(VietNamNet) - Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, sẽ đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ cho các DN khu chế xuất, khu công nghiệp được hưởng mức thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN như trước ngày 1/1/2004.
|
Thay đổi thuế bất ngờ làm nản lòng các nhà đầu tư. |
Trước đây, Chính phủ có Nghị định 79/2000/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho phép dịch vụ cung ứng cho khu chế xuất không thuộc đối tượng chịu thuế. Nhưng từ 1/1/2004, trên nguyên tắc coi quan hệ trao đổi hàng hoá giữa DN trong thị trường nội địa với khu chế xuất là quan hệ xuất nhập khẩu nên Khoản 1, Điều 7 Nghị định số 158/2003/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT (sửa đổi năm 2003) quy định các loại dịch vụ cung cấp cho khu chế xuất phải chịu thuế GTGT với thuế suất như hàng hoá tiêu dùng tại Việt Nam. Theo đó, DN khu chế xuất phải chịu thêm thuế GTGT 10% cho các loại dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông, kiểm toán... mà trước đây họ không phải chịu.
Cũng từ 1/1/2004, theo Nghị định số 164/2003/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập DN sửa đổi, thuế suất thuế thu nhập đối với dự án đầu tư nước ngoài vào khu chế xuất nhảy vọt lên 20% giới hạn trong 10 năm, sau thời hạn này sẽ áp dụng thuế suất phổ thông 28%. Trong khi trước đó, mức thuế suất chỉ có 10% áp dụng cho suốt đời dự án. Đồng thời, mức thuế ưu đãi hiện nay chỉ giới hạn trong vòng 10, 12 hoặc 15 năm tuỳ thuộc ngành nghề và địa bàn của dự án. Dự án đầu tư nước ngoài đặc biệt khuyến khích đầu tư theo quy định trước đây hưởng thuế suất 10% cho suốt đời dự án thì nay áp dụng thuế suất 20% cho 10 năm; nếu có thêm điều kiện sử dụng nhiều lao động hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư thì mới được hưởng thuế 10% cho thời hạn 15 năm.
Bên cạnh đó, địa bàn ưu đãi đầu tư (kinh tế - xã hội có khó khăn và đặc biệt khó khăn) đối với dự án đầu tư nước ngoài cũng đã thay đổi. Một số nơi ''hết cảnh đặc biệt khó khăn'' và địa bàn ưu đãi đầu tư bị xoá xổ. Trước đây, toàn bộ các tỉnh Ninh Thuận, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh đều thuộc diện đặc biệt khó khăn thì nay có tỉnh còn 1 huyện hoặc 2 huyện...
Theo phản ánh của Hiệp hội các nhà đầu tư Nhật Bản tại TP.HCM, ban quản lý và DN khu chế xuất, khu công nghiệp, tăng mạnh thuế ''bất ngờ'' đã làm tăng chi phí kinh doanh của các DN trong khu chế xuất, dẫn đến giảm sức cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu, làm nản lòng những nhà đầu tư nước ngoài đang và muốn đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy, họ đã làm đơn lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị giữ nguyên chính sách ưu đãi về thuế như trước đây.
Bà Nguyễn Thị Cúc cho biết, Tổng cục Thuế dự kiến đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa Nghị định số 158/2003/NĐ-CP theo hướng dịch vụ cung cấp cho DN chế xuất không chịu thuế GTGT, trừ một số loại hàng hoá dịch vụ DN trong khu chế xuất mua nhưng tiêu dùng ngoài khu chế xuất. Khu công nghiệp sẽ không được hưởng quy định này vì đa số hàng hoá sản xuất trong khu công nghiệp được tiêu thụ trong nước.
Căn cứ vào Điều 37 Nghị định số 164/2003/NĐ-CP, ''đối với các khu kinh tế, các dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư do Thủ tướng Chính phủ quyết định mức thuế suất ưu đãi và thời gian miễn thuế nhưng tối đa không quá 4 năm miễn thuế, kể từ khi có thu nhập chịu thuế, và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo'', Tổng cục Thuế sẽ đề xuất Bộ Tài chính trình Thủ tướng có quyết định xử lý cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài trong khu công nghiệp và khu chế xuất được hưởng thuế suất như trước đây, nhưng có thời hạn theo quy định tại Điều 37 mà không cần phải sửa Nghị định số 164/2003/NĐ-CP. Chẳng hạn, đối với nhà đầu tư nước ngoài vào khu chế xuất sẽ được hưởng thuế suất thuế thu nhập 10% như trước đây trong thời hạn tối đa 15 năm.
Về danh mục địa bàn khuyến khích đầu tư, Bộ Tài chính sẽ mời Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Uỷ ban Dân tộc miền núi, Văn phòng Chính phủ rà soát lại cho phù hợp, nhất là bổ sung những địa bàn mới thuộc các tỉnh mới được thành lập như Điện Biên, Đăk Nông, Cần Thơ.
|