Giám sát chặt việc nuôi tôm thẻ chân trắng
18:52' 28/01/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Bộ trưởng Bộ Thủy sản vừa có chỉ thị 01/2004/CT-BTS yêu cầu các tổ chức, cá nhân không được tiến hành sản xuất giống tôm thẻ chân trắng tại các trại giống tôm sú và giống tôm khác; chỉ được phép nuôi loại tôm này tại các khu vực ao, đầm nuôi tách biệt.

Biện pháp này nhằm đảm bảo không lây lan dịch bệnh cho các đối tượng nuôi khác và bảo vệ môi trường sinh thái. Việc sản xuất giống và nuôi thương phẩm phải chịu sự giám sát của Cục Quản lý chất lượng, An toàn vệ sinh và thú y thủy sản.

Đối với việc nhập khẩu tôm thẻ chân trắng, phải thực hiện nghiêm túc quy chế khảo nghiệm giống thủy sản, phải cô lập các lô tôm bố mẹ, tôm giống tại nơi tách biệt để tiến hành kiểm dịch chặt chẽ trước khi khảo nghiệm.

Cục Quản lý chất lượng, An toàn vệ sinh và thú y thủy sản là cơ quan kiểm tra, giám sát, tiến hành tổng kết công tác khảo nghiệm, thử nghiệm tại tất cả các công ty, đơn vị đã được cấp giấy phép để có phương án thích hợp quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng tại Việt Nam. Việc nghiên cứu khoa học về tôm thẻ chân trắng cũng được giao cho các đơn vị nghiên cứu của ngành nhằm có đánh giá sớm nhất về mặt khoa học khi phát triển loài tôm này. Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện ngay chỉ thị trên và gửi báo cáo về Bộ trước ngày 15/2/2004.

Biện pháp mạnh trên của Bộ Thủy sản được ban hành nhằm tránh tình hình bệnh tôm bùng phát năm 2003, đặc biệt là bệnh xuất hiện trên tôm thẻ chân trắng - đối tượng nuôi mới tại Việt Nam. Bệnh trên tôm thẻ chân trắng chủ yếu là hội chứng taura, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại nhiều vùng nuôi như Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bạc Liêu, Cà Mau.

Mặc dù tôm thẻ chân trắng được coi là loài tôm sạch bệnh, song, hội chứng taura đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều nước, như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc… Một số quốc gia có nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh như Trung Quốc cũng đã đưa ra cảnh báo về dịch bệnh; Indonesia, Sri Lanka, Australia khoanh nuôi hạn chế; Philippines, Malaysia đã có thông báo cấm nuôi; riêng Thái Lan đã cấm nhập tôm thẻ chân trắng.

Tại Việt Nam, tháng 9/2001, Công ty Duyên Hải - Bạc Liêu - là đơn vị đầu tiên được Bộ Thủy sản cho phép đưa tôm thẻ chân trắng vào sinh sản nhân tạo để bán ra thị trường. Tôm nhập ở dạng Nauplius hoặc Poslavae. Nguồn tôm giống nhập ngoại chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ; trong đó nhiều nhất là Trung Quốc, mà chủ yếu là nhập qua đường tiểu ngạch, rất khó kiểm soát. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến vụ tôm nuôi tại Quảng Ninh vừa qua chết hàng loạt. Trước nguy cơ đó, Cục Quản lý chất lượng, An toàn vệ sinh và thú y thủy sản đã dừng làm thủ tục nhập khẩu tôm thẻ chân trắng giống từ Trung Quốc, Đài Loan.

  • Hà Yên

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
TP.HCM hỗ trợ lãi suất 6 tỷ đồng đổi mới công nghệ (28/01/2004)
Phiên điều trần vụ kiện tôm diễn biến thuận lợi (27/01/2004)
Trăn trở lối đi cho trà (27/01/2004)
Năm 2004, dự kiến thu hút 3,3 tỷ USD vốn FDI (26/01/2004)
''20 năm tới, VN sẽ đứng Top 10 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới'' (22/01/2004)
Giao thừa Giáp Thân: Điều trần tại Washington D.C. (21/01/2004)
Liên doanh Hồng Thái - S.I.T “xông đất” Nghệ An (17/01/2004)
Con tôm Việt Nam chuẩn bị điều trần tại Mỹ (17/01/2004)
Sẽ đề bạt Việt kiều giữ chức vụ tương xứng khả năng (16/01/2004)
Gần 37.000 tỷ đồng cho dự án Thuỷ điện Sơn La (15/01/2004)
Động thổ khởi công xây cầu Tân Thuận 2 (15/01/2004)
Chính phủ xuất ngân sách chống dịch cúm gà (14/01/2004)
Khi bến cóc, xe đò trở thành cứu cánh (14/01/2004)
“Chống vòng ngoài, giữ vòng trong” (10/01/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang