Ngành thép đầu tư lệch, phát triển "ngọn"
14:20' 22/09/2003 (GMT+7)

Thép đang được sản xuất  tại khu Gang thép Thái Nguyên.

Bảo hộ trong một giai đoạn là cần thiết, nhưng ngành thép đã không được bảo hộ đúng mức cho phần gốc tức là luyện phôi. Phương thức quản lý ngành lại chưa đủ sức chi phối chính chiến lược của mình nên sự bảo hộ đã không đạt được mục đích đề ra.

Vì sao không đầu tư luyện phôi?

Theo tài liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện tổng công suất các nhà máy thép đã đạt được 5 triệu tấn/năm, vượt nhu cầu sử dụng đến 80%. Năm 2002 các nhà máy hoạt động 60% công suất nhưng sản lượng vẫn đạt 2,8 triệu tấn. Tuy nhiên sản lượng phôi sản xuất trong nước hiện mới chỉ đạt 500.000 tấn/năm, đáp ứng 20% nhu cầu. Tức là ngành thép phát triển với tốc độ "phi nước đại" trên "đôi chân" phụ thuộc 80% vào người khác. Cũng theo tài liệu trên Hàn Quốc, Đài Loan... tuy cũng có nền công nghiệp thép non trẻ nhưng do sớm đầu tư "một cục" cho lĩnh vực luyện phôi nên đến nay họ đã là những đại gia trong ngành luyện kim. Còn Việt Nam chỉ phát triển phần ngọn, tức là sản xuất thép thành phẩm trước, sản xuất phôi sau.

Các nhà phân tích chia những dự án cán thép làm hai dạng: vốn trong nước và vốn đầu tư nước ngoài. Vốn trong nước gồm số doanh nghiệp đa dạng hoá sản phẩm và ngành nghề, chỉ dùng thép xây dựng làm mục tiêu trước mắt. Số khác đầu tư cho riêng thép cuộn, thép dây để nhanh chóng thu lời. Nay thị trường gặp khó khăn, doanh nghiệp đa dạng sản phẩm chỉ dừng hoặc sản xuất thép cuộn thép dây chờ qua cơn biến động có thể phục hồi, doanh nghiệp đơn điệu sản phẩm sẽ lỗ dài... Khối có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đa dạng công nghệ, đầu tư sớm, nhập phôi hãng "mẹ" hoặc các nguồn "thân thiết" nhanh chóng kết thúc khấu hao, gặt hái lợi nhuận nay có thể tạm ngừng hoạt động, thậm chí đóng cửa mà không sợ thua thiệt.

Việt Nam bước vào nền kinh tế thị trường, nhu cầu xây dựng trong đó có thép xây dựng luôn tăng với tốc độ rất cao. Nhà nước có chủ trương phát triển ngành nên đã đặt những chính sách bảo hộ hết sức hậu hĩnh, mong tạo cơ hội cho ngành "đủ lông đủ cánh" trước khi hội nhập. Đó là đánh thuế thép nhập khẩu 40% và đặt 10% phụ thu. Với chính sách bảo hộ trên quả thật đầu tư sản xuất thép là hốt bạc.

Thống kê của Hiệp hội Thép cho thấy hầu như tất cả cơ sở cán thép từ công nghệ châu Âu đến thủ công đều lãi lớn. Các loại hình kinh tế, các ngành các cấp vì thế hăm hở vào đầu tư sản xuất thép cán... Chỉ hai doanh nghiệp "bị giao trách nhiệm" mới đầu tư luyện phôi là Gang thép Thái Nguyên và Thép Miền Nam (sau thêm Thép Miền Trung), đáp ứng được trên dưới 50% nhu cầu bản thân. Các chuyên gia phân tích: những dự án luyện phôi ở Việt Nam chỉ có thể tồn tại khi gắn liền hạch toán cùng các dự án cán thép. Nếu bóc riêng luyện phôi thì lỗ là chính (vì công nghệ lạc hậu, quy mô manh mún, chắp vá). Đã vậy vốn đầu tư cho luyện phôi luôn cao gấp 4 lần cán thép. Về mặt kinh doanh đơn thuần không có một đơn vị nào muốn sản xuất phôi. Giới chuyên môn cho rằng đáng lẽ khi đó nhà nước phải có những chính sách sản xuất phôi như: bảo hộ, hỗ trợ vốn, đất đai... hay hình thức nào đó để thép Việt Nam từng bước lo được cái gốc của mình.

Một bất cập khác là chính sách đầu tư theo phương châm cào bằng, bỏ qua việc khai thác lợi thế kinh tế. Theo các cán bộ thị trường, miền Nam chiếm 45% thị phần cả nước nhưng chỉ góp 30% tổng sản lượng thép, còn thị trường miền Bắc chiếm 30% thị phần mà lại giữ 50% tổng sản lượng. Sự bất hợp lý này là vì chính sách đầu tư được nhìn từ góc độ cân đối vốn đầu tư giữa các địa phương và vì các mục đích chính trị xã hội khác. Khi "trời yên bể lặng" thì sự mất cân đối này ít bộc lộ tác hại, nhưng khi gặp "bão gió" như hiện nay thì khu vực sản xuất nhiều bị ế thừa nhưng không thể đưa vào khu vực còn nhu cầu vì cước vận chuyển giá thép chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành (200.000 đồng/tấn, bằng 4%).

Chiến lược... vỡ

Ngoài các dự án đầu tư về thép cán đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, VSC cũng đang tiến hành song song các dự án đầu tư sản xuất phôi thép. Chẳng hạn dự án cải tạo kỹ thuật của Công ty Gang thép Thái Nguyên công suất sản xuất phôi 250.000 tấn/năm, của Công ty thép Phú Mỹ 500.000 tấn phôi/năm, Nhà máy thép Đà Nẵng 300.000 tấn phôi/năm. Khả năng tự sản xuất phôi thép trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 28% (300.000 - 500.000 tấn/năm), còn lại 72% (khoảng 2 triệu tấn/năm) nhu cầu phôi thép của các nhà máy phải nhập khẩu.

Theo chiến lược phát triển ngành thép đến năm 2020, vào năm 2000 Việt Nam chỉ cần 1,9 triệu tấn thép thanh (thép xây dựng đơn giản), năm 2003 khoảng 3,3 triệu tấn. Song song là lượng phôi có tốc độ tăng trưởng 15%/năm và đạt 1,5 triệu tấn vào 2005. Tuy nhiên thực hiện hai chỉ tiêu này có hai tốc độ hoàn toàn khác nhau. Theo thống kê của Hiệp hội Thép, năm 1990 chỉ có Gang thép Thái Nguyên và Thép Miền Nam là cung cấp cho cả nước một lượng thép 100.000 tấn. Nhưng trong vòng 10 năm, cộng thêm gần 20 doanh nghiệp mới ra đời (đó là chưa tính hàng chục doanh nghiệp có công suất dưới 50.000 tấn/năm), đưa tổng công suất lên 5 triệu tấn/năm, gấp 50 lần so với năm 1990 và vượt mức cung của năm 2005 gần 2 triệu tấn.

Hiện một số dự án nữa sắp đi vào hoạt động và đến 2004 tổng công suất cả nước sẽ đạt đến 6 triệu tấn/ năm, còn sản lượng phôi đến nay vẫn chỉ đạt 500.000 tấn năm. Theo các dự án đầu tư của các dự án cán thép, những nhà máy đều phải sản xuất phôi khi bước vào giai đoạn hai. Tuy nhiên khi giai đoạn hai đã qua nhiều năm rồi nhưng cũng chưa doanh nghiệp nào đả động đến luyện phôi. Chỉ tiêu đến năm 2005 đạt 1,5 triệu tấn chỉ có Tổng công ty Thép Việt nam (VSC) phải lo và hiện chương trình này mới đang khởi động.

Ông Phạm Chí Cường, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép, cho biết ngay khi thép xây dựng cung sắp vượt cầu (năm 2000), Bộ Công nghiệp và Thủ tướng Chính phủ có công văn chỉ đạo các ngành, địa phương ngừng cấp phép cho các dự án thép cán nhưng hàng loạt các nhà máy mới ở Hải Phòng, Ninh Bình... của Bộ Xây dựng vẫn tiếp tục mọc. Và đến nay quy hoạch của ngành thép đã không như mong muốn của những người lập ra nó.

Theo ông Đặng Ngọc Minh trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu VSC, ở đây có hai nguyên nhân. Thứ nhất nhà nước quy định phân cấp phê duyệt đầu tư của nhiều cơ quan khiến các ngành, địa phương bỏ qua quy hoạch, ngành chủ quản thép chạy theo chiến lược cục bộ vẫn xây dựng các nhà máy cán thép. Các địa phương cho rằng có nhà máy thép là có cơ hội chuyển dịch cơ cấu kinh tế, là bàn đạp công nghiệp hoá. Thứ hai, vì chạy theo lợi nhuận nhiều chủ dự án khi xin cấp phép đã "ép" vốn đầu tư xuống dưới 100 tỷ đồng. Có doanh nghiệp khi xin cấp phép thì đăng ký sản xuất chủng loại thép ống, nhưng vào sản xuất họ lại xin chuyển sang thép cuộn, thép dây.

(Theo Tuổi Trẻ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ngừng cấp visa một số mặt hàng dệt may (22/09/2003)
Thuỷ lợi chưa đáp ứng tốt nuôi trồng thuỷ sản (22/09/2003)
Vịnh Văn Phong đón tàu dầu khổng lồ thứ 16 (22/09/2003)
Khó mời gọi đầu tư mà vẫn giữ giá độc quyền (22/09/2003)
Các tỷ phú Mỹ giàu hơn (22/09/2003)
Chưa bán được tổng kho của Minh Phụng (22/09/2003)
Đầu tư 4 tỷ đồng phát triển viễn thông các xã miền núi khó khăn (22/09/2003)
13 mặt hàng sẽ được thưởng xuất khẩu (22/09/2003)
Thị trường VLXD và nhà đất trầm lắng (22/09/2003)
''Chiến lược kinh tế đôi khi chưa vì người nghèo'' (22/09/2003)
Khi hai giờ truy cập Internet giá chỉ bằng 1 ly cà phê (22/09/2003)
Phó Tổng thư ký Liên Hợp quốc thăm Việt Nam (20/09/2003)
Sản xuất máy bay 2 chỗ ngồi 20% nội địa hoá (20/09/2003)
Thu nhập thấp, giá nhà đất vào loại cao nhất thế giới (20/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang