TP.HCM lấy đâu ra 175.000 tỷ đồng xây dựng cầu đường?
16:07' 24/09/2003 (GMT+7)

Mỗi năm ngân sách TP.HCM chi khoảng 2.000 tỷ đồng cho hạ tầng kỹ thuật giao thông.

Sáng 23/9 tại cuộc hội thảo "Xã hội hoá vốn đầu tư phát triển kỹ thuật hạ tầng giao thông TP.HCM", ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết khó khăn nhất của TP.HCM là vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật giao thông. Hiện nay, mỗi năm ngân sách thành phố chi khoảng 2.000 tỷ đồng, trong khi huy động vốn cho hạ tầng kỹ thuật giao thông đến năm 2010 cần 175.783 tỷ đồng.

Theo ông Trần Quang Phượng, Phó giám đốc Sở Giao thông công chính TP.HCM, số vốn 175.783 tỷ đồng (chưa kể đến hàng không và đường thuỷ) để xây dựng đường trục hướng tâm, các đường vành, các trục xuyên tâm, cải tạo các đường phố chính nội ô, xây dựng các cầu lớn... Trong khi đó vốn ngân sách không đủ đáp ứng nhu cầu này, vì vậy rất cần đa dạng hoá hình thức đầu tư dự án để huy động mọi tiềm lực xã hội.

Sở Giao thông công chính TP.HCM đề xuất 3 phương thức huy động vốn: đầu tư bằng BOT (đầu tư - kinh doanh - chuyển giao); tạo vốn đầu tư thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và phát hành trái phiếu đô thị. Trong đó, tạo vốn bằng đấu giá quyền sử dụng đất là một phương thức mới cần được nghiên cứu áp dụng. Riêng phương thức tạo vốn bằng phát hành trái phiếu đô thị càng cần được xem xét đối với các dự án cấp bách.

Đồng tình với đề nghị của Sở Giao thông công chính TP.HCM về huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu đô thị thành phố, bà Giao Thị Yến, Tổng giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển đô thị TP.HCM, nói: đây là một phương thức huy động vốn trực tiếp, rộng rãi, mang tính chiến lược, vấn đề chính của phát hành trái phiếu là "thanh khoản", tức người sở hữu trái phiếu có thể mua bán để sinh lợi. Giải quyết vấn đề "thanh khoản" là vấn đề quan trọng gắn liền với phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán.

Nhấn mạnh những phương thức huy động vốn từ quỹ đất, ông Dương Văn Lý, Phó giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư cho rằng, cần quy hoạch lại đất an ninh quốc phòng trên địa bàn thành phố, vì có nhiều khu đất thuận lợi về kinh tế nhưng lại không có ý nghĩa lớn về mặt an ninh quốc phòng, nhiều khu đất còn bỏ trống hoặc sử dụng không hiệu quả. Ngoài ra, cần sử dụng hiệu quả đất kho tàng bến bãi, theo đó chuyển phần lớn diện tích đất mặt bằng được giao có tính chất bao cấp trước đây cho các cơ quan, đơn vị đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Để khai thác quỹ đất như một nguồn vốn phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông, thành phố cần có quy hoạch chi tiết. Đối với những khu đất đã quy hoạch, thành phố nên tổ chức bán đấu giá công khai để mọi thành phần kinh tế tham gia mua bán, chuyển nhượng.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết sẽ có sáu phương thức tạo vốn để triển khai các dự án giao thông gồm: vốn ngân sách, vốn đầu tư BOT, khai thác quỹ đất, doanh nghiệp thi công ứng vốn trước, vay vốn ODA và loại dự án đầu tư theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong tháng 10/2003, UBND TP.HCM sẽ ban hành nhiều quy chế để huy động vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông như: quy chế khai thác quỹ đất phát tiển giao thông, quy chế thi công ứng vốn trước bằng hình thức đấu thầu, quy chế quản lý vốn ODA và hoàn thiện quy chế quản lý và đầu tư xây dựng ở TP.HCM.

(Theo Tuổi Trẻ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hội nghị đường sắt ASEAN sẽ được tổ chức tại Hà Nội (24/09/2003)
TP.HCM sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 11% (24/09/2003)
Các dự án xây dựng "đụng" đâu sai đó (24/09/2003)
Ngành thép và cuộc 'sửa mình' khắc nghiệt (24/09/2003)
Khai thác tiềm năng phát triển vùng biên giới Việt - Lào - Campuchia (24/09/2003)
Nâng giá xi măng không phải là lối thoát (24/09/2003)
Hà Nội thu hồi 34.000 m2 đất mở rộng quốc lộ 32 (24/09/2003)
Tập trung ngăn chặn thuốc lá giả nhập lậu (23/09/2003)
Máy soi tiền bán chạy (23/09/2003)
Miền Trung có thêm một khu du lịch - thương mại - thể thao (23/09/2003)
Tháng 9 giá tiêu dùng tăng 0,1% (23/09/2003)
Cá ngựa trước nguy cơ tuyệt chủng (23/09/2003)
Xuất khẩu thủy sản vào EU tăng 67% (23/09/2003)
ĐBSCL sẽ chỉ còn 700.000-800.000ha đất ngập mặn (23/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang