Số phận 40 nhà máy đường sẽ ra sao?
09:43' 23/09/2003 (GMT+7)

Nếu muốn giữ lại 20 nhà máy đường Nhà nước phải chi 1.100 tỷ đồng.

Nếu hỗ trợ để giữ 20 nhà máy có khả năng tồn tại và phát triển thì trong 3 năm (2003-2005) nhà nước phải chi ra 1.100 tỷ đồng. Còn nếu cứu "cả gói" thì nhà nước phải chi ra ngay 5.000 tỷ đồng nhưng cũng không giải quyết được khó khăn hiện nay mà còn tiếp tục khó khăn lâu dài và tiếp tục sẽ là gánh nặng cho nhà nước. Đó là tình trạng được Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng nêu ra trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ.

Ai còn ai mất?

Căn cứ vào tình hình tài chính đến năm 2002 của các nhà máy đường, Bộ Tài chính đã chia 40 nhà máy thành ba nhóm. Trong đó một nhóm có khả năng tồn tại, phát triển, hội nhập, cạnh tranh mà không cần đến những biện pháp hỗ trợ tài chính mạnh từ Nhà nước; chỉ có 8 doanh nghiệp nhóm 2 (có khả năng tồn tại nhưng còn nhiều khó khăn, Chính phủ cần phải áp dụng các biện pháp hỗ trợ tài chính mạnh trong ba năm 2003-2005 để giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển) có 14 doanh nghiệp; nhóm 3 (phải sắp xếp, áp dụng các biện pháp giải thể, phá sản) có đến 20 doanh nghiệp.

Nhóm 1 gồm các công ty mía đường Lam Sơn, La Ngà, KCP Phú Yên, Bourbon Gia Lai, Tate and Lyle Nghệ An, Nagarjuna Long An, Bourbon Tây Ninh, Việt Đài. Tiêu chí phân loại nhóm 1 là các nhà máy hoạt động trên 80% công suất thiết kế, không có nợ vay tồn đọng, giá thành xuất đường thấp khoảng 4.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành bình quân của ngành và tương đương giá thành các nước trong khu vực, cả điều kiện phát triển ổn định vùng nguyên liệu.

Nhóm 2 gồm các công ty An Khê, Cao Bằng, Tuy Hoà, Hoà Bình, Quảng Phú, Nông Cống, Ninh Hoà, Bình Định, Tây Ninh, Nhà máy đường thô Tây Ninh, Bình Dương, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hiệp Hoà. Tiêu chí phân loại nhóm hai là có khả năng đạt 60-80% công suất thiết kế tối thiểu, tài chính có xu hướng ổn định nhưng chưa có khả năng trả hết nợ đến hạn, giá thành sản xuất năm 2002 là 5.384 đồng/kg, thấp hơn mức bình quân toàn nhành nhưng vẫn cao hơn giá thành trong khu vực và khó cạnh tranh với đường nhập khẩu. Mục tiêu đến năm 2005 các nhà máy này phải có giá thành ở mức 4.000 đồng/kg.

Nhóm 3 gồm các công ty Quảng Ngãi, nhà máy đường Phổ Phong, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Bình, Sơn Dương, 333, đường-rượu-bia Việt Trì, Khánh Hội, Thới Bình, Bến Tre, Kiên Giang, Sông Lam, Trị An, Sông Con, Khánh Hoà - nhà máy đường Cam Ranh, Sơn La, Tuyên Quang, Cần Thơ, nhà máy đường Vị Thanh và nhà máy đường Phụng Hiệp, Bình Thuận, Đăk Lăk, Biên Hoà. Tiêu chí phân loại nhóm 3 là công suất huy động dưới mức bình quân toàn ngành, hoặc thiết bị cũ, thiếu đồng bộ, định mức tiêu hao nguyên liệu cao, thua lỗ liên tục từ khi hoạt động đến nay, dư nợ vay ngân hàng tăng, giá thành cao mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ từ năm 1999 đến nay; không có khả năng phát triển vùng nguyên liệu...

Sẽ phải hỗ trợ vài trăm đến... 5.000 tỷ!

Theo phân tích của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp thuộc nhóm 1 tuy có điều kiện phát triển nhưng trước mắt vẫn lỗ, Nhà nước phải hỗ trợ thông qua xử lý xoá khoản thuế giá trị gia tăng (VAT) phải nộp phát sinh từ 2001-2003, ước khoảng 260 tỷ đồng.

Với nhóm 2, để thực hiện các giải pháp hỗ trợ, trong giai đoạn 2003-2005 nhà nước phải chi ra khoảng 1.100 tỷ đồng (chưa bao gồm số khoanh nợ và xoá nợ ngân sách nhà nước từ thuế VAT). Các giải pháp hỗ trợ phải áp dụng là: xoá khoản thuế VAT phát sinh từ năm 2001-2003, điều chỉnh lãi suất cho vay nội tệ là 3%/năm (gồm cả khoản nhận nợ bắt buộc phát sinh sau ngày 1/1/2003), chuyển vốn vay ngoại tệ thành nội tệ, khoanh nợ lãi suất tiền vay, phí bảo lãnh, cấp bù lệch lãi suất và tỷ giá phát sinh đến 31/12/2002 nhưng chưa được xử lý cấp bổ sung vốn lưu động .

Với nhóm 3 Bộ Tài chính cho biết nếu muốn cứu, ngay lúc này Nhà nước phải chi ngay khoảng 5.000 tỷ, trong đó 3.277 tỷ để trả nợ và 1.689 tỷ để bù lỗ kinh doanh. Các năm tiếp theo đến năm 2005 phải tiếp tục bổ sung nguồn chi phí hỗ trợ thêm thì các doanh nghiệp này mới có thể phát triển ngang với các doanh nghiệp nhóm 2. Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng các biện pháp sáp nhập, giải thể, phá sản và xử lý tài chính  theo quy định của pháp luật; với các khoản nợ ngân sách, nợ ngân hàng thực hiện phương án xử lý nợ theo cơ chế, quy định đối với doanh nghiệp nhà nước đã được Chính phủ phê duyệt. Với tài sản máy móc thiết bị còn có khả năng tận dụng được thì bán cho các doanh nghiệp khác.

Các giải pháp của Bộ Tài chính đều trên cơ sở lộ trình hội nhập, mục tiêu là hội nhập ''thấp'' vào năm 2006 và hội nhập ''cao'' vào năm 2010. Nhưng ngay lúc này ngoài sự hỗ trợ về mặt tài chính, Nhà nước cần phải áp dụng nhiều biện pháp khác, theo Bộ Tài chính đó là: không thực hiện dự án đầu tư mới thành lập nhà máy đường, hạn chế đầu tư mở rộng hoặc nâng công suất của các nhà máy hiện có. Trong tờ trình, Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận việc xử lý khó khăn các nhà máy đường là vấn đề lớn, khi thực hiện đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương và thực hiện khẩn trương, đúng đối tượng mới thực sự đưa ngành mía đường Việt Nam phát triển bền vững. 

Bộ NN&PTNT: ''Cơ chế sinh lỗ'' ở các nhà máy đường:

Trong báo cáo mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) đã nhìn nhận có 4 nguyên nhân khách quan và 5 nguyên nhân chủ quan đã đẩy chương trình mía đường với số vốn đầu tư lên đến 700 triệu USD (trên 10.000 tỷ đồng) vào chỗ khó khăn. Trong đó Bộ NN & PTNT đặc biệt nhấn mạnh đến "cơ chế sinh lỗ" đó là vay quá lớn, gần như sử dụng toàn bộ vốn vay, lại là vốn vay chỉ có 7 năm. Thời gian khấu hao quá ngắn chỉ có 7 -12 năm đã làm tăng khống giá thành đường, nhất là khi tỷ lệ sử dụng công suất còn thấp.

Bộ NN & PTNT tính toán như sau: cơ cấu giá thành (chưa tính chi phí tài chính) của các nhà máy theo định mức là 2.850 đồng/kg đường. Giá bán trước thuế được bảo hộ là 4.100 đồng/kg. Với các thông số này trường hợp nhà máy có công suất 1.000 tấn mía/ngày sẽ sản xuất được 15.000 tấn đường, bán thu được chênh lệch là 18,75 tỷ đồng. Thế nhưng nhà máy phải trả lãi vay 9 tỷ, khấu hao 12 tỷ vì thế lỗ 2,25 tỷ. Trường hợp nhà máy công suất 1.500 tấn mía/ngày thì sản xuất được 22.500 tấn đường, bán thu chênh lệch được 28,125 tỷ nhưng chi trả lãi 13,5 tỷ, khấu hao 18 tỷ sẽ lỗ 3,375 tỷ...

Theo số liệu của Bộ NN & PTNT, tính đến hết năm 2002 tình hình tài chính của các nhà máy đường như sau:

- Lỗ 2.753 tỷ đồng, trong đó nhà máy đường vốn trong nước lỗ 2.048 tỷ, nhà máy đường có vốn nước ngoài lỗ 704 tỷ.

- Nợ như sau: đến hết năm 2005 dư nợ cửa chương trình là 5.008 tỷ, trong đó nợ gốc là 4.139 tỷ, lãi và tính phí bảo hành là 869 tỷ. Trong tổng dư nợ thì nợ vay trong nước là 4.008 tỷ, vay nước ngoài là 1000 tỷ. Nợ quá hạn là 700 tỷ. Trong hai năm 2002, 2003 các nhà máy không trả được nợ vay nước ngoài do Ngân hàng NN & PTNT bảo lãnh nên Ngân hàng này đã phải trả nợ 485 tỷ đồng. Tương tự cũng chưa có doanh nghiệp nào trả được nợ vay nước ngoài của ADB.

(Theo Tuổi Trẻ)

Tin liên quan:

Giá mía đường tiếp tục giảm

Đường đắng, mía chua

''Nhà máy đường đặt sai chỗ thì phải đóng cửa''

Tìm đường xuất khẩu đường

Sẽ phân bổ hạn ngạch cho các nhà máy đường

Tìm giải pháp hạ giá đường

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Mỹ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO (23/09/2003)
Khai mạc hội nghị các nhà tài trợ cho nông nghiệp (22/09/2003)
Sửa luật để giảm can thiệp vào hoạt động của tổ chức tín dụng (22/09/2003)
Mua nền chợ hơn 5 năm chưa được sử dụng (22/09/2003)
Cục Thuế TP.HCM sẽ phong toả tài khoản DN nợ thuế (22/09/2003)
Thị trường vải ở TP.HCM ế ẩm (22/09/2003)
''Chiến lược kinh tế cần hướng nhiều hơn đến người nghèo'' (22/09/2003)
Giá vàng lên đến 713.000 đồng/chỉ (22/09/2003)
Ngành thép đầu tư lệch, phát triển "ngọn" (22/09/2003)
Ngừng cấp visa một số mặt hàng dệt may (22/09/2003)
Thuỷ lợi chưa đáp ứng tốt nuôi trồng thuỷ sản (22/09/2003)
Vịnh Văn Phong đón tàu dầu khổng lồ thứ 16 (22/09/2003)
Khó mời gọi đầu tư mà vẫn giữ giá độc quyền (22/09/2003)
Các tỷ phú Mỹ giàu hơn (22/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang