(VietNamNet) - Khu quản lý giao thông đô thị TP.HCM - chủ đầu tư của gần 300 công trình giao thông, trong đó có trên 10 công trình trọng điểm, đang rất lo lắng vì các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn TP.HCM có nguy cơ bị bỏ rơi. Lý do là giá thép cao, buộc các nhà thầu phải tính "đường thoát thân" cho mình. Và đường thoát đơn giản nhất là tạm ngưng thi công...
Bỏ công trình, giữ tiền
|
Các công trình xây dựng cơ bản ở TP.HCM sẽ dang dở... do không có đơn vị thi công. |
Ông Vũ Kiến Thiết, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị cho biết: "Muốn xây dựng cầu Rạch Chiếc, chúng tôi phải tiến hành xây cầu phụ Đầm Đây - Lây dài khoảng 200m để đảm bảo giao thông. Nhà thầu T. vừa mới trúng thầu, nay giá thép tăng, họ sẵn sàng bỏ 50 triệu đồng bảo lãnh dự thầu để khỏi nhận phần rủi ro về mình". Ông Thiết cũng đang lo ngại đối với công trình cầu Tân Thuận 2. Công trình này vừa mới chọn được đơn vị trúng thầu, theo dự kiến tổng khối lượng sắt được dùng để thi công cầu lên tới trên 2.500 tấn. Do giá thép tăng, đến nay, nhà thầu thi công đã lỗ 7,5 tỉ đồng. Trước tình hình đó, việc "bỏ cầu giữ lấy tiền" là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Lý giải về hiện tượng trên, một nhà thầu thẳng thắn, không giấu diếm: "Công ty nào càng lớn thì càng lỗ nặng. Đặc biệt là trong lĩnh vực thi công các công trình giao thông, làm cầu lại càng dễ phá sản nhất, vì một công ty có thể đảm trách thi công đến hàng chục công trình trên cả nước. Thế nên, chẳng thà bị mất 50 triệu đồng tiền bảo lãnh dự thầu, rồi đổi lại bằng việc bán vật tư đi kiếm hàng tỉ đồng lời thì vẫn cứ hơn". Đó là cách giải quyết tình thế khá mạo hiểm. Bởi làm như vậy đồng nghĩa với việc tự đánh mất luôn uy tín, thương hiệu của công ty, chưa kể đến những biện pháp phạt mà chủ đầu tư có thể áp dụng.
Hậu quả khó lường
"Các công trình cầu đường tại TP.HCM chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng", đó là nhận định của một quan chức ngành GTCC TP. Bởi lẽ, đơn vị thi công có thiện ý, quyết tâm xây dựng công trình lại gặp khó khăn ở kế hoạch vốn. Hiện nay, các ngân hàng áp dụng cho vay theo hợp đồng. Chẳng hạn: công trình có giá trị 100 tỉ đồng, ngân hàng sẽ cho vay khoảng 40 tỉ đồng. Giá vật liệu tăng lên, nhà thầu muốn tăng giá cũng không được vì đã qua giai đoạn đấu thầu. Nguy cơ lỗ của các nhà thầu thi công đã thấy rõ, khoản nợ gốc lẫn lãi cũng khó có thể trả. Điều đáng nói là các ngân hàng cũng nhận thấy rủi ro này và đã rất thận trọng trong việc quyết định có nên cho các đơn vị thi công vay tiền hay không. Thiếu vốn, mà càng thi công lại càng lỗ, các nhà thầu sẽ chẳng dại gì tiếp tục "lao đầu vào đá", và họ sẽ chuyển qua đầu tư vào công trình khác ít bị ảnh hưởng bởi biến động vật giá hơn.
Đối với các dự án xây dựng cơ bản, thông thường muốn lập dự toán thì phải căn cứ vào định giá vật liệu đã được Sở Tài chính Vật giá ban hành. Nhưng trên thực tế, Sở này bao giờ cũng ban hành quá chậm. Nói không xa, đến thời điểm này, giá vật liệu của tháng 1 mới được ban hành. Không những thế, do giá cả đột biến nên lúc nào dự toán cũng thấp hơn thực tế. "Với tư cách là chủ đầu tư, chúng tôi mong muốn ban vật giá ban hành càng sớm càng tốt, giá vật liệu để làm cơ sở xây dựng dự toán đảm bảo tính chính xác. Trên cơ sở đó, chúng tôi mới có thể tổ chức đấu thầu được" - Ông Vũ Kiến Thiết nói.
Trong quy chế đấu thầu của ta, có đưa ra 2 hình thức đấu thầu: có điều chỉnh giá hoặc không điều chỉnh giá. Những công trình khó tiên lượng về giá trị và những công trình có thời gian thi công trên 12 tháng thì mới được đấu thầu điều chỉnh giá. Nhưng khi đấu thầu theo phương pháp này cũng chỉ được điều chỉnh giá những loại vật liệu cơ bản từ tháng 13 trở đi, còn 12 tháng đầu giá vọt lên cỡ nào cũng phải chấp nhận. Nếu tổ chức đấu thầu theo phương pháp điều chỉnh giá theo thang giá vật liệu thị trường thì chắc chắn các nhà thầu cũng sẽ không bỏ công trình.
Đối với lĩnh vực giao thông, những đơn vị có năng lực thi công mạnh chủ yếu thuộc thành phần quốc doanh như: Tổng Công ty Sông Đà, Tổng Công ty Xây dựng Sông Lô, Trường Sơn, Thăng Long... Họ lại cũng chính là những DN bị thiệt thòi lớn bởi hệ quả của việc tăng giá thép. Nếu nhà nước không sớm có những biện pháp khắc phục thích hợp và kịp thời thì sự phá sản của nhiều công ty quốc doanh là điều có thể dự đoán được.
Giá thép tăng chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng đối với xã hội: công trình sẽ bị chậm trễ; chưa kể nếu kiểm soát không chặt, giá cả tăng cao, những đơn vị thi công không lành mạnh sẽ thay đổi chủng loại vật liệu, bớt xén vật tư, gây ra những hậu quả khó mà lường trước.
|