(VietNamNet) - Hợp nhất luật liên quan đến DN là để tạo ra sự thống nhất chung về mặt pháp lý đối với các thành phần kinh tế, nhưng lại không phải vì thế mà tìm được tiếng nói chung giữa các nhà nghiên cứu về luật.
|
Các nhà đầu tư nước ngoài trong một cuộc họp ở TP.HCM. Ảnh: M.Q |
Gần đây các bộ cũng như các cơ quan nghiên cứu luật, đang ráo riết xem xét lại hệ thống luật pháp Việt Nam liên quan đến các hoạt động của DN. Mục đích của việc này là tìm câu trả lời cho câu hỏi: nên hay không nên thống nhất một số luật hiện nay, mà cụ thể là Luật DN và Luật Đầu tư nước ngoài. Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, sự dị biệt trong hệ thống luật chi phối hoạt động của DN có thể sẽ đe dọa đến sự hài hòa của luật Việt Nam cũng như kìm hãm thu hút đầu tư nước ngoài, và đặc biệt là không tạo lực đẩy cho sự phát triển của nền kinh tế. Nhưng lại cũng có ý kiến khác thì cho rằng, sự dị biệt đó chưa phải là vấn đề và chưa cần thiết để nghĩ đến việc hợp nhất.
Hợp nhất để tạo sân chơi bình đẳng?
Liên quan đến hoạt động của DN thuộc các thành phần kinh tế, có đến 4 luật chi phối: Luật DN, Luật DN nhà nước, Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Hợp tác xã. Ngoại trừ Luật Hợp tác xã, ba luật kể trên có tầm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hầu hết các DN đã, đang và sẽ hoạt động tại Việt Nam, nhưng lại đang bộc lộ những "tréo ngoe" trong thực thi.
Nếu nhà nước cấp 100% vốn cho DN nhà nước và chiếu theo Luật DN nhà nước thì gọi là "Công ty nhà nước", nhưng nếu theo Luật DN thì gọi là "Công ty hữu hạn 1 thành viên". Chưa hết, vấn đề đặt ra là ở chỗ, vậy thì khi hai đơn vị nói trên kết hợp với nhau sẽ ra loại hình DN gì và hợp đồng theo hình thức nào? Ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương phân tích, nếu tiếp tục liên kết các khái niệm như thế ở các thành phần kinh tế khác và theo luật khác thì không biết những đơn vị tiếp theo gọi là gì. "Hệ thống tổ chức DN như thế không chuẩn tắc theo thông lệ quốc tế, lổn nhổn, khập khễnh... và tồn tại ít nhất 4 "sân chơi" khác nhau, tách biệt nhau" - ông nói, từ đó "khó cải thiện chất lượng quản trị DN và sẽ hạn chế phát triển bền vững, kém cạnh tranh".
Theo ông Cung, từ những khái niệm và cách tiếp cận khác nhau, đã dẫn đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng cũng khác nhau, hay nói cách khác là phân chia ranh giới áp dụng theo thành phần kinh tế. Cụ thể Luật DN cho phép tất cả các hình thức đầu tư; Luật Đầu tư nước ngoài chỉ đầu tư trực tiếp dự án, không đầu tư tài chính; còn Luật DN nhà nước chỉ đầu tư trực tiếp dự án, không đầu tư gián tiếp. Thêm vào đó, cá nhân Việt Nam không được liên doanh hay liên kết với nước ngoài, trong khi cá nhân hay tổ chức nước ngoài thì chỉ được góp vốn (không quá 30%) mà không được quyền quản lý.
"Hệ quả của việc tách biệt phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của các hệ thống luật chính là hạn chế kênh huy động vốn, vì không tận dụng hết cơ hội đầu tư và không huy động cũng như sử dụng hết tiềm năng phát triển của từng DN nói riêng, của nền kinh tế nói chung. Từ đó cho thấy môi trường đầu tư kém hấp dẫn và kém sức cạnh tranh", ông Cung phát biểu.
Thêm vào đó, sự khác biệt giữa các luật tạo nên quyền và khả năng gia nhập thị trường của các đối tượng luật cũng khác nhau. DN thuộc thành phần kinh tế này thì bị hạn chế ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn hoặc thời gian hoạt động, trong khi DN thuộc thành phần kinh tế khác lại sử dụng luật như công cụ bảo vệ lợi ích cục bộ và độc quyền.
Ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương nói rằng, để xóa bỏ những bất hợp lý đó, không có cách nào khác là phải thống nhất hệ thống luật hiện hành, thay thế bằng một hệ thống luật mới áp dụng cho tất cả các thành phần kinh tế, để mọi nhà đầu tư và DN có cơ hội tiếp cận như nhau về thị trường, vốn... trên một môi trường pháp lý chung nhất.
Hay, phân chia luật mới theo xu hướng thế giới?
Đi ngược lại quan điểm cần thống nhất những luật liên quan đến DN hiện hành, một số nhà nghiên cứu khác đưa ra ba lý do: Thứ nhất, lúc này chưa phải là thời điểm thích hợp để xem xét chuyện thống nhất luật. Thứ hai, việc thống nhất luật sẽ đi ngược lại xu hướng phát triển luật của thế giới. Một số nước làm luật theo hướng phát triển "nhánh", tức xây dựng luật chung nhất cho các thành phần kinh tế, sau đó phát triển những luật liên quan đến các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh. Thứ ba, nếu cần phải thay đổi thì cần thay đổi luật hoạt động chứ không phải Luật DN.
Theo quan điểm này, Luật DN tức là những qui định luật về việc thành lập DN, trong khi luật hoạt động liên quan đến những qui định sau khi thành lập. Luật hoạt động có thể hiểu là những qui định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, là những ứng xử của một DN được cấp phép. Những luật thuộc nhóm luật hoạt động bao gồm luật thương mại, luật xây dựng, luật đầu tư... ; và đây mới là những luật cần thay đổi.
Ông Raymond Mallon, một chuyên gia kinh tế, nói rằng thay đổi để xóa bỏ những dị biệt giữa các thành phần kinh tế là điều cần thiết, vì cải cách thể chế là một động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Đồng thời, việc hợp nhất luật cần tính đến, nhưng cũng cần xem xét và nghiên cứu cẩn thận. Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Ngọc Bích thì lo ngại việc hợp nhất sẽ chọn hệ thống luật nào làm nòng cốt và liệu sự hợp nhất có hài hòa, để tạo ra sự bình đẳng và công bằng cho các thành phần kinh tế? Luật sư ủng hộ việc cải cách thể chế để mọi thành phần có cùng một sân chơi, nhưng ông cũng dè dặt: "Các thành phần kinh tế ví như con đẻ, con nuôi và con lai của một gia đình. Và sẽ chọn con nào làm cơ sở, khi gia đình đó muốn tạo sự bình đẳng cho các con của mình?".
Thống nhất luật hiện hành có thực hiện được hay không còn đang là vấn đề tranh cãi giữa hai trường phái có quan điểm trái ngược nhau. Hai trường phái đối lập này cùng cố gắng đưa ra những lý lẽ để có thể thuyết phục quốc hội chấp thuận hay bác bỏ việc hợp nhất luật. Để đạt được mục tiêu này, cả hai cùng đang làm những cuộc vận động hành lang đầy kỳ thú.
|