TP.HCM:
Khó di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm
10:40' 25/03/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Chương trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm từ nội thành đến các KCN và vùng phụ cận của TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ những vướng mắc này xem ra hết sức nan giải.

Địa điểm di dời chỉ đáp ứng 7,5%

KCN Lê Minh Xuân vẫn còn gặp khó khăn trong đền bù, giải tỏa để có đất cho DN thuê.

Theo kế hoạch, đến cuối năm nay, TP.HCM phải di dời 1.000/gần 3.000 cơ sở gây ô nhiễm đến các KCN và  vùng phụ cận. Việc di dời không chỉ để xử lý ô nhiễm, chỉnh trang đô thị mà còn nhằm quy hoạch, sắp xếp, tổ chức lại sản xuất công nghiệp thành phố. Nó gắn liền với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, bố trí lại dân cư (từ nội thành ra ngoại thành).

 Hiện TP.HCM có 28.573 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó 2.996 cơ sở gây ô nhiễm môi trường (260 cơ sở ô nhiễm nặng), 1.625 cơ sở phải di dời (190 cơ sở đã ngưng sản xuất, 87 cơ sở đã di dời, 41 cơ sở đã chuyển ngành nghề), 1.182 cơ sở khắc phục tại chỗ…

 Đây là một trong 12 chương trình trọng điểm của TP.HCM, nên đã được thành phố hỗ trợ kinh phí di dời, phí xử lý nước thải cho các xí nghiệp ô nhiễm nước thải… Ngoài ra, thành phố dành cho 4 KCN Lê Minh Xuân, Tây Bắc Củ Chi, Tân Bình và Hiệp Phước vay 100 tỷ đồng (lãi suất 0%) để xây dựng nhà máy xử lý nước thải nhằm đón nhận các xí nghiệp gây ô nhiễm nặng. Riêng 2 KCN Tây Bắc Củ Chi và Hiệp Phước còn được vay thêm 30 tỷ đồng, lãi suất 0% để xây nhà xưởng, chia diện tích nhỏ theo yêu cầu của các đơn vị này, với giá ưu đãi hơn so với các nhà đầu tư mới.

Nhưng đến nay, chương trình đang gặp nhiều ách tắc từ phía DN lẫn Nhà nước. Hiện mới chỉ có 1/3 số cơ sở đã di dời, ngưng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề hoặc giải thể. Số lớn còn lại đang loay hoay chưa biết đi đâu, về đâu?

Theo Ban chỉ đạo, công tác di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm chậm tiến độ so với kế hoạch là do vướng ở địa điểm cho các DN di dời, vốn và các chính sách hỗ trợ cho DN. Trong đó, khó khăn nhất vẫn là vốn và địa điểm. Tính toán sơ bộ cho thấy, nếu phải di dời 1.625 cơ sở thì cần đến 730ha đất, trong khi các KCN chỉ còn 898ha đất mà phần lớn lại chưa đền bù giải tỏa được, đất có thể cho thuê chỉ khoảng 68ha (chiếm 7,5%).

Ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công nghiệp TP.HCM, cho biết các DN nhỏ (chiếm đa số) không đủ khả năng về tài chính cũng như chuyển đổi công nghệ, mặt hàng sản xuất khi đến địa điểm mới. Trong khi đó, các DN lớn thì không cân đối được nguồn vốn để thực hiện phương án di dời. Với những DN cổ phần hóa, họ không chuyển đổi được nguồn vốn (mặt bằng hiện có thuộc sở hữu của Nhà nước); DN 100% vốn nhà nước thì vướng vào quy trình thẩm định quá phức tạp, thời gian kéo dài. Có trường hợp DN có mặt bằng nhà xưởng dự kiến bán để đầu tư thì lại rơi vào quy hoạch công trình công cộng hoặc quy hoạch mật độ xây dựng thấp như Công ty Vissan, Công ty Cổ phần Bao bì Dược… Những vướng mắc này khiến DN đi không xong, ở cũng chẳng đặng.

Cần làm rõ trách nhiệm của Nhà nước và DN

Theo tính toán của Sở Công nghiệp, bình quân mỗi cơ sở phải di dời cần 1ha cho địa điểm mới. Như vậy, thành phố cần phải có trên 1.000ha đất đáp ứng nhu cầu này. Đây là một con số quá lớn và hiện thành phố chưa biết lấy quỹ đất đó ở đâu.

Giám đốc Công ty Vissan: chậm tìm được địa điểm di dời, DN càng bị thiệt.

Ngay 4 KCN có khả năng tiếp nhận cơ sở gây ô nhiễm di dời sang cũng đang gặp không ít khó khăn về giải tỏa đền bù, thu hồi đất và xây dựng nhà máy xử lý nước thải… Bên cạnh đó, các KCN này đến nay vẫn chưa đảm bảo yếu tố về cơ sở hạ tầng, chưa giao đất cho DN và chưa thực sự hấp dẫn DN.

Giám đốc một công ty sơn cho biết: “Công ty vay 16 tỷ, tiền đã cầm nhưng mặt bằng tìm không ra, bây giờ không biết làm sao?". Lãnh đạo Công ty Dệt may Gia Định nói rằng, nếu bán mặt bằng của Dệt may cũng được 400 tỷ, và đầu tư mới cũng chỉ mất 250 tỷ, nhưng công ty lại chưa biết di dời đến đâu. Giữa 2003, Công ty xin về KCN Trảng Bàng (Tây Ninh), rồi Bình Dương, Linh Trung 3, Hiệp Phước đều không được.

Tương tự, Công ty Vissan cũng "bôn ba" tìm chỗ di dời, từ các KCN ở TP.HCM cho đến các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, nhưng vẫn  vô vọng! Nơi thì "cáo lỗi" là hết đất, nơi nói thẳng: chúng tôi không thể tiếp nhận một cơ sở gây ô nhiễm từ thành phố đến đây để gây ô nhiễm! Ông Võ Văn Em - Giám đốc Công ty Vissan cho hay, dự tính của Vissan là sẽ tìm thuê khoảng 50ha đất nhằm thiết lập một khu giết mổ, chế biến thực phẩm tập trung tiện lợi cho việc kiểm soát và quản lý sản xuất cũng như xử lý chất thải. Vậy nhưng đến nay, công ty vẫn chưa tìm được đất thuê, trong khi thời hạn di dời đang đến gần.

 
 

Ông Mai Quốc Bình: trong năm nay, các KCN phải đẩy nhanh công tác đền bù, giải tỏa để có 520 ha đất cho DN thuê.

Trước tình hình đó, vừa qua, trong buổi làm việc với Ban chỉ đạo di dời và các KCN, ông Mai Quốc Bình - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, yêu cầu ngay trong năm nay phải đẩy nhanh công tác đền bù, giải tỏa để có khoảng 520ha đất ở các KCN cho DN thuê.

Có một thực tế là các KCN không mấy "niềm nở" tiếp đón những đơn vị gây ô nhiễm là cơ sở nhỏ (chiếm đa số). Những cơ sở này có vốn đầu tư không nhiều, máy móc thiết bị thô sơ, do đó, việc di dời phải đi kèm với việc đổi mới trang thiết bị rất tốn kém, chưa kể họ chỉ thuê diện tích rất nhỏ, có khi chỉ là 100m², 200m²… Điều này khiến chủ đầu tư các KCN thấy khó xử, vì như thế sẽ xé lẻ đất, hiệu quả cho thuê không cao. Bế tắc, một số cơ sở đã ngưng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề hoặc giải thể. Còn những cơ sở may mắn tìm được "bến đậu" ở các KCN thì vẫn giữ cách làm việc gia đình, tự phát; họ chưa thích ứng được với tác phong, quy định hoạt động trong KCN là kỷ luật, giờ giấc, rõ ràng về giấy tờ, sổ sách… Chính điều này ít nhiều ảnh hưởng đến cách nhìn của Ban quản lý các KCN đối với những cơ sở đến sau.

Không cân đối được nguồn vốn để di dời cũng tác động không nhỏ đến tiến độ thực hiện chương trình này. Theo quyết định của UBND TP.HCM về việc ưu đãi cho cơ sở di dời, trong khi chưa bán được nhà xưởng, DN có quyền vay ở ngân hàng, nhưng rất ít DN đi vay. Hầu hết các cơ sở đề nghị, Nhà nước hỗ trợ DN cho vay không lãi. “DN vẫn có thể vay ngân hàng, nhưng khi nguồn vốn chính bị ách tắc, đang tạm ngừng sản xuất (để di dời), thì việc vay ngân hàng cũng là một rủi ro lớn”, lãnh đạo Công ty Cao su Thống Nhất nói. Ông Võ Văn Em - Giám đốc Công ty Vissan, kiến nghị TP hỗ trợ cho vay không tính lãi tiền thuê mặt bằng. Một số DN khác cũng có ý kiến tương tự.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Giám đốc Sở Tài chính, cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm của Nhà nước và DN trong quá trình di dời. DN không thể đợi chờ Nhà nước bao cấp toàn bộ từ phương án đến vốn. Khi gặp khó khăn, thành phố sẽ hỗ trợ theo quyết định chung từ trước đến nay. Tuy nhiên, bà Hồng cũng cho rằng theo kinh nghiệm của các nước, thời gian di dời kéo dài 10-20 năm, nhưng ở VN thời gian này quá ngắn (3-4 năm) nên khó khăn là điều tất yếu.

  • Phi Long
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người có đất là hiệu quả nhất" (24/03/2004)
Học bổng Fulbright về luật, kinh tế và hoạch định chính sách (23/03/2004)
Tổng cục Thuế ''nhượng bộ'' DN khu chế xuất, khu công nghiệp (19/03/2004)
Bức xúc của DN vẫn chưa được giải quyết (18/03/2004)
Giải ngân ODA chậm vì bị "ngâm" thủ tục (18/03/2004)
Nghệ sĩ, nhà báo sẽ bị khấu trừ 10% khi nhận thu nhập (17/03/2004)
TP.HCM ký kết 4 chương trình hợp tác CNTT (16/03/2004)
11.500 tỷ nợ xây dựng cơ bản sẽ được xử lý như thế nào? (16/03/2004)
Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn gia cầm (15/03/2004)
DN khu chế xuất được ưu đãi thuế theo ''Chương trình thu hoạch sớm'' (15/03/2004)
Đà Nẵng: Sẽ rút 50% thủ tục thời gian cho nhà đầu tư khởi nghiệp (14/03/2004)
Hôm nay, khai mạc "Năm du lịch Điện Biên" (13/03/2004)
DN Nhà nước cũng sẽ bị giám sát (11/03/2004)
Nhiều công trình xây dựng có nguy cơ bị bỏ rơi do giá thép cao (11/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang