(VietNamNet) - Kế hoạch nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nằm trong dự án vệ sinh môi trường, được TP rất quan tâm. Theo kế hoạch, khối lượng bùn nạo vét trong giai đoạn thi công cải tạo kênh ước lượng là 1.030.000m3. Lượng bùn này sẽ được vận chuyển để thải bỏ hoặc tập kết tại bãi chôn rác. Thế nhưng, tập kết tại đâu, và đưa đi đâu một khối lượng bùn lớn như thế, lại đang là một dấu hỏi lớn...
Bùn đi đâu?
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nằm trong dự án vệ sinh môi trường TP.HCM, sẽ được nạo vét nhằm cải thiện mức độ ô nhiễm môi trường, ngăn chặn hệ thống thoát nước bị chảy tràn. Dự án này cải thiện bền vững y tế công cộng và vì sức khỏe của nguời dân thành phố, thông qua việc giảm ô nhiễm trong nước thải, và các sự cố lũ lụt. Cụ thể, sẽ nạo sâu thêm 2-3m, nới rộng kênh ra 27m ở thượng nguồn và 90m ở hạ nguồn. Do dòng chảy của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chậm, nên bùn đất nạo vét gồm chủ yếu những vật thể trầm lắng trên đáy kênh. Lớp trầm lắng này gồm có bùn của nước thải và đất cát do nước mưa cuốn trôi xuống.
|
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. |
Qua khảo sát và phân tích trong phòng thí nghiệm cho thấy: bùn đất nạo vét dưới lòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có thể được sử dụng làm chất liệu chôn lấp và trồng cây. Bùn loại 1 chứa lượng chất hữu cơ trên 10%, có khoảng 338.000m3, chiếm 33% thể tích tổng cộng. Còn lại là lớp đất dưới, chứa ít chất hữu cơ (5-10%), có khoảng 690.000m3. Theo tính toán, sẽ phải nạo vét khoảng 1.030.000m3 bùn.
Thêm vào đó, Công ty cấp nước đô thị TP hàng tháng phải nạo vét trong lòng cống từ 6000-14.000m3 bùn. Không tìm đâu ra chỗ tập kết, công ty đành phải thỏa thuận với một số hộ dân có nhu cầu san lấp "để có chỗ thoát".
Dự án nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ được thực hiện trong vòng 2 năm, từ 2005 - 2007. Tuy nhiên, phía Quản lý dự án đang "bí". Bởi lẽ, trước đây, theo cam kết thỏa thuận với Ngân hàng thế giới (đơn vị cho vay tiền): bãi rác Đông Thạnh sẽ được dùng để tập kết bùn. Tuy nhiên, theo quyết định của UBND TP, bãi rác Đông Thạnh đã đóng cửa, và đang trong quá trình xử lý rác thải . Thế nên, lượng bùn thải khó có thể được tiếp nhận ở bãi rác này.
|
Lượng bùn thải không có chỗ tập kết. |
Bên Quản lý dự án đề nghị phía quản lý bãi rác Đông Thạnh mở cửa để lượng bùn thải này có chỗ tập kết. Họ cam kết sẽ xử lý mùi, cũng như nước rỉ ra từ bùn. Thế nhưng, bên quản lý bãi rác Đông Thạnh lại không đồng tình. Lý do được đưa ra rất chính đáng: người dân nơi đây đã phải chịu cảnh "sống chung với rác" hơn chục năm. Nay vừa thoát ra cảnh khổ ải chưa đầy một năm, liệu dân có tiếp tục chịu? Hơn nữa, khi mưa xuống, lượng nước bùn rỉ ra sẽ cũng phải xử lý như nước rỉ của rác, việc này người dân khó lòng chấp thuận.
Lối thoát Cần Giờ?
UBND huyện Cần Giờ có dự định sẽ cho lượng bùn thải này tập kết tại xã An Thới Đông. Bởi, do nhu cầu thực tế, người dân ở đây thường tổ chức mua bán bùn để bón cây và san lấp đất làm nhà ở. Tuy nhiên, phương án này cũng sẽ phải xem xét thật kỹ lưỡng.
Huyện Cần Giờ có diện tích nuôi trồng thủy hải sản khá lớn. Người dân lại có thói quen dùng máy bơm để mua bán bùn thải. Thế nên, nếu không có sự giám sát chặt chẽ, quy trình xử lý thật nghiêm ngặt, khả năng ô nhiễm do nước rỉ của bùn là điều có thể dự đoán được. Người ta có quyền đặt nghi vấn: nếu không tìm ra được bãi chứa bùn thì liệu "nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè" có trở thành dự án treo?
|