều đến việc chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý từ các chuyên gia nước ngoài.

Chỉ số về thể chế mà WEF đưa ra bao gồm khung pháp lý, quyền sở hữu trí tuệ, đất đai, tính chất độc lập của Toà án, mức độ an toàn về kinh doanh... Xét trên khía cạnh này thì tuy VN đã sửa đổi và ban hành rất nhiều luật mới song quá trình thực thi còn chậm trễ và nhiều yếu kém.

- Như bà vừa đề cập thì rõ ràng trong năm vừa qua, VN đã tiến hành sửa đổi và ban hành rất nhiều luật mới. Thậm chí, Chính phủ còn đang giao các Bộ ngành gấp rút soạn thảo một bộ luật DN và luật Đầu tư nước ngoài thống nhất. Vậy thì tại sao chỉ số về thể chế vẫn sụt giảm lớn?

- Đúng là trên thực tế VN đã sửa đổi và ban hành rất nhiều luật mới nhằm làm cho môi trường kinh doanh ngày càng trở nên thông thoáng hơn. Nhưng lại cũng phải thừa nhận một điểm yếu cố hữu của chúng ta là công tác ban hành và thực thi các văn bản dưới luật, hướng dẫn thực hiện luật còn nhiều yếu kém, lủng củng. Tình trạng ra các Nghị định, thông tư mâu thuẫn với luật vẫn tồn tại cho dù Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực để cải thiện. Đơn cử một ví dụ như việc tăng mức thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô, xe máy, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô trong năm vừa rồi đã khiến DN phản ứng và "kêu ca" rất nhiều. Rõ ràng, những quy định này đã ảnh hưởng trực tiếp đến DN nhưng khi ban hành chúng ta lại chưa có sự tham khảo ý kiến DN và cho họ một thời gian chuẩn bị cần thiết.

Ngoài ra, còn tình trạng "trên mở dưới khép". Trong Hội nghị các nhà tài trợ cho VN (CG), các nhà đầu tư nước ngoài cũng có đề cập đến việc VN nới lỏng và bãi bỏ các quy định trong khâu bán ngoại tệ nhưng thực tế thì các DN không thể mua ngoại tệ từ các ngân hàng.

Những vụ việc như thế đã ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của DN vào các thể chế.

Khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của VN sẽ gặp khó khăn?

- Báo cáo của WEF về năng lực cạnh tranh sẽ tác động như thế nào tới VN, thưa bà?

- Báo cáo của WEF có hai ý nghĩa. Một là, Chính phủ các nước sẽ nhìn vào bảng xếp hạng này để thấy trong năm nay, nước mình có sự thay đổi như thế nào, vị trí ra sao trong tương quan với các nước khác. Từ đó, Chính phủ sẽ phải xem xét lại tất cả các chính sách của mình, nhất là đối với các lĩnh vực được xếp hạng.

Hai là, Báo cáo có tính chỉ dẫn, tham khảo cho các nhà đầu tư khi họ lựa chọn đầu tư vào một nước nào đó. Rõ ràng, đối với một doanh nhân khi tìm kiếm nơi đầu tư sẽ chọn nơi nào có chỉ số tốt hơn.

- Tức là khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của VN sẽ gặp khó khăn?

- Đúng vậy. Chắc chắn việc thu hút FDI của chúng ta sẽ gặp khó khăn nếu không có những thay đổi mạnh mẽ. Trong một hai năm vừa qua, một số thay đổi đột ngột về chính sách của VN đã gây ảnh hưởng nặng nề tới tài chính DN, khiến nhà đầu tư mất niềm tin.

Các nhà đầu tư cũng phàn nàn về việc VN chưa mở cửa nhiều trong một số lĩnh vực đầu tư, nhất là dịch vụ.

- Xin cảm ơn bà!

  • Việt Lâm (thực hiện)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Lần đầu tiên VN tham gia đua thuyền buồm quốc tế (15/10/2004)
Doanh nghiệp hãy đứng trên đôi chân của mình (14/10/2004)
Ngày doanh nhân, nhìn về sự kiện Phú Mỹ Hưng (14/10/2004)
2 tỷ đồng cho người nghèo nhân Ngày doanh nhân (14/10/2004)
Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh sẽ phân bổ quota (07/10/2004)
ATF hôm nay, cộng đồng kinh tế ASEAN ngày mai? (06/10/2004)
TP.HCM: Kinh tế dân doanh tăng trưởng vượt khu vực FDI (06/10/2004)
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: ''Thà đau một lần...'' (30/09/2004)
Một con người tận tụy với Việt Nam (29/09/2004)
Phú Mỹ Hưng: Biến cố không làm thay đổi KH đầu tư (27/09/2004)
"DN tìm đất như Đường Tăng đi lấy Kinh!" (27/09/2004)
Thuế, hải quan làm yếu sức cạnh tranh của DN (27/09/2004)
25/9, DN trẻ TP.HCM đối thoại với cơ quan quản lý (24/09/2004)
''Sức hút FDI'' của Việt Nam đứng thứ 50 thế giới (22/09/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang