Vấn nạn sao chép phần mềm
Năm 2004: Việt Nam sẽ sử dụng phần mềm có bản quyền?
14:38' 03/03/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Theo Hội Tin học Việt Nam, năm 2004 sẽ là cột mốc thực hiện việc kiểm soát bản quyền - chống sao chép phần mềm. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để VN  chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới - WTO. Hiện chúng ta tạm thời vẫn nằm trong những nước đứng đầu thế giới về tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm.

Hãng Microsoft duy trì thường xuyên hoạt động giới thiệu sản phẩm mới tại VN.

 

Cơ quan quản lý Nhà nước cũng dùng phần mềm sao chép

 

Hơn 90% phần mềm đang được sử dụng tại VN đều được sao chép lại; có rất ít người sử dụng phần mềm có bản quyền. Hiện tại, chỉ có 2 tập đoàn phần mềm chính thức thâm nhập vào thị trường VN là Microsoft và Oracle. Trong đó có Microsoft vốn nổi tiếng về những chương trình ứng dụng quen thuộc - hệ điều hành Windows được cài đặt trên hầu hết các máy vi tính.

 

Những ai đang sử dụng phần mềm sao chép đều dựa vào cái cớ : “Phần mềm chính hãng giá cao quá nên mua không nổi”. Ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước cũng đang sử dụng phần mềm sao chép nên khó lòng thực thi nghiêm chỉnh việc “kiểm soát thị trường phần mềm, chống nạn sao chép phần mềm có bản quyền”. Đã hơn một lần, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội và TP.HCM ra quân rầm rộ để bắt giữ, tịch thu các CD dữ liệu, chương trình ca nhạc, ứng dụng trên máy tính… Nhưng sau đó, đâu lại hoàn đấy, phần mềm sao chép vẫn tiếp tục lưu hành như một lẽ đương nhiên.

 

Trong số các bộ tự điển Lạc Việt có trên thị trường, chỉ chưa tới 1% là sản phẩm chính hiệu, còn lại hơn 90% đều cài đặt bản sao chép. Sợ đến nỗi không dám phát triển thêm, Công ty cổ phần tin học Lạc Việt đang dậm chân tại chỗ với những phần mềm hiện hữu. Ông Hà Thân, Giám đốc Công ty Lạc Việt đã trao đổi với giới báo chí: “Sắp tới, nếu không có những quyết định xử phạt mạnh tay, các công ty phần mềm trong nước sẽ không dám đưa sản phẩm ra thị trường. Hiện nay, chúng tôi phải nghĩ đến giải pháp cài đặt trực tiếp để hạn chế việc sao chép, nhân bản các phần mềm của công ty”.

Linux - một đối thủ khó chịu của hệ điều hành Microsoft Windows.

 

Hình thành hệ điều hành VN?

 

Hơn chục đề án về giải pháp mã nguồn mở đã được đưa ra, để tiến tới việc VN tự xây dựng hệ điều hành riêng. Và Linux được xem là cứu cánh cho những người đang sử dụng máy vi tính tại VN, khi nó mở ra con đường hình thành hệ điều hành VN. Tuy nhiên, cho đến nay hệ điều hành Việt này vẫn là sản phẩm mang tính thử nghiệm, cài đặt theo đề nghị của khách hàng thông qua một số DN lắp ráp máy tính trong nước.

 

Microsoft Windows vẫn là món ăn quen thuộc đối với người tiêu dùng từ hàng chục năm nay. Chính Microsoft đã khẳng định vị trí trong lòng người tiêu dùng và hiện vẫn kiên trì với thị trường nhỏ bé tại VN. Tuy nhiên, khi nói về chính sách giảm giá phần mềm cho VN thì đại diện của Microsoft cho rằng: “Đây là chính sách sản phẩm toàn cầu, không thể có việc giảm giá cho từng quốc gia riêng biệt. Hãng Microsoft chỉ có thể thực hiện chương trình hỗ trợ cụ thể cho một số đối tượng khách hàng khác nhau”.

 

Trước đó, Thái Lan khá thành công khi đưa ra chương trình “một triệu máy tính giá rẻ” đã được cài đặt phần mềm có bản quyền. Đánh đổi lại, các hãng máy tính và phần mềm nưc ngoài sẽ được hưởng chính sách ưu đãihỗ trợ cho việc kinh doanh máy tính của họ. VN cũng đang hoạch định một kế hoạch phát triển máy tính đến những khu vực vùng sâu, vùng xa với “một triệu máy tính giá rẻ”. Nhưng các bộ máy tính này cài đặt phần mềm có bản quyền hay không vẫn đang là dấu hỏi.

 

Muốn hội nhập phải tuân theo luật bản quyền quốc tế

 

Sử dụng phần mềm có bản quyền cũng là một lối mở trong quá trình hội nhập của VN, vì chúng ta buộc phải tuân theo luật bản quyền quốc tế khi tiến hành hội nhập. Nếu chúng ta không tôn trọng luật chung, thì khó mà được các quốc gia khác tôn trọng, và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục ái ngại khi quyết định đầu tư vào VN.

 

Đường vào WTO vẫn rộng mở cho các nước, nhưng điều kiện của nó thì quả thật gian nan. VN đang đứng ngoài "bữa đại tiệc" của các quốc gia hùng mạnh và chờ thời! Nếu "chơi" một cách sòng phẳng, tức là phải tôn trọng bản quyền phần mềm, không có cách nào khác là chúng ta đành chấp nhận mất đi vài chục triệu USD để các cơ quan nhà nước và người dân được sử dụng các phần mềm có bản quyền.

 

Chính sách bán phần mềm giá rẻ cho các quốc gia đang phát triển chưa bao giờ được các hãng phần mềm công nhận một cách chính thức. Họ thường lồng ghép vào một số chương trình bán sản phẩm có ưu đãi cho một ngành nghề nào đó. Hoặc đưa trực tiếp vào những bộ máy tính được lắp ráp tại các thị trường khu vực với giá thấp hơn giá mặt bằng trên thế giới.

 

Theo kinh nghiệm của Hội Tin học VN: “Chúng ta cần phải khai thông lối mở này để nhanh chóng bắt tay với các nước có nền kinh tế phát triển. Trong năm nay, hy vọng sẽ có một bộ phận chuyên trách mang tính xã hội hoá về việc chống nạn sao chép phần mềm. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ từng bước xây dựng nhận thức về sử dụng phần mềm có bản quyền từ những cơ quan công quyền cho đến từng hộ gia đình”.

 

  • Chí Thịnh

Trước sức ép từ sự xuất hiện của các hệ điều hành xuất thân từ Linux, Hãng Microsoft đang bàn tính đến việc điều chỉnh giá bán các sản phẩm phần mềm sao cho phù hợp với mức thu nhập trên đầu người của một số quốc gia. Tuy nhiên, đây vẫn là dự án và nó chỉ được triển khai một cách đầy đủ vào cuối năm nay, sau khi Microsoft thu thập đầy đủ thông tin về các thị trường khu vực. Đối tượng khách hàng đặc biệt - Chính phủ các nước cũng đang lọt vào tầm ngắm của Microsoft trong chiến dịch chống lại sự xâm lấn của Linux.

 

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
150ha đất và 43.000m² nhà xưởng cần cho DN thuê (03/03/2004)
Các nhà DN trẻ khởi động phong trào thi đua mới (02/03/2004)
Được cấp chứng nhận ưu đãi đầu tư trong nước (02/03/2004)
Tiềm năng chưa biến thành lợi ích (01/03/2004)
Thông tin thương mại đóng vai trò sống còn cho DN (01/03/2004)
''Sẽ nâng vốn điều lệ của ngân hàng chính sách xã hội'' (29/02/2004)
Thành lập các sở bưu chính, viễn thông (27/02/2004)
Thành lập các đội kiểm tra thị trường sắt, thép (25/02/2004)
WB sẽ hỗ trợ 1,6 tỷ USD cho Việt Nam (21/02/2004)
Chậm khắc phục hậu quả các công trình thi công kém chất lượng (19/02/2004)
75,8 triệu USD phát triển các đô thị miền Trung (16/02/2004)
Công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao chiếm 60-61% (10/02/2004)
Cho phép đầu tư vào vịnh Vân Phong. (09/02/2004)
''Giảm bớt đầu mối để nâng cao hiệu quả đăng ký nhãn hiệu'' (09/02/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang