(VietNamNet) - Sáng 25/3/2004 lãnh đạo thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị gặp gỡ với các DN nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất. Hơn 100 DN đã mang tới hội nghị những bức xúc trong quá trình sản xuất kinh doanh ...
|
Nhiều DN thiếu mặt bằng để mở rộng sản xuất. |
Vẫn bức xúc mặt bằng sản xuất
Ông Vũ Duy Thái - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công thương thành phố Hà Nội cho rằng vấn đề bức xúc nhất hiện nay với các DN chính là thiếu mặt bằng sản xuất. Vì thiếu mặt bằng mà thời gian qua dòng đầu tư của DN Hà Nội đã chảy về các địa phương khác, trong khi Hà Nội thì lại ra sức đi mời gọi đầu tư nước ngoài.
Ông Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ thông tin Hà Nội cho biết sức cạnh tranh của các DN ngoài quốc doanh hiện nay yếu vì không được ưu đãi như DN nhà nước về mặt bằng. Công ty TNHH Công nghệ thông tin Hà Nội năm 2003 đầu tư 15 tỷ cho sản xuất kinh doanh thì trong đó thuê mặt bằng đã mất 5 tỷ đồng, làm chi phí cao, giảm lợi thế trong cạnh tranh.
Đại diện Công ty CMC cũng thừa nhận chi phí thuê mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất. Thiếu mặt bằng đã làm cho cơ hội kinh doanh của nhiều DN bị bỏ qua. Vừa qua CMC có 2 dự án đầu tư lớn, tổng vốn lên đến hơn 100 tỷ đồng gồm xây dựng trung tâm sản xuất phần mềm xuất khẩu và sản xuất máy tính, được lãnh đạo thành phố rất ủng hộ, nhưng khi triển khai gặp rất nhiều khó khăn nhất là mặt bằng xây dựng nhà máy. Chờ đợi quá lâu, dẫn đến mất cơ hội.
Ý kiến từ Công ty TNHH Hiệp Hưng cho rằng do thiếu mặt bằng kinh doanh phải đi thuê lại đất bỏ không của DN nhà nước, không chỉ chi phí cao mà thời hạn thuê cũng rất ngắn (trong vòng 5 năm trở lại ) vì vậy không ổn định, dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh kém. Không "an cư" làm sao có thể "lạc nghiệp" được.
Hầu hết các DN kêu thiếu mặt bằng đều là DN ngoài quốc doanh, trong khi nhiều DN nhà nước hiện đang có quỹ đất lớn, không sử dụng hết, gây lãng phí. Việc thu hồi đất bỏ không của các DN nhà nước để cho những DN khác thuê lại thời gian qua thành phố làm rất chậm và không dứt khoát.
Giải đáp thắc mắc này của DN, ông Hoàng Văn Nghiên - Chủ tịch UBND thành phố, trong phát biểu của mình cho biết hiện thành phố đang thí điểm thành lập DN công nghiệp nông thôn. Các công ty của làng, xã ngoại thành được thành lập và xây dựng mặt bằng tại địa phương sau đó mời gọi DN đưa thiết bị máy móc về sản xuất, làm như vậy rất có lợi vì giá thuê mặt bằng rẻ, trong khi lại tạo việc làm cho lao động địa phương, tránh tình trạng đô thị hóa, người nông dân mất đất không có việc làm như hiện nay.
Trao đổi về vấn đề này với các phóng viên ngoài hành lang, nhiều DN vẫn băn khoăn khi họ đang cần mặt bằng từng ngày, còn chương trình này mới chỉ là thí điểm, đến bao giờ mới thành hiện thực? Liệu rằng hệ thống giao thông tại khu vực làng, xã ngoại thành có đảm bảo thuận tiện cho sản xuất kinh doanh và vận tải? Liệu lao động tại chỗ có đáp ứng được nhu cầu của họ trong khi những người này là nông dân chưa có tay nghề và chưa quen với sản xuất công nghiệp...?
Không nên tận thu thuế đối với DN nhỏ
Luật sư Trần Vũ Hải - Công ty Luật Hà Nội cho biết có rất nhiều DN "siêu nhỏ" tại Hà Nội đã kêu ca với ông là họ bị Cục Thuế áp mức thuế thu nhập khoán 1 triệu đồng/tháng. Đây là DN chỉ có từ 3-10 người, chủ yếu là tạo việc làm cho cá nhân, gia đình, họ hàng và bạn bè, những năm đầu lợi nhuận rất thấp, thậm chí lỗ nhưng cơ quan thuế vẫn buộc nộp thuế thu nhập DN khoán. Như vậy là tận thu. Theo ông Hải, ở nhiều nước họ không quan tâm đến thuế của các DN dạng này mà còn tạo điều kiện để DN nhỏ phát triển thành DN lớn. Ông Hải đề nghị lãnh đạo thành phố có ý kiến với Cục Thuế không nên tận thu như vậy.
Ông Nguyễn Hữu Tài - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Chè cho biết chính sách của Nhà nước hiện vẫn khuyến khích xuất khẩu sản phẩm thô. Ví dụ như xuất khẩu cà phê hạt thì được thưởng 120đ/kg, trong khi xuất cà phê đã chế biến thì chỉ được thưởng 100đ/kg. Theo ông Tài, trong lúc Nhà nước chưa có chính sách thì Hà Nội nên đi trước, xây dựng chính sách khuyến khích xuất khẩu các sản phẩm tinh chế. Chẳng hạn chỉ thưởng cho các sản phẩm tinh chế xuất khẩu, không nên thưởng cho các sản phẩm thô xuất khẩu.
Cần hỗ trợ DN xúc tiến thương mại
Ông Lê Văn Thành - Tổng Giám đốc Công ty Động lực cho biết trong Hội chợ sản phẩm thể thao tổ chức tại Mỹ vừa qua, Việt Nam chỉ có một Công ty Động lực tham gia trong khi riêng thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) có 7 DN, các nước khác mỗi nước có tới hàng chục DN và họ tập trung lại thành một khu vực. Các DN của Thượng Hải tham gia Hội chợ được thành phố Thượng Hải hỗ trợ chi phí thuê gian hàng, vé máy bay, ăn ở... Còn DN Việt Nam đã nhỏ bé, nhưng cứ phải tự lo. Hà Nội cũng cần hỗ trợ các DN trên địa bàn khi xúc tiến thương mại mở rộng thị trường.
Theo ông Nguyễn Thế Quang - Phó Chủ tịch UBND thành phố, hiện nay tại Hà Nội có trên 21.500 DN hoạt động. Trong năm 2003 các DN đã thu hút hơn 600.000 lao đông, đóng góp gần 75% trong tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố. Những thắc mắc của các DN hôm nay là xuất phát từ thực tế, sản xuất kinh doanh. Trách nhiệm của lãnh đạo thành phố là phải giải quyết những vướng mắc nhằm giúp cho sản xuất đi lên. Tất cả những ý kiến của DN sẽ được xem xét và giao cho các ban ngành giải quyết, trả lời thỏa đáng trong thời gian sớm nhất.
|