|
Nhiều diện tích ngập mặn đã được người dân tận dụng để nuôi trồng thủy sản. |
(VietNamNet) - Các nhà khoa học thuộc Phân Viện Khảo sát Quy hoạch Thuỷ lợi Nam Bộ cho biết, từ nay đến 2010-2015, với các dự án phát triển ra phía biển, diện tích đất bị mặn tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục thu hẹp dần, chỉ còn khoảng 700.000-800.000ha, chủ yếu là những vùng rừng ngập mặn, đất dành nuôi tôm và không thể tiếp ngọt.
Hạn chế chính hiện đang được coi là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp nói riêng và đời sống kinh tế - xã hội ở ĐBSCL là: lũ ngập ở vùng thượng lưu; mặn xâm nhập ở vùng ven biển; đất phèn, lan truyền nước chua ở các vùng trũng thấp trung tâm và thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt ở những vùng xa sông, gần biển. Trong đó, xâm mặn là một hiện tượng thiên nhiên ở vùng đất này. Nếu lấy chỉ tiêu độ mặn 4g/l, giới hạn xâm mặn trên sông chính biển Đông, cách cửa sông đến 40-50km và trên kênh rạch phía Tây, cách bờ biển 10-20km.
Đến nay, theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Phó Phân Viện trưởng Phân Viện Khảo sát Quy hoạch Thuỷ lợi Nam Bộ, diện tích đất bị mặn tại ĐBSCL còn khoảng 1,1-1,2 triệu ha, tập trung chủ yếu tại vùng nam Bán đảo Cà Mau và các dải nhỏ hẹp ven biển luôn bị ngập triều, từ Xoài Rạp đến Gành Hào và từ Cái Lớn đến Hà Tiên. Trong đó, gần một nửa bị mặn trong thời gian 1-3 tháng. Đất bị mặn dưới 2 tháng khoảng 100.000ha đều đã được sử dụng cho nông nghiệp, đất mặn 2-4 tháng là 520.000ha thì 88% sử dụng cho nông nghiệp, 9% cho rừng và đất mặn quanh năm là 170.000ha.
Ông Anh cho biết, việc đưa nước ngọt ra các vùng đất ven biển để cải tạo đất mặn, sản xuất nông nghiệp và cải thiện điều kiện sống cho người dân là một trong những giải pháp quan trọng ở ĐBSCL. Các dự án ngọt hoá Gò Công, Tầm Phương, Hương Mỹ... cũng đã được xây dựng, đến nay là Ba Lai, Nam Mang Thít, Quản Lộ - Phụng Hiệp và đê biển - đê cửa sông. Hàng năm, Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ dồng cho các công trình ven biển. Nhờ đó, diện tích bị ngập mặn hiện giảm gần một nửa so với trước và sẽ tiếp tục giảm để còn còn 1/3 vào năm 2010.
|