Nghệ sĩ, nhà báo sẽ bị khấu trừ 10% khi nhận thu nhập
17:58' 17/03/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Việc áp dụng thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao như giới văn nghệ sĩ, luật sư, nhà báo…, đang là đề tài gây tranh luận trong các giới chức, khi Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Chính phủ trình dự án Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính) về vấn đề này.
 

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế. Ảnh: Minh Nguyên

Bà Cúc nói: Thực ra việc thu thuế đối với các đối tượng là công dân việt Nam không thay đổi nhiều. Cái mới ở đây là một số khoản thu nhập không thường xuyên sẽ được đưa vào thu nhập thường xuyên. Cụ thể là các khoản thu nhập mang tính chất tiền lương tiền công như tiền thưởng, tiền phụ cấp, các khoản thu nhập về tiền nhuận bút, đề tài khoa học, giảng dạy, hoa hồng môi giới và các khoản thu nhập khác. Riêng đối với một số ngành nghề có tính chất đặc biệt như ca sĩ, nghệ sĩ xiếc, múa, vận động viên chuyên nghiệp có thời gian thu nhập cao trong một số năm nhất định, không ổn định. Khi họ có kỹ năng, thanh, sắc, sức khỏe thì nhà nước thu thuế trên toàn bộ thu nhập, nhưng khi không đủ khả năng để hành nghề thì nhà nước không có chế độ bảo trợ từ số thu nhập đã nộp thuế. Vì vậy, để giảm bớt mức điều tiết về thuế với những đối tượng trên, Bộ Tài chính đề nghị cho trừ 23% bảo hiểm nghề nghiệp (theo mức nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hiện hành).

- Việc thu thuế thu nhập đối với các đối tượng này được tiến hành như thế nào, thưa bà?

-
Việc kê khai, nộp thuế thu nhập thực hiện theo nguyên tắc khấu trừ tại nguồn. Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập có nghĩa vụ khấu trừ tiền thuế trước khi chi trả thu nhập cho đối tượng nộp thuế. Việc khấu trừ được phân biệt theo 2 loại đối tượng: Đối với cá nhân như nhà văn, nhà báo, nhà khoa học, luật sự, ca sĩ, diễn viên… hưởng lương tại đơn vị chi trả thu nhập thì tổng hợp các khoản thu nhập chịu thuế trong tháng để xác định số thuế phải khấu trừ. Còn đối với cá nhân như trên, nhưng không hưởng lương tại đơn vị chi trả thu nhập thì tạm khấu trừ 10% trên số thu nhập. Cuối năm, tất cả các cá nhân bị đánh thuế làm tờ kê khai thuế với cơ quan thuế, nếu chứng minh toàn bộ thu nhập trong năm của mình là dưới 60 triệu đồng thì cơ quan thuế sẽ hoàn trả phần thuế 10% đã thu, còn nếu trên 60 triệu đồng, thì cơ quan thuế sẽ làm quyết toàn thuế luôn.

- Nếu người trả tiền và người nhận tiền thông đồng không ghi chi, thu để trốn thuế thì sao?

-
Thông đồng thì có thể có, nhưng với các cơ quan nhà nước như cơ quan báo chí, trung tâm tổ chức biểu diễn, viện nghiên cứu, trường học… nếu đã chi nhuận bút thì họ phải hạch toán, hoặc thuê ca sĩ biểu diễn 10 triệu đồng thì cũng phải kê khai, hoặc thuê mời giảng viên giảng dạy cũng phải kê khai chứ. Bởi vì các khoản chi này buộc các cơ quan nhà nước phải làm hóa đơn để quyết toán cuối năm. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là làm sao để xác định được mức thu nhập thực tế của các đối tượng làm việc trong các đơn vị không phải kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp, hoặc các dự án của nước ngoài. Đối với các trường hợp này, chúng tôi phải có biện pháp quản lý thông qua quy định mức thu nhập bình quân, hoặc thông qua các hợp đồng lao động thực tế để đối chiếu.

- Thí dụ như đối với nhà văn, nhà báo, họ dùng nhiều bút danh để tránh thuế thì sao?

-
Dùng bút danh nào thì cơ quan báo chí khi trả nhuận bút cũng phải khấu trừ 10% tiền thuế, nhưng đến cuối năm, anh sẽ không được dùng các bút danh đó để tính vào các khoản thu nhập mà chỉ được dùng nhuận bút nhận dưới tên thật để tính thuế. Nếu thu nhập thấp hơn 60 triệu đồng thì anh sẽ được hoàn trả khoản khấu trừ10% trước đó, và khoản đã bị khấu trừ dưới các bút danh khác anh sẽ không được lấy về.

- Nhưng đấy là các tổ chức, cơ quan nhà nước thì mới áp dụng được biện pháp khấu trừ, còn đối với các giao dịch cá nhân với cá nhân thì sao? Chẳng hạn, một công dân thuê một luật sư bào chữa cho mình thì anh ta đâu có khấu trừ được?

Quả thực biện pháp khấu trừ ngay từ đầu sẽ khó áp dụng với các giao dịch mà người trả tiền không phải làm quyết toán, ví dụ như cá nhân trả tiền thuê luật sư bào chữa hoặc thực hiện một hợp đồng tư vấn pháp luật. Đây là cái khó của ngành thuế trong bối cảnh các giao dịch tài chính của chúng ta hiện nay phần nhiều thực hiện không chính thức, không có hợp đồng, không có hóa đơn. Mà nó không chỉ gây khó cho việc thực hiện thuế thu nhập cá nhân mà cả rất nhiều luật thuế khác nữa.

- Như vậy có nghĩa là nếu khó thì thôi?

-
Có thể chúng tôi sẽ có biện pháp xác định mức thu nhập tương đương. Ví dụ như ngành thuế đã biết một hợp đồng công việc của luật sư này là 10 triệu đồng thì luật sư khác không thể nói với ngành thuế là tôi chỉ nhận tiền công 500.000 đồng cho một hợp đồng tương đương được. Với các trường hợp xác định kê khai không trung thực thì sẽ ấn định mức thu nhập chịu thuế.

- Cơ quan nào sẽ đứng ra xác định mức thu nhập tương đương cho bao nhiêu ngành nghề khác nhau như vậy?

-
Ở các nước khác thì họ có trung tâm thẩm định giá, đơn vị này sẽ đứng ra xác định. Việt Nam cũng đang bắt đầu phát triển các kiểu trung tâm như thế, họ không chỉ đứng ra xác định mức thu nhập ngành nghề mà còn có thể xác định giá trị các giao dịch nhà đất, tài sản… Còn trong khi các trung tâm này chưa hoàn thiện thì việc ấn định giá trị các giao dịch tài sản đang do cơ quan thuế thực hiện. Nhưng còn về việc ấn định thu nhập cá nhân thì cơ quan thuế chưa quản lý, vì đây là một công việc rất khó.

- Vậy trong tương lai Bộ Tài chính sẽ khắc phục tất cả những khó khăn này như thế nào?

-
Việc chúng ta thực hiện Luật Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao là một bước tập dượt để đến năm 2006 sẽ thực hiện luật thuế thu nhập cá nhân. Mọi công dân từ 18 tuổi trở lên nếu đi làm, có thu nhập đều phải nộp thuế thu nhập cá nhân, ai cũng phải có mã số thuế. Ví dụ như một gia đình có 4 người - vợ chồng và 2 con nhỏ - vợ chồng cùng đi làm thì cả hai cũng phải nộp thuế cá nhân, hai vợ chồng có thể tự thỏa thuận để người có thu nhập cao hơn như người chồng đứng ra về mặt giấy tờ gánh trách nhiệm lo các điều kiện sinh hoạt, học hành tối thiểu cho 2 con nhỏ và cho bản thân, để có thể được khấu trừ tiền thuế, chỉ sau khi thu nhập của người chồng vượt qua mức chi phí trách nhiệm gia đình thì anh ta mới bắt đầu chịu thuế. Còn người vợ thì tự trả thuế cho bản thân, sau khi mức thu nhập đã vượt mức chi phí cho bản thân. Đến thời điểm 2006 thì 100% người đi làm sẽ phải có mã số thuế, và phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Chứ như hiện nay, dân số cả nước là 83 triệu người mà chỉ có khoảng 400.000 người nộp thuế thu nhập cá nhân thì ít quá.


- Xin cám ơn bà!

  • Lê Thọ Bình (Thực hiện)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
TP.HCM ký kết 4 chương trình hợp tác CNTT (16/03/2004)
11.500 tỷ nợ xây dựng cơ bản sẽ được xử lý như thế nào? (16/03/2004)
Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn gia cầm (15/03/2004)
DN khu chế xuất được ưu đãi thuế theo ''Chương trình thu hoạch sớm'' (15/03/2004)
Đà Nẵng: Sẽ rút 50% thủ tục thời gian cho nhà đầu tư khởi nghiệp (14/03/2004)
Hôm nay, khai mạc "Năm du lịch Điện Biên" (13/03/2004)
DN Nhà nước cũng sẽ bị giám sát (11/03/2004)
Nhiều công trình xây dựng có nguy cơ bị bỏ rơi do giá thép cao (11/03/2004)
Quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị (10/03/2004)
Hải quan sẽ bị giám sát bằng camera (10/03/2004)
Nghiêm cấm dùng thưởng cho DN có thành tích đóng thuế (09/03/2004)
DN Việt Nam hãy nhanh chân đối với thị trường láng giềng (08/03/2004)
Tuyến xe lửa nằm giữa tim xa lộ Hà Nội (06/03/2004)
Xuất khẩu dệt may và thủy sản giảm (03/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang