Tránh lạm dụng đất trang trại thành nhà vườn, biệt thự
11:47' 25/03/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Ngày 24/3, Bộ TN&MT đã nghe ý kiến của các nhà DN xung quanh Dự thảo hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Nhiều vướng mắc của DN được đưa ra, như: các DN có phải nộp tiền sử dụng đất cho địa phương hay không? Ai sẽ nộp tiền chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang công nghiệp?...

Đất đai luôn là vấn đề ''nóng'' đối với các DN.

Nên dành đất phát triển làng nghề

Ông Lê Điềm - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn VN cho rằng, ở xã thì chủ tịch xã quyết định tất cả, nhiều khi bỏ qua ý kiến của cán bộ địa chính gây phiền hà cho DN. Rồi đất dành cho DN đã bị dân chuyển qua tay người khác, thậm chí chuyển qua rất nhiều người. Một số DN thắc mắc, bắt người đang sử dụng nộp tiền chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang công nghiệp thì thiệt cho người ta, mà những người chuyển từ đầu lại không chịu nộp. Hay tình trạng đất cho công nghiệp và đất cho nhà ở đầu vào thì giá như nhau, nhưng đầu ra thì khác...

Nhiều ý kiến nói về sự bất hợp lý trong việc trước đây địa phương được thu thuế và hưởng thuế đất nông nghiệp, nhưng nếu chuyển sang đất công nghiệp thì địa phương không được hưởng nữa. Các địa phương bắt DN phải nộp tiền đất mà địa phương chuyển từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp. Về vấn đề này ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ Công ty Cổ phần Bất động sản Hợp Phát nói: "Việc thỏa thuận giữa DN với người dân trong việc chuyển nhượng thuê đất góp vốn đã khó, nay lại còn phải nộp tiền cho địa phương. Đề nghị không được thu thêm bất cứ một khoản nào theo đúng nội dung của Nghị định''.

Đại diện cho Hội Nông dân Việt Nam đề nghị cần có thêm một điều khoản về đất dành cho làng nghề. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Mai Ái Trực ghi nhận ý kiến này đúng, mặc dù trong Luật Đất đai có cụm công nghiệp nhưng cũng cần nêu cụ thể chi tiết hơn về đất dành cho làng nghề góp phần khôi phục làng nghề và giải quyết công ăn việc làm ở nông thôn hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trang trại cho rằng, trong điều 65 quy định trong khu vực trang trại cho phép xây dựng nhà tạm làm nơi nghỉ của người lao động và bảo vệ trang trại. Nhiều người hỏi Tạm là tạm như thế nào? Bởi nếu là nhà tạm thì làm sao bảo đảm điều kiện sinh hoạt tốt cho người lao động. Ông Bảy đề nghị được phép xây dựng nhà (bỏ chữ tạm) để người sử dụng có điều kiện ổn định, yên tâm lao động. Đề nghị này đã được Ban soạn thảo Nghị định đồng tình và cho rằng cần xem xét lại cụ thể điều 65 trên tinh thần không để mọi người lạm dụng điều này để biến đất trang trại thành nhà vườn biệt thự.

Nên quan tâm đến nguồn gốc hình thành đất

Một  vướng mắc khác của các DN được đông đảo mọi người đồng tình là Dự thảo Nghị định nêu đất cho an ninh quốc phòng sau 12 tháng không sử dụng thì sẽ thông báo cho đơn vị đó, và 12 tháng tiếp theo vẫn chưa sử dụng thì sẽ thu hồi, trong khi theo Luật là sau 12 tháng không sử dụng thì thu hồi. Theo ông Lê Điền, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ, nên giữ nguyên Luật để đảm bảo tính công bằng đúng Luật, không phân biệt người sử dụng.

Trước thực trạng đất cho các DN ngoài quốc doanh vẫn còn nhiều khó khăn trong khi vẫn còn các DN nhà nước lãng phí đất, ông Lê Điền hoan nghênh Dự thảo Nghị định, cụ thể là điều 41 về việc xử lý đất của các DN không sử dụng hoặc sử dụng bừa bãi. Ông Điền đề nghị, trước đây chưa xử lý kiên quyết thì nay cần chỉ đạo xử lý thật nghiêm theo đúng luật.

Ông Trần Ngọc Đường, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng nên chia đất làm hai loại: đất theo giá thị trường và đất để giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó chỉ đem đất thị trường ra đấu giá. Theo ông Đường nên có một hạn mức sử dụng đất tại các đô thị để tránh tình trạng quá nhiều đất về tay một số người. Trái với ý kiến của ông Đường, ông Nguyễn Văn Bảy cho rằng không nên chia đất ra nhiều như thế mà cứ đấu giá sòng phẳng và lấy tiền đấu giá đó  hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, tránh tình trạng lâu nay hỗ trợ cho các dự án ít khi tới tận tay người sử dụng.

Quan điểm của ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ Công ty Cổ phần Bất động sản Hợp Phát ví dụ, nếu một người có hai ngôi nhà, một nhà để sử dụng và một nhà đóng cửa để đấy thì rõ ràng là không tốt; trong khi một người khác có rất nhiều đất nhưng lại sử dụng hiệu quả cho xã hội thì rõ ràng không nên gây khó dễ gì. Theo ông Thái thì đúng là không nên quan tâm đến vấn đề người ta có nhiều hay ít đất mà nên quan tâm đến nguồn gốc hình thành đất do chiếm đoạt hay do chuyển nhượng chính đáng, sử dụng nhiều hay ít, tốt hay không tốt.

  • Kiều Minh 

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Khó di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm (25/03/2004)
"Thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người có đất là hiệu quả nhất" (24/03/2004)
Học bổng Fulbright về luật, kinh tế và hoạch định chính sách (23/03/2004)
Tổng cục Thuế ''nhượng bộ'' DN khu chế xuất, khu công nghiệp (19/03/2004)
Bức xúc của DN vẫn chưa được giải quyết (18/03/2004)
Giải ngân ODA chậm vì bị "ngâm" thủ tục (18/03/2004)
Nghệ sĩ, nhà báo sẽ bị khấu trừ 10% khi nhận thu nhập (17/03/2004)
TP.HCM ký kết 4 chương trình hợp tác CNTT (16/03/2004)
11.500 tỷ nợ xây dựng cơ bản sẽ được xử lý như thế nào? (16/03/2004)
Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn gia cầm (15/03/2004)
DN khu chế xuất được ưu đãi thuế theo ''Chương trình thu hoạch sớm'' (15/03/2004)
Đà Nẵng: Sẽ rút 50% thủ tục thời gian cho nhà đầu tư khởi nghiệp (14/03/2004)
Hôm nay, khai mạc "Năm du lịch Điện Biên" (13/03/2004)
DN Nhà nước cũng sẽ bị giám sát (11/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang