2,69 tỷ USD đầu tư dự án Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn
15:08' 26/09/2003 (GMT+7)

Việt Nam khai thác dầu thô nhưng đến nay vẫn chưa có nhà máy tinh chế dầu.

Ban chuẩn bị đầu tư Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá) cho biết, báo cáo nghiên cứu khả thi Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn đã cơ bản hoàn thành, đang được Ban lãnh đạo Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) rà soát lại lần cuối trước khi trình Chính phủ xem xét vào cuối năm nay.

Điểm đáng lưu ý đầu tiên của bản nghiên cứu khả thi là tổng vốn đầu tư cho Liên hợp lên đến 2.690 triệu USD (chưa kể các chi phí về tài chính và lãi vay), tăng gần 200 triệu USD so với dự án tiền khả thi được duyệt.

Theo ông Ngô Xuân Hùng, Trưởng ban chuẩn bị đầu tư Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn, hầu hết các chỉ tiêu nêu trong Báo cáo nghiên cứu khả thi, như chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn môi trường, sơ đồ công nghệ đều đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn so với nghiên cứu tiền khả thi. Không những thế ông Hùng còn cho biết, việc nâng cấp công suất Nhà máy sản xuất chất dẻo từ 150.000 tấn/năm (trong nghiên cứu tiền khả thi) lên 300.000 tấn/năm, trong khi giá thị trường hiện nay 1 tấn chất dẻo là 780USD (gấp 3 lần một tấn xăng cao cấp) và nhu cầu thị trường chất dẻo trong nước rất lớn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều.

Nghiên cứu khả thi Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn cũng đã kiến nghị lựa chọn hình thức liên doanh điều hành dự án quan trọng này, với tỷ lệ góp vốn giữa hai bên Việt Nam và bên nước ngoài trong liên doanh là 80/20. Theo đó bên Việt Nam góp 645 triệu USD, phía nước ngoài góp 162 triệu USD, phần còn lại là vốn vay.

Theo ông Hùng, việc lựa chọn hình thức liên doanh sẽ giúp cho việc thu xếp vốn đầu tư cũng như kinh nghiệm quản lý, vận hành và chuyển giao công nghệ được dễ dàng hơn. Hiện nay tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) đã có thư bày tỏ mong muốn Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn sớm được phê duyệt và làm đối tác trong liên doanh. Ngoài ra Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) hứa sẽ cung cấp các khoản vay cho dự án, nhất là trong trường hợp có đối tác của Nhật Bản tham gia trong liên doanh điều hành.

Vẫn theo ông Hùng, khác với Khu liên hợp lọc dầu Dung Quất, với nguyên liệu đầu vào 100% nguồn dầu thô trong nước, nghiên cứu khả thi Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn đã đưa ra phương án sử dụng nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn là nguồn dầu thô Việt Nam và dầu thô nhập từ Trung Đông, với tỷ lệ 50/50 sẽ đem lại hiệu quả tối ưu nhất. Ngoài ra nghiên cứu khả thi cũng tính đến khả năng sử dụng nguồn dầu thô của các nước trong khu vực để thay thế nguồn dầu thô trong nước, trong trường hợp cần thiết.

Theo đề xuất trong nghiên cứu tiền khả thi, Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn sẽ đầu tư theo hai giai đoạn. Theo đó từ nay đến năm 2008, sẽ đầu tư khoảng 2 tỷ USD để hoàn thành và vận hành nhà máy lọc dầu, công suất 7 triệu tấn dầu thô/năm và nhà máy sản xuất chất dẻo tổng hợp công suất 300.000 tấn sản phẩm/năm. Giai đoạn hai, với số vốn còn lại sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành các công trình hoá dầu và nhà máy hoá dầu, công suất 150.000 tấn sợi tổng hợp phục vụ cho ngành dệt may.

Theo kế hoạch, Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn sẽ khởi công xây dựng ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự kiến vào quý I năm 2004.

(Theo Đầu Tư)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
TP.HCM sẽ hình thành các "tiểu đô thị công nghiệp" (26/09/2003)
Ngành dệt may hoàn thành sớm chỉ tiêu xuất khẩu cả năm (26/09/2003)
TP.HCM sáp nhập doanh nghiệp nhà nước quá chậm (26/09/2003)
Cà Mau công bố biểu giá đất mới (26/09/2003)
Gần 1 triệu USD cho phân tích chính sách tài chính (26/09/2003)
Để khê đọng hạn ngạch, DN sẽ bị phạt nặng (25/09/2003)
Xây dựng chợ giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (25/09/2003)
Coi chừng thiếu tiền mệnh giá nhỏ (25/09/2003)
Gần 700 sinh viên Mỹ đến du lịch Việt Nam (25/09/2003)
Xây dựng nhà ga sân bay Phú Bài (25/09/2003)
Tự đặt phí, lệ phí có thể bị phạt đến 50 triệu đồng (25/09/2003)
Việt Nam phải giành lấy thời cơ (25/09/2003)
Xây dựng ngành hàng không hiện đại, đủ năng lực cạnh tranh (25/09/2003)
Đất đai - nỗi ''ám ảnh'' lớn của DN (25/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang