"Thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người có đất là hiệu quả nhất"
18:49' 24/03/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Nghị định của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai đã đúng luật chưa? Những nội dung trong nghị định có bao quát được các vấn đề  trong cuộc sống; có xử lý được vướng mắc lưu cữu về đất đai?... Đó là nội dung cuộc trao đổi của VietNamNet  với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ tại buổi góp ý kiến Dự thảo Nghị định của Chính phủ về thi hành Luật đất đai diễn ra ngày 23 - 24/3 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Đặng Hùng Võ.

- Theo ông, những ý kiến góp ý có sát với tinh thần của Luật Đất đai (LĐĐ) không? Những ý kiến nào ông cho là thoả đáng nhất để có thể đưa vào điều chỉnh trong Nghị định?

- Tôi thấy có khá nhiều ý kiến thoả đáng, ví dụ những ý kiến về vấn đề đất vườn ao (điều 67). Có ý kiến cho rằng từ cổ xưa người ta đã ở thì nên công nhận; ý kiến khác lại nói công nhận thì nhà chỉ để 20 - 30% thôi còn lại để vườn làm cảnh quan hay môi trường... Tôi cho vấn đề ở đây là lịch sử vườn ao ta phải rõ, trước 15/10/1993 trở lại thì phải xử lý thoả đáng, nếu là vườn ao thực sự gắn với lịch sử đất ở từ xa xưa thì cũng xác định là đất ở, nhưng cũng phải có quy định không phải sử dụng tất cả để ở, bởi nếu lại chia nhỏ ra để bán thì còn gì là vườn ao nữa, mà phải quy hoạch theo khu dân cư. Điều này phụ thuộc vào quy hoạch của từng khu dân cư nông thôn: cảnh quan như thế nào thì phần vườn để lại bao nhiêu là vừa chứ không nên cố định một cách cứng nhắc và nên để cho các địa phương quy định cho phù hợp.

Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ điều 35  về thông qua thoả thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất. Nhưng không bỏ được vì luật đất đai năm 2003 đã quy định rồi. Vấn đề là phải giao cho UBND tỉnh quy định ngưỡng nhỏ là như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh tỉnh mình. Ví dụ một tư nhân muốn làm một cây xăng ở một thị trấn nào đấy, trước đây nhà nước thu hồi đất, nông dân mất đất, giao cho DN kinh doanh được nhiều tiền, tự nhiên DN tư nhân được lợi rất nhiều trong khi nông dân mất, nhà nước lại làm cái việc bất tiện là thu hồi đất làm cho nông dân khó khăn hơn, rồi lại giao đất cho một dự án rất nhỏ không đóng góp cho GDP bao nhiêu. Vì vậy, hiệu quả nhất vẫn là sự thoả thuận giữa người nông dân với DN.

Đối với dự án phát triển công nghiệp phi nông nghiệp thì tất nhiên Nhà nước phải quyết định, cân đối cơ cấu công nghiệp. Kể cả cơ chế chưa có dự án gì sau khi có quy hoạch được duyệt rồi nhà nước còn thu hồi được. Thoả thuận giữa người dân với DN chỉ có hai trường hợp: một là dự án nhỏ, hai là dự án lớn nhưng nhà đầu tư có nguyện vọng ''Nhà nước cho tôi giải quyết'' - như thế thì tốt quá.

- Thưa ông, theo điều khoản thi hành NĐ này thì có phải bỏ NĐ 71 về ưu đãi đầu tư xây dựng không?

- Trước đây theo NĐ 71, khi xây nhà chung cư phải xem khu chung cư nào được miễn, giảm, nộp nguyên tiền chuyển quyền sử dụng đất. Cũng có những khu chung cư không phải nộp tiền nhưng lại được miễn. Không phải nộp khác với được miễn bởi về nguyên tắc anh ta vẫn phải nộp. Những khu chung cư cho người thu nhập thấp có thể có diện được miễn nhưng phải rõ ràng, nhà ở phải đến tay người thuộc diện chính sách chứ không phải sau đó đi đâu mà ta không biết.

Chúng ta phải điều chỉnh từng bước và phải điều chỉnh nhiều mặt. Ví dụ với nhà chung cư phải công khai đăng ký, chúng tôi đã thống nhất việc giao đất là công khai trên mạng. Trong nghị định, bên Bộ Tài chính sẽ có phần quy định trường hợp nào thì được miễn, trường hợp nào khuyến khích đầu tư thì tiền thuê được giảm bao nhiêu, trong dự án BOT sẽ có quyền sử dụng đất được thuê, trường hợp nào được gỉam, thậm chí được miễn.

- Một số ý kiến góp ý về những vấn đề không nói trong luật nhưng thực tiễn lại đang diễn ra. Các ý kiến này có đúng với tinh thần của LĐĐ không, thưa ông?

- Hội nghị hôm nay đúng là có những vấn đề mở ra ngoài luật, xử lý những trường hợp mà luật chưa nói tới nhưng tất cả những ý kiến đóng góp đều theo tinh thần của LĐĐ. Ví dụ, LĐĐ chưa nói tới BT và BOT, trước đây ta vẫn cứ vay vốn nước ngoài để đầu tư làm đường xá giao thông, nhưng nay có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư và cho họ thu phí trong vòng 20 năm - đây là diện BOT. Họ đầu tư, kinh doanh, thu phí sau đó họ chuyển giao toàn bộ, mình thu phí tiếp hay không là do mình. Nguyên tắc là các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng sẽ xem xét việc thuê đất có thể miễn có thể giảm. LĐĐ chưa điều chỉnh đến các dự án BT hoặc BOT, nhưng những ý kiến góp ý cho rằng giao đất cho nhà đầu tư BT quản lý trong quá trình xây dựng là không có gì sai luật cả.

- Nghị định này đề cập đến trình tự thủ tục hành chính theo hướng cải cách về cơ chế, thủ tục, con người... Nhưng có ý kiến cho rằng trình tự này chưa bảo đảm, theo ông có cần bổ sung gì không?

- Trình tự đó tôi cho là hợp lý, tất nhiên là hiện nay ý kiến của nhiều tỉnh còn lấn cấn muốn có ý kiến của huyện của xã, theo hình thức dân chủ tuyệt đối. Nhưng đó là do hiện nay vẫn có tình trạng ngại trách nhiệm nên cấp trên bảo ông cấp dưới chứng nhận. Quan trọng là, nếu anh thẳng thắn thì việc của ai người đó làm, anh nào quyết anh đó chịu trách nhiệm.

- Vậy thì 8 hình thức xử lý vi phạm trong dự thảo NĐ đã đủ để xử lý những hành vi vi phạm LĐĐ chưa, thưa ông?

- Các địa phương có ý cho rằng trong trình tự thủ tục hành chính sợ thời gian ngắn quá không cựa được. Theo tôi có thể nới hơn một vài chỗ. Riêng cấp xã ở miền núi có thể du di thêm vài ngày nữa, tôi cho ý kiến này là hợp lý vì nhiều khi đi lại rất mất thời gian. Còn những lí do khác thì Ban soạn thảo NĐ đã tính rồi, nếu không khề khà chè nước mà lao vào công việc ngay thì thời gian làm thủ tục theo từng trường hợp quy định cụ thể trong NĐ cũng đủ để xử lý. Về hình thức kỷ luật, nhiều người nói do sao nhãng, hay sơ ý chứ không có ý đồ gì mà hình thức xử lý căng quá. Ban soạn thảo NĐ sẽ xem xét cụ thể.

- Theo ông, những vấn đề trong NĐ đã bao quát được thực tế và có thể giải quyết thoả đáng những vướng  mắc phát sinh trong cuộc sống không?

- Cũng có những ý kiến đóng góp cần bổ sung, phải chi tiết thêm thì địa phương mới làm được. Ví dụ nhiều địa phương có ý kiến tổ chức văn phòng đăng ký sử dụng đất rất tốt nhưng chưa rõ thì cũng phải hướng dẫn thêm trong NĐ là văn phòng có bao nhiêu người cấp tỉnh, bao nhiêu người cấp huyện, biên chế ra sao... Theo ý kiến chủ quan của những người xây dựng NĐ thì NĐ đã hướng dẫn tương đối đầy đủ, kể cả vấn đề xử lý đất ở trang trại, đất của các DN được giao đất, đất của cơ quan Nhà nước...

- Với con mắt của một nhà chuyên môn, ông hình dung như thế nào khi LĐĐ được đưa vào cuộc sống?

- Tôi cho rằng nếu hệ thống quản lý mạnh và ý thức tự giác của người dân  tốt thì thị trường đất sẽ phát triển tốt. Tất cả những điều trong NĐ mà được thực hiện nghiêm túc thì những điều phiền hà là không còn: người dân đến nộp hồ sơ ở đâu, làm thủ tục như thế nào, thời hạn trong bao lâu là có kết quả... Trong thời gian đó không phải làm thêm bất cứ một động tác nào cả, kể cả việc thông báo nộp thuế người ta cũng được thông báo đúng nơi mà họ nộp đơn. Rồi quá trình làm thủ tục thì qua tay những ai, ai chịu trách nhiệm giải quyết, mỗi người được cầm bao nhiêu ngày... quy định rất rõ trong NĐ, không có gì mập mờ. Nếu thực hiện nghiêm túc và những người thực hiện không đúng sẽ bị xử phạt nghiêm. Nếu làm được như vậy tôi tin 6 tháng sau khi LĐĐ có hiệu lực, thị trường đất đai sẽ có chuyển biến tích cực.

- Quy định xử lý vi phạm ''cứng'' như vậy, nhưng nếu vẫn có cán bộ địa chính sẵn sàng trả lại hồ sơ hoặc làm trái LĐĐ dưới một hình thức nào đó?

- Có hình phạt rất nặng sẽ được bổ sung, trong trường hợp thanh tra và kiểm tra thấy hồ sơ đã đủ mà trả lại thì người làm sai sẽ bị đuổi việc ngay.

- Xin cảm ơn ông!

  • Kiều Minh 

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Học bổng Fulbright về luật, kinh tế và hoạch định chính sách (23/03/2004)
Tổng cục Thuế ''nhượng bộ'' DN khu chế xuất, khu công nghiệp (19/03/2004)
Bức xúc của DN vẫn chưa được giải quyết (18/03/2004)
Giải ngân ODA chậm vì bị "ngâm" thủ tục (18/03/2004)
Nghệ sĩ, nhà báo sẽ bị khấu trừ 10% khi nhận thu nhập (17/03/2004)
TP.HCM ký kết 4 chương trình hợp tác CNTT (16/03/2004)
11.500 tỷ nợ xây dựng cơ bản sẽ được xử lý như thế nào? (16/03/2004)
Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn gia cầm (15/03/2004)
DN khu chế xuất được ưu đãi thuế theo ''Chương trình thu hoạch sớm'' (15/03/2004)
Đà Nẵng: Sẽ rút 50% thủ tục thời gian cho nhà đầu tư khởi nghiệp (14/03/2004)
Hôm nay, khai mạc "Năm du lịch Điện Biên" (13/03/2004)
DN Nhà nước cũng sẽ bị giám sát (11/03/2004)
Nhiều công trình xây dựng có nguy cơ bị bỏ rơi do giá thép cao (11/03/2004)
Quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị (10/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang