Đền bù thu hồi đất ''sát giá thị trường''
12:00' 27/03/2004 (GMT+7)

Cụm công nghiệp An Khánh (tỉnh Hà Tây) - Điểm nóng về đền bù giải phóng mặt bằng.

(VietNamNet) - Thời gian qua, đền bù đất đai không thỏa đáng đã gây cản trở việc giải phóng mặt bằng nhiều dự án. Bộ Tài chính, trong dự thảo Nghị định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7, đã đưa ra nguyên tắc ''đền bù sát giá thị trường''.

Được điều chỉnh khi giá đất tăng mạnh 

Theo Bộ Tài chính, việc đền bù sẽ dựa trên giá đất UBND tỉnh công bố vào 1/1 hàng năm dựa trên khung giá đất của Chính phủ. Khung giá đất và phương pháp Bộ Tài chính đưa ra là định giá đất ''sát giá thị trường trong điều kiện bình thường''. Sát giá thị trường nhưng giá này vẫn bảo đảm giá đất hợp lý, trên khả năng sinh lợi của mảnh đất và không chịu những yếu tố ''bất thường'' như quy hoạch đô thị, làm đường giao thông qua... Nghị định về khung giá và phương pháp định giá đất cũng đang được Bộ Tài chính soạn thảo để ban hành đồng bộ để thực hiện từ 1/7.

Trong Nghị định mới về đền bù khi Nhà nước thu hồi đất, đã bãi bỏ hệ số k trong Nghị định 22/1999/NĐ-CP trước đây.

Trường hợp giá đất công bố vào một thời điểm cố định (1/1 hàng năm) nhưng khi áp dụng lại rơi vào thời điểm giá đất tăng mạnh thì dự thảo mở ra hướng linh hoạt và bảo đảm nguyên tắc sát giá thị trường, là cho phép điều chỉnh giá đất. Chính phủ trong trường hợp này sẽ xem xét điều chỉnh khung giá đất để UBND cấp tỉnh tính lại. Nghị định cũng sẽ quy định khi giá thị trường chênh lệch bao nhiêu so với giá đền bù của Nhà nước thì mới điều chỉnh.

Nhà đầu tư trực tiếp thỏa thuận giá đền bù đất dưới 3ha

Lâu nay, trong giải phóng mặt bằng, quan hệ thu hồi đất giữa Nhà nước hoặc nhà đầu tư với người sử dụng đất thường rất căng thẳng. Nhưng quy định mới dự thảo Nghị định đã chia ra: Nhà nước chỉ đứng ra đền bù giải phóng mặt bằng đối với các dự án lớn, còn những dự án dưới 1ha đối với đất phi nông nghiệp và dưới 3ha đối với đất nông nghiệp thì nhà đầu tư sẽ trực tiếp thỏa thuận giá đền bù với người sử dụng đất. Thậm chí nhà đầu tư có thể ''mua'' đất, thuê đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Cơ chế này làm cho quan hệ thu hồi đất mềm hơn, đảm bảo lợi ích của người bị thu hồi đất. Đồng thời nhà đầu tư chỉ phải đến ''một cửa'', là ban giải phóng mặt bằng, chính quyền hoặc thỏa thuận trực tiếp với người sử dụng đất. Cơ chế thỏa thuận cũng sẽ vẫn dựa trên giá đất mà Nhà nước công bố chứ không phải buông lỏng để người sử dụng đất bị thu hồi ''đòi'' thế nào cũng được!

Nhà nước sẽ đền bù đất đai, công trình xây dựng trên đất dựa trên điều kiện và lịch sử hình thành của nhà, đất. Chẳng hạn, đất vườn ao nằm trong cùng một thửa đất và khu dân cư được bồi thường toàn thửa nếu mảnh đất hình thành trước ngày 18/12/1980 và có giấy tờ hợp lệ. Còn nếu từ ngày này đến 1/7/2004 thì chỉ được đền bù diện tích đất ở. Trong trường hợp không có giấy tờ hoặc giấy tờ không ghi rõ diện tích đất thì UBND cấp tỉnh sẽ quyết định đền bù căn cứ vào hạn mức đất, điều kiện của địa phương... Đối với đền bù nhà, Nhà nước không phân biệt mới hay cũ, nếu hợp quy hoạch và trên đất đủ điều kiện đền bù thì sẽ được đền bù 100%; nếu hợp quy hoạch nhưng trên đất không đủ điều kiện đền bù thì được đền bù 80%. Còn nhà ở trái quy hoạch thì không được đền bù mà chỉ hỗ trợ tối đa 50% so với trường hợp đền bù đầy đủ. Nhà không được đền bù trong trường hợp khi xây dựng bị ngăn cấm, tháo dỡ, xây dựng trái quy hoạch sau ngày 1/7/2004 hoặc sau khi có quyết định thu hồi đất.

Nhà nước cùng chủ đầu tư làm cơ sở hạ tầng khu tái định cư

Công việc thu hồi đất, giải phóng cho các dự án, công trình cũng chậm một phần do người bị thu hồi đất không được tạo điều kiện thuận lợi để tái định cư. Có trường hợp nơi cũ không ở được, đến nơi mới không xong, người bị thu hồi đất làm vào cảnh ''màn trời chiếu đất''. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ thể hiện trong Nghị định là việc tổ chức phát triển quỹ đất đền bù tái định cư phải làm ngay khu tái định cư để người dân có quyết định thu hồi đất khi di chuyển có chỗ ở ngay. Để người bị thu hồi đất có thời gian chuẩn bị, thông báo quyết định thu hồi đất phải công bố trước 90 ngày đối với đất nông nghiệp, 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, và đền bù đúng vào thời điểm thu hồi. Đồng thời, Nhà nước cùng với chủ đầu tư sẽ phải bỏ tiền làm cơ sở hạ tầng (đường, điện, nước...) cho khu tái định cư... Ngoài đền bù về đất, tài sản trên đất, người dân cũng được hưởng chính sách hỗ trợ di chuyển với mức trung bình 150.000 đồng/người/tháng.

Theo ý kiến của một số người trong cuộc, Nghị định mới đã tập trung giải quyết những chỗ nhức nhối nhất của công tác đền bù giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất. Thế nhưng, những nội dung của Nghị định này vẫn cần cụ thể hơn để người dân hiểu rõ. Để đền bù ''sát giá thị trường'' một cách ổn thỏa, cần sự đồng bộ trong hướng dẫn và thi hành Luật Đất đai, như đưa giá đất được coi là ảo hiện nay về mức hợp lý.

  • Văn Tiến
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Mặt bằng cho sản xuất: DN Nhà nước thừa, DN tư nhân thiếu (25/03/2004)
Tránh lạm dụng đất trang trại thành nhà vườn, biệt thự (25/03/2004)
Khó di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm (25/03/2004)
"Thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người có đất là hiệu quả nhất" (24/03/2004)
Học bổng Fulbright về luật, kinh tế và hoạch định chính sách (23/03/2004)
Tổng cục Thuế ''nhượng bộ'' DN khu chế xuất, khu công nghiệp (19/03/2004)
Bức xúc của DN vẫn chưa được giải quyết (18/03/2004)
Giải ngân ODA chậm vì bị "ngâm" thủ tục (18/03/2004)
Nghệ sĩ, nhà báo sẽ bị khấu trừ 10% khi nhận thu nhập (17/03/2004)
TP.HCM ký kết 4 chương trình hợp tác CNTT (16/03/2004)
11.500 tỷ nợ xây dựng cơ bản sẽ được xử lý như thế nào? (16/03/2004)
Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn gia cầm (15/03/2004)
DN khu chế xuất được ưu đãi thuế theo ''Chương trình thu hoạch sớm'' (15/03/2004)
Đà Nẵng: Sẽ rút 50% thủ tục thời gian cho nhà đầu tư khởi nghiệp (14/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang