Trăn trở lối đi cho trà
08:59' 27/01/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) – Trà Việt Nam mang hương vị riêng. Cách chế biến, thưởng trà của người Việt cũng có nhiều độc đáo. Nhưng theo đánh giá chung, trà Việt Nam chưa có chỗ đứng xứng tầm ở thị trường cả trong, ngoài nước. Một số ý kiến cho rằng, trà Việt Nam phải mất nhiều năm để thay đổi vị trí trên thị trường. Nhưng thực tế, nếu biết đi đúng hướng, một doanh nghiệp trà vẫn có thể nhanh chóng khẳng định mình.

Dù có nét độc đáo…

Trà - một loại dược phẩm.

Trà Việt Nam mang những công dụng chung của trà như tạo sự tỉnh táo, phòng ung thư, giảm lượng chorestrol trong máu, giảm nguy cơ tử vong vì bệnh tim, sát trùng, khử hôi… Trà là thuốc nhưng cũng là một thứ đồ uống gây nghiện. Ngoài ra, một số vùng của Việt Nam, với địa hình khí hậu đặc thù, đã có những loại trà độc đáo, đủ sức cạnh tranh. Chẳng hạn, ở Tân Cương (Thái Nguyên) có loại trà cho vị mang mác cốm vòng, nước màu xanh non như rau muống, thân uốn móc câu, cánh nhỏ. Huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) có loại trà cho nước màu mận chín (còn gọi là trà đỏ), nhiều lần pha vẫn đậm đà, vẫn thơm; tạo cảm giác ngọt giọng, sảng khoái, thậm chí hơi say say.

Theo nhà nghiên cứu ẩm thực Huy Phú, cách thưởng trà của người Việt khá độc đáo, mặc dù khởi nguồn từ Trung Quốc, và hình thành từ thế kỷ thứ VIII, sau Trung Quốc nhiều năm. Chỉ người Việt mới có kiểu pha trà không bao giờ rửa ấm, mà cọ bề ngoài cho bóng sạch. Lâu ngày, trà quyện lại thành lớp trong lòng ấm, gọi là cao trà. Khi không có trà để pha, chỉ cần đổ nước sôi vào ấm, chờ cho cao trà tan trong nước là có ngay chén trà ngon.

Nghi lễ uống trà truyền thống của người Việt tuy không cầu kỳ như ở Nhật Bản, nhưng phức tạp hơn ở Trung Quốc (điều này xuất phát từ tâm lý tự tôn của người Việt: học người nhưng phải làm cho khác người). Bà Ngọc Mỹ, chủ quán thiền trà lớn ở 40/1 Bùi Viện, Q.1, TP.HCM, cho biết: “Theo truyền thống người Việt, uống trà nhất thiết phải chọn không gian yên tĩnh, thoáng đãng. Nước pha trà phải là nước không mùi, không màu, nước sương ban mai đọng trên lá cây là tốt nhất. Khi trà được rót, áp hai lòng bàn tay vào chén trà cho hơi ấm lan tỏa vào cơ thể. Phải dùng hai tay nâng chén trà, một tay đỡ, một tay cầm. Trước khi uống nên đưa chén sát mắt để khói mang hơi nóng xông lên khiến mắt đỡ mỏi, tinh hơn. Khi uống phải hớp ba lần, không để phát tiếng. Những bước trên nhằm phát huy tác dụng y học của trà nóng, tạo sự tĩnh tâm cho người thưởng trà, đồng thời thể hiện sự lịch sự, tôn trọng nhau trong giao tiếp”.

Người Việt có thói quen dùng trà mộc, tức trà không ướp tẩm. Nhưng trà ướp tẩm Việt Nam cũng có hương vị riêng. Chỉ Việt Nam mới có trà ướp hương sen, hương bưởi, hương nhài.

… Nhưng trà Việt chưa thể làm giàu

Tầm vóc trà Việt Nam trên thị trường, như đã nói, chưa tương xứng với tiềm năng. Việt Nam hiện đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu trà, sau Ấn Độ, Trung Quốc, Kennye, Sri Lanka và Indonesia. Nhưng lượng xuất khẩu 60.000 tấn/năm của Việt Nam chỉ bằng vài phần trăm tổng thị phần những nước trên. (Trong khi đó, sản lượng trà cả nước đạt 327 nghìn tấn/năm với diện tích 90 nghìn ha). Trà Việt Nam mới chủ yếu xuất khẩu sang các nước Trung Đông, Nhật Bản, Mỹ, Nga, và cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các thị trường này. Chẳng hạn, Nga cần nhập 13.000 - 15.000 tấn/ năm, nhưng năm nay, Việt Nam chỉ xuất khẩu sang Nga 4.000 tấn.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu trà mộc. Song trà mộc Việt Nam chưa tìm được thương hiệu. Một phần vì Việt Nam có rất ít công ty đủ mạnh để cung ứng trà với số lượng lớn, ổn định, việc xuất khẩu phải thông qua một công ty trung gian nước ngoài; một phần vì trà nước ta chất lượng chưa cao và đồng đều. Việc đóng gói bằng bao tải khiến trà gẫy; việc phơi ngay trên mặt đất, hoặc trên lửa khiến trà mất hương. Khi đóng gói trà, người bán cũng không phân biệt rõ chất lượng, để lẫn lộn, khiến không thể bán với giá cao, rất khó đấu giá, và thậm chí bị từ chối.

Chưa nói năng suất chỉ đạt 1 tấn khô/ha, thấp hơn năng suất trà bình quân thế giới, ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập người trồng trà.

Ông Tiến Thịnh, GĐ Công ty trà Gia Thịnh ở 21 Hàng Đường, Hà Nội, cho biết, sau khi thu mua trà của công ty ông, một công ty trung gian nước ngoài không cần tái chế, bán ra thị trường với giá gấp đôi nhờ thương hiệu của họ. Đó là trường hợp một công ty có nguồn trà ngon từ Tân Cương (Thái Nguyên) bán với giá 100.000đ/ký. Còn với những công ty có hàng chất lượng vừa phải, khiến công ty trung gian phải tái chế, mức chênh lệch càng lớn. Ngoài ra, có không ít công ty chưa có vùng nguyên liệu riêng, nên bị động trong sản xuất, không chiếm được tin cậy của đối tác.

Quán thiền trà ở 347 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.24, Q.BT.

Các quán thiền trà chất lượng cao trong nước cũng không có nhiều.Tại TP.HCM chỉ có vài quán được du khách nêu tên, trong khi ở xã hội hiện đại, nhu cầu thư giãn, giải trí rất cao. Khách thưởng trà, đặc biệt là khách nước ngoài, Việt kiều, không ngại trả cao cho kiểu dịch vụ trên. Thực tế, thu nhập của một quán thiền trà gấp mấy lần một quán nhậu. Bà Ngọc Mỹ kể, có khách quen từng trả hàng trăm đô la cho mỗi lần thưởng trà... Dựng quán thiền trà không tốn kém hơn dựng quán nhậu, nhưng chủ quán phải hiểu trà đạo để tổ chức quán và tư vấn cho khách. Quán thiền trà còn góp phần quảng bá sản phẩm trà và trà đạo Việt Nam.

Người phương Tây không có thói quen uống trà mộc; với họ, trà phải kèm một hương vị khác. Ngay cả người Việt Nam cũng thế, trong nhịp sống bận rộn, ngoài lúc thảnh thơi, giải trí, không thể có thời gian chờ trà ngấm, đổ bã, hoặc đến các quán thiền trà. Ngoài ra, trà mộc rất kén người uống. Đó là lý do khiến lượng trà tiêu thụ trong nước chỉ đạt 0,3 kg/người/năm, đứng sau rất nhiều nước không sản xuất trà. Như vậy, phải có một kiểu uống trà nhanh, gọn, “dễ vào”; bên cạnh tính thưởng thức, phải có tính giải khát. Nhưng hai hãng trà túi chiếm lĩnh thị trường Việt Nam hiện nay là Lipton và Dilmah đều của nước ngoài.

Hướng đi nào?

Sở dĩ hai nhãn hiệu trà trên tung hoành trên thị trường vì họ cho ra đời những sản phẩm mang hương vị thơm ngon độc đáo, dễ uống, và đặc biệt rất phong phú như chanh, dâu, anh đào, bạc hà, hoa hồng… với những tên gọi hấp dẫn: cảm xúc mùa xuân, hạ, thu, đông; cảm xúc bá tước… Lipton ngoài sản phẩm trà túi lọc còn đưa ra thị trường sản phẩm trà hòa tan, pha sẵn, thậm chí đóng gói, đóng lon, "Lipton Icetea" mới. Dilmah có khoảng 30 loại sản phẩm được chia làm 3 loại chính: loại hoa quả thông thường, hoa quả đặc biệt và trà thảo dược.

Hai hãng trà này đặc biệt đánh vào tâm lý giới trẻ bằng hệ thống quán giải khát với phong cách mới mẻ, bắt mắt. Hệ thống phân phối của họ ước tính lên tới hàng nghìn quán, đại lý. Họ hỗ trợ miễn phí những vật dụng như mái che, ô dù, bàn ghế, cốc chén cho các quán, đại lý chính hãng và liên tục đưa ra nhiều chiến dịch tiếp thị, khuyến mãi. Một số chuyên gia cho rằng, việc trà túi Việt Nam “lép vế” trước trà ngoại đương nhiên một phần vì thiếu vốn, nhưng một phần không nhỏ do công tác thị trường không tốt.

Trà túi lọc Vĩnh Tiến.

Trước tình hình đó, theo các chuyên gia, không còn cách nào khác, các doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận nhập công nghệ tiên tiến với giá cao, để trà Việt Nam tận dụng được tối đa hương vị tự nhiên của quê hương. Hiện đã có một số doanh nghiệp bước đầu thành công nhờ đi theo hướng này: Doanh nghiệp Kim Anh với sản phẩm chè nhài, sen, dâu... Các Công ty Đông Nam dược, Hoàng Long, Thanh Long, Xí nghiệp chè Thủ Đô... với các sản phẩm: chè nhân trần, chè hoa cúc, cẩm lệ chi, atiso...

Ngay cả khi thiếu vốn cũng không phải không có cách đi lên. Công ty trà Gia Thịnh là một ví dụ. Khi một số bà con ở Tân Cương (Thái Nguyên) bỏ trồng trà vì giá xuống thấp, công ty đã mua hoặc mướn lại đất của bà con, đồng thời thuê luôn chủ đất làm công nhân. Nhờ trà vùng này vốn có phẩm chất tốt, lại có sự kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống của công nhân bản địa và cách thức hiện đại trong chế biến, nên sản phẩm công ty được bán với giá khá cao (có loại giá hàng trăm đô la/ký)...

Ngay cả việc bán trà mộc, nếu kèm theo quảng bá nét độc đáo trong hương vị, trong cách thưởng trà Việt Nam qua các kênh thông tin để khách hàng (đặc  biệt người nước ngoài) hiểu và thích, thì kết quả sẽ khác.

  • Phạm Cường
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Năm 2004, dự kiến thu hút 3,3 tỷ USD vốn FDI (26/01/2004)
''20 năm tới, VN sẽ đứng Top 10 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới'' (22/01/2004)
Giao thừa Giáp Thân: Điều trần tại Washington D.C. (21/01/2004)
Liên doanh Hồng Thái - S.I.T “xông đất” Nghệ An (17/01/2004)
Con tôm Việt Nam chuẩn bị điều trần tại Mỹ (17/01/2004)
Sẽ đề bạt Việt kiều giữ chức vụ tương xứng khả năng (16/01/2004)
Gần 37.000 tỷ đồng cho dự án Thuỷ điện Sơn La (15/01/2004)
Động thổ khởi công xây cầu Tân Thuận 2 (15/01/2004)
Chính phủ xuất ngân sách chống dịch cúm gà (14/01/2004)
Khi bến cóc, xe đò trở thành cứu cánh (14/01/2004)
“Chống vòng ngoài, giữ vòng trong” (10/01/2004)
Khởi động khu công nghiệp dệt may thứ ba (09/01/2004)
Thiêu hủy gần 3 tấn gà chết (09/01/2004)
Thu thuế hàng nhập khẩu chưa cao do biến động giá xăng dầu. (09/01/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang