TP.HCM: Kinh tế dân doanh tăng trưởng vượt khu vực FDI
04:34' 06/10/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2004 của TP.HCM sẽ đạt 11,5%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 4 năm qua. Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TP.HCM đã nhận định như vậy tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 18 tổ chức vào sáng nay, 5/10. Tuy nhiên, kết quả này chưa làm lãnh đạo TP hài lòng... 

Soạn: AM 162158 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Dịch vụ cao cấp và thương mại vẫn chưa phải là các ngành kinh tế chủ yếu của thành phố.

9 tháng, GDP tăng 10,7%

Kinh tế 9 tháng đầu năm của TP.HCM có những bước phát triển mạnh. Tại hội nghị sáng nay, ông Hải thông báo, 9 tháng đầu năm, tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 10,7% so với cùng kỳ, và quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước.

Công nghiệp - Xây dựng là lĩnh vực đóng góp cao nhất, với giá trị gia tăng 12,7%. Khu vực Dịch vụ - Thương mại có nhiều khởi sắc, với giá trị gia tăng 9,6%. Trong khu vực này, tăng cao nhất là doanh thu du lịch, với 31% so với cùng kỳ.

Một điểm đáng chú ý là, lần đầu tiên, khu vực kinh tế dân doanh đã phát triển vượt khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi giá trị gia tăng khu vực kinh tế Nhà nước tăng 8,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,8%, thì khu vực kinh tế dân doanh có giá trị tăng 13,3%.

9 tháng đầu năm, thu ngân sách đạt 36.896 tỷ đồng, tăng 30,7% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất so với các năm qua. Trong số này, thu nội địa đạt 20.098 tỷ đồng.

Điều hiện nay khiến các nhà lãnh đạo, chuyên gia kinh tế TP.HCM quan tâm là mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế có cao hơn các năm trước, song vẫn còn thấp so với mục tiêu cả năm đề ra, là 11,5% đến 12%.

Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Điều lo ngại ấy là có cơ sở, khi công nghiệp - lĩnh vực đóng góp cao vào chỉ số tăng trưởng GDP - mặc dù vẫn giữ được tốc độ tăng cao nhất trong 3 khu vực kinh tế, nhưng giá trị gia tăng trên 1 đồng giá trị sản xuất ngày càng giảm (năm 1995 là 0,04; 2000 là 0,37; 2002 là 0,33; 2004 chỉ đạt 0,32). Điều này chứng tỏ công nghiệp thành phố chỉ phát triển chiều rộng, chưa phát triển chiều sâu. Công nghiệp hiện nay chủ yếu vẫn là các ngành sử dụng lao động giản đơn, các ngành gia công, lắp ráp. Còn các ngành có hàm lượng kỹ thuật cao, giá trị gia tăng cao chưa có sự chuyển biến mạnh. Trong khi đó, cơ cấu các ngành công nghiệp chưa có sự chuyển dịch đáng kể.

Tương tự như vậy, mặc dù là đô thị lớn đông dân, nhưng tốc độ tăng GDP bình quân của ngành xây dựng trong những năm qua và 9 tháng năm 2004 vẫn đạt thấp. Điều đáng suy ngẫm, hoạt động xây dựng ở TP.HCM là một lĩnh vực khá sôi động, với nhiều công trình lớn nhất nước, thế nhưng 9 tháng đầu năm, lĩnh vực này chỉ tăng 4,9%, thấp hơn nhiều so với tăng trưởng kinh tế của thành phố và chưa bằng một nửa tốc độ tăng của công nghiệp. Thành phố chưa có đột phá trong việc xây dựng các khu đô thị hiện đại, xứng tầm của một thành phố lớn.

Một dấu hiệu cho thấy thiếu cân đối nữa là trong lĩnh vực dịch vụ, các loại hình dịch vụ thông thường như thương nghiệp, nhà hàng, khách sạn, vận chuyển… vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Các ngành dịch vụ cao cấp như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, tư vấn, thương mại quốc tế, kho vận, vận tải quốc tế, bưu chính viễn thông, giáo dục - đào tạo - y tế chất lượng cao… vẫn chưa phải là các ngành dịch vụ chủ yếu. Ông Hải cho rằng, việc chuyển dịch cơ cấu thành phố trở thành một trung tâm dịch vụ cao cấp và các ngành kỹ thuật cao của vùng và cả nước, đủ sức cạnh tranh với các thành phố khác trong khu vực đang là một thách thức lớn của TP.HCM.

Riêng nông nghiệp giảm sút lớn, với GDP giảm 11% so với cùng kỳ. Giảm mạnh nhất là ngành thủy sản và chăn nuôi. Từ nay đến cuối năm, ngoài việc tập trung đẩy mạnh các hoạt động để đạt chỉ tiêu tăng trưởng, thành phố sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phối hợp với Bộ Công nghiệp lập quy hoạch chi tiết phát triển 3 ngành công nghiệp cơ khí, điện tử - tin học và hóa chất, là 3 ngành công nghiệp được xác định là mũi nhọn.

Đặc biệt sẽ tổ chức rà soát lại các khu công nghiệp trên tất cả các lĩnh vực: quy mô khu công nghiệp, nội dung phát triển, hiệu quả sử dụng đất, chính sách và cơ chế quản lý đối với các nhà đầu tư khu công nghiệp, chính sách về giá thuê đất… và tiến tới hình thành một số khu công nghiệp chuyên ngành.

Theo Chủ tịch UBND thành phố, để đảm bảo mục tiêu cả năm tăng trưởng GDP 11,5% đến 12%, 3 tháng còn lại tăng trưởng phải đạt 13% đến 15%. “Đây là một nhiệm vụ năng nề, nhưng thành phố quyết tâm phải đạt được”  - ông Hải nhấn mạnh. 

  • Đặng Vỹ

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: ''Thà đau một lần...'' (30/09/2004)
Một con người tận tụy với Việt Nam (29/09/2004)
Phú Mỹ Hưng: Biến cố không làm thay đổi KH đầu tư (27/09/2004)
"DN tìm đất như Đường Tăng đi lấy Kinh!" (27/09/2004)
Thuế, hải quan làm yếu sức cạnh tranh của DN (27/09/2004)
25/9, DN trẻ TP.HCM đối thoại với cơ quan quản lý (24/09/2004)
''Sức hút FDI'' của Việt Nam đứng thứ 50 thế giới (22/09/2004)
GDP 2004-2005 của Việt Nam sẽ tăng trên 7% (22/09/2004)
Doanh nghiệp VN: Chưa ''dám'' nghĩ tới thương mại điện tử! (20/09/2004)
Lâm Đồng: Đầu tư vốn xây hạ tầng được trừ vào thuế (15/09/2004)
19,5 tỷ đồng thưởng xuất khẩu 2003 (13/09/2004)
Thắp sáng khát vọng làm giàu của doanh nhân nữ (10/09/2004)
TP.HCM: Thêm 7.500 tỷ đồng xây dựng nhà tái định cư (06/09/2004)
Hãy trao cả những dự án lớn cho DN trẻ! (06/09/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang