(VietNamNet) - Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự Hội nghị các nền kinh tế chuyển đổi . Ngoài ra, phát triển kinh tế phải đi đôi với cải cách thể chế, ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại kinh tế vi mô.
Tại hội nghị, các quan chức và chuyên gia đã trao đổi các mô hình cải cách chính sách và thể chế cụ thể với kinh nghiệm tích luỹ được trong 20 năm chuyển sang nền kinh tế thị trường. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận các chiến lược xây dựng khu vực tư nhân, các kinh nghiệm tự do hoá thương mại và thị trường tài chính; vấn đề công bằng nảy sinh trong quá trình xây dựng kinh tế thị trường.
Các học giả tranh luận rất nhiều xung quanh vấn đề liệu các nền kinh tế chuyển đổi nên theo liệu pháp "sốc" hay thực hiện "cải cách từ từ". Hầu hết đại biểu đều thống nhất với quan điểm chuyển đổi "nhanh" hay "chậm" phụ thuộc vào trình độ, điều kiện cụ thể của mỗi nước, đưa ra chính sách cải cách phải dựa trên cơ sở nghiên cứu học hỏi có chọn lọc sau đó áp dụng vào nước mình một cách hợp lý. Ông Chi Fulin - Viện trưởng Viện Cải cách và Phát triển kinh tế Trung ương phát biểu: "Qua thực tiễn cải cách tôi thấy chúng ta cần phải đi từ từ. Tuy nhiên trong quá trình chuyển đổi vẫn phải có liệu pháp 'sốc'. Không 'sốc' không thể đẩy nhanh tiến trình cải cách".
Tất cả đại biểu đều thừa nhận để chuyển đổi nền kinh tế thành công cần nỗ lực xây dựng khu vực kinh tế tư nhân đủ mạnh, phát triển kinh tế phải đi đôi với cải cách thể chế, ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại kinh tế vi mô. Bà Katherin Terrell Giáo sư Trường đại học Michigan nhận xét quá trình chuyển đổi nền kinh tế làm gia tăng sự bất bình đẳng về thu nhập trong xã hội, phân hoá lao động, tỷ lệ thất nghiệp tăng. Nhưng theo bà tình trạng bất bình đẳng không tỷ lệ thuận với tốc độ chuyển đổi nền kinh tế nếu Chính phủ có chính sách điều tiết đủ mạnh và thích hợp.
Ông Jordan Ryan, đại diện thường trú UNDP, cho rằng qua những thành công trước đây của Việt Nam, có thể rút ra những bài học quý giá cho sự nghiệp phát triển của Việt Nam trong tương lai. Ông nói thêm: “Nếu như trước đây việc tự do hoá khu vực nông nghiệp ngoài nhà nước đã tạo cơ sở cho thành công ban đầu của công cuộc đổi mới, thì nay việc tiếp tục mở rộng các cơ hội lựa chọn của người dân trong khu vực ngoài nhà nước cũng sẽ tạo cơ sở để đạt được thành công trong tương lai. Có thể thực hiện được điều này thông qua việc tiếp tục tiến hành cải cách chính sách, pháp luật và thể chế. Vì vậy hội nghị chính sách quốc tế này đặc biệt có ý nghĩa trong việc tiếp thu các bài học kinh nghiệm của các nước đóng góp cho việc tổng kết quá trình đổi mới chính sách và thể chế ở Việt Nam”.
|