(VietNamNet) - Đó là công bố của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại báo cáo mới nhất về ''Triển vọng Phát triển châu Á năm 2004''.
|
Kinh tế Việt Nam sẽ sáng sủa hơn trong năm 2005. |
Theo báo cáo này, các yếu tố rủi ro giai đoạn 2004-2005 của Việt Nam bao gồm mức lạm phát đang gia tăng nhanh chóng và nguy cơ nạn dịch bùng phát. Đến cuối 2004, lạm phát có thể lên tới mức 9% do giá lương thực, thực phẩm leo thang và giá cả một số mặt hàng trên thế giới tăng mạnh. Nếu mức độ lạm phát còn tăng theo đà này, sẽ tác động đến tỷ giá lãi suất cơ bản, tiền lương và tỷ giá chuyển đổi ngoại tệ.
Xuất khẩu dệt may 2005 sẽ sáng sủa hơn?
ADB cũng dự báo rằng, ngành nông nghiệp, bao gồm cả thuỷ sản và lâm nghiệp năm nay cũng sẽ tăng trưởng chậm hơn ở mức 2,5% trong năm 2004 do sự sụt giảm của hoạt động nông nghiệp và lâm nghiệp truyền thống. Tuy nhiên, sang năm 2005, mức tăng trưởng sẽ đạt 2,7% nhờ các mở rộng hoạt động của ngành thủy sản.
Dịch cúm gia cầm cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan y tế cộng đồng mặc dù hiện nay dịch cúm gà không có dấu hiệu lây lan nhanh chóng sang người sau khi tái bùng phát tại 11 tỉnh trong vài tháng qua.
Việc ngừng Thỏa thuận hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào cuối năm nay sẽ tạo ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Trung Quốc. Tuy vậy, hoạt động xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong năm 2005 sẽ sáng sủa hơn với việc ký kết chỉ tiêu hạn ngạch xuất khẩu mới sang thị trường Hoa Kỳ, việc giao bổ sung hạn ngạch sang thị trường EU và các cơ hội mở rộng thị trường tại Canada và Nhật Bản.
Thâm hụt thương mại dự đoán sẽ là 3,6 tỷ USD trong năm 2004, thấp hơn so với dự báo hồi tháng Tư của ADB là 4,2 tỷ USD do hoạt động xuất khẩu 6 tháng đầu năm của Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn dự tính, và do sự gia tăng về giá cả của một số mặt hàng xuất khẩu chính như dầu thô, gạo, hạt tiêu, chè và cà phê. Lượng tiền kiều hối chuyển về nước đang trở thành một nguồn chính của các giao dịch ngoại tệ. Tổng lượng tiền kiều hồi còn vượt quá nguồn vốn đầu tư nước ngoài và vốn hỗ trợ chính thức.
GDP sẽ tăng trên 7%
Tuy nhiên, bản báo cáo cũng có nhiều điểm sáng. ADB cho rằng, nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi và sự gia tăng nhu cầu thế giới, chỉ số GDP của Việt Nam dự kiến duy trì mức tăng cao khoảng trên 7% trong năm 2004 và năm 2005.
Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước và hoạt động xuất khẩu tăng mạnh sẽ đẩy mức tăng trưởng GDP của Việt Nam lên đến 7,5% trong năm 2004 và 7,6% trong năm 2005 (so với mức tăng trưởng 7,1% trong năm 2003). Nhu cầu nội địa được dự đoán sẽ tăng 8,7% và 8,1%, hoạt động xuất khẩu tăng16,3% và 12% trong năm 2004 và 2005.
Việc mở rộng ngân sách chi tiêu, thông qua nâng cao mức lương và các khoản trợ cấp cho cán bộ công chức, sẽ kích thích nhu cầu trong nước tăng mạnh. Ngành công nghiệp trong trong năm 2004 và năm 2005 sẽ tăng khoảng 10% nhờ sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu. Cũng trong hai năm 2004-2005, mức tăng trưởng của ngành dịch vụ dự tính sẽ đạt 7,4%.
Bản Cập nhật Triển vọng phát triển châu Á cũng đề xuất, Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa hoạt động tạo việc làm để đáp ứng số lượng lớn lao động gia nhập thị trường hàng năm. Đây là ấn phẩm hàng đầu của ADB về phân tích kinh tế và dự báo xu hướng phát triển của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
|