Thuỷ lợi chưa đáp ứng tốt nuôi trồng thuỷ sản
10:17' 22/09/2003 (GMT+7)
Chưa có quy hoạch thuỷ lợi cho ngành thuỷ sản.

(VietNamNet) - Trao đổi với PV  VietNamNet, PGS.TS. Hà Xuân Thông, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản, cho rằng, ngành thuỷ sản hiện vẫn đang thiếu quy hoạch tổng thể về thuỷ lợi phục vụ NTTS do cơ quan nghiên cứu và quy hoạch về thuỷ lợi - Viện Khoa học Thuỷ lợi, lại thuộc Bộ NN-PTNT. Quy hoạch và xây dựng các công trình trong hệ thống thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) được coi là tiền đề để phát triển NTTS bền vững.

Hội nghị "Các giải pháp KHCN thuỷ lợi phục vụ NTTS", do Bộ Thuỷ sản, Bộ NN-PTNT và Bộ KHCN phối hợp tổ chức, đã diễn ra ngày 19/9, tại Hà Nội, chậm gần 5 tháng do lo ngại dịch SARS (dự định tổ chức tại Quảng Ninh).

Thuỷ sản cũng cần "nhất nước"

Hiện nay, NTTS của Việt Nam phát triển ở cả 3 vùng nước lợ, mặn, ngọt và đang vươn ra biển. Mục tiêu ngành thuỷ sản đề ra là đến năm 2010, tổng sản lượng nuôi trồng đạt trên 2 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 2,5 triệu USD. TS. Lê Thanh Lựu, Viện trưởng Viện nghiên cứu NTTS 1, cho biết, riêng về sản lượng tôm nuôi, Việt Nam đã đứng thứ 4 thế giới. Chỉ trong vòng 5 năm (1998-2002), sản lượng tôm của Việt Nam cao gấp đôi: từ 95.000 lến 190.000 tấn, với tỷ lệ tăng bình quân hàng năm khoảng 20%. Hiện nay, tổng diện tích vùng ven biển sử dụng cho nuôi tôm của Việt Nam đạt khoảng 500.000ha, gấp hơn 2 lần Thái Lan. Như vậy, diện tích NTTS sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Điều đó kéo theo nhu cầu lớn về nước.

Theo ước tính của TS. Hà Lương Thuần, Giám đốc Trung tâm Tài nguyên nước và môi trường (Viện Khoa học Thuỷ lợi), riêng tại Nam Trung Bộ, khi phát triển mạnh nuôi tôm trên cát, nhu cầu nước ngọt cho tôm là 10.000-27.000m3. Trong khi đó, ượng mưa hàng năm chỉ 700-800mm, nước ngầm hạn chế. Khi chưa phát triển nuôi tôm trên cát, vùng này đã được coi là khô hạn nhất nước, lượng bốc hơi lớn, độ mặn nước biển cao. 

Không những thế, so với nông nghiệp, yêu cầu nước cho NTTS lại nghiêm ngặt hơn, thời gian cấp nước đòi hỏi chủ động, phải kiểm soát được diễn biến của môi trường nước trong quá trình nuôi; đồng thời, không làm suy thoái tài nguyên môi trường.

Trên thực tế, phát triển tự phát NTTS, đặc biệt ở ĐBSCL, xảy ra quá nhanh, không theo quy hoạch, vượt xa khả năng về cơ sở hạ tầng hiện có cũng như trình độ quản lý, không chỉ dẫn đến hiệu quả NTTS thấp, mà còn phá vỡ cân bằng môi trường sinh thái và đe dọa nghiêm trọng đến nguồn nước. Kỹ sư Lương Ngọc Lân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, dẫn chứng, nguồn nước mặn để phục vụ sản xuất tôm giống ở các trại ươm của tỉnh đang gặp khó khăn do phải thuê tàu ra xa bờ, cách trên 10 hải lý, mới lấy được nguồn nước sạch. Nguồn nước ngọt, do khai thác nước ngầm ồ ạt đã làm cho mực nước sụt giảm trầm trọng (10-12m), khiến phần lớn giếng khoan không bơm được nước, phải bơm tay. Gần 60% giếng khoan không sử dụng được, tập trung nhiều nhất tại thị xã Bạc Liêu và một phần huyện Vĩnh Lợi.

Hiện đang có sự không rõ ràng giữa khái niệm quy hoạch phát triển NTTS và quy hoạch thuỷ lợi NTTS. Hầu hết các đề án quy hoạch phát triển thuỷ sản của các tỉnh mới chỉ nói đến diện tích, năng suất, bố trí cơ cấu sản xuất nuôi trồng, hệ thống trạm sản xuất con giống... mà chưa có chú ý đến cần bằng nước giữa các ngành khác nhau.

Mặt khác, điều tồn tại trong quy hoạch thuỷ lợi phục vụ NTTS khó nhận thấy ở chỗ, cho dù công trình cụ thể được quy hoạch tốt, nhưng lại đặt trong một vùng lớn không được quy hoạch, nó sẽ phá vỡ sự cân bằng chung.

Đó là chưa kể những thách thức luôn đe dọa đến nguồn nước. Đã xuất hiện những yếu tố dẫn đến cạnh tranh trong sử dụng nguồn nước giữa nhu cầu sinh hoạt, nước cho nông nghiệp, NTTS và công nghiệp, mà biểu hiện rõ nhất là ở khu vực miền Trung.

Phải nhờ thuỷ lợi nông nghiệp

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Phó Phân Viện trưởng Phân Viện khảo sát quy hoạch thuỷ lợi Nam Bộ, cho rằng, hầu hết hệ thống thuỷ lợi hiện nay, đặc biệt là hệ thống thuỷ lợi ven biển, đều được thiết kế và quy hoạch cho phát triển nông nghiệp, chủ yếu là cây lúa. Vì thế, khi chuyển sang NTTS đã bộc lộ khiếm khuyết nhất định. Tại ĐBSCL, khẩu diện cống, tốc độ dòng chảy vượt quá khả năng di chuyển của các loài thuỷ sản từ biển, từ sông. Nhiều cống chỉ được thiết kế mở một chiều nên không thích ứng với nguồn giống thuỷ sản từ sông, biển vào đồng. Ngoài ra, các kênh trục đều được thiết kế cho mục tiêu kết hợp giao thông thuỷ nên việc kiểm soát mặn, ngọt cho từng vùng dọc kênh rất khó thực hiện. Việc dung hoà mâu thuẫn giữa các vùng nuôi tôm - sản xuất lúa vẫn là điều nan giải hiện nay. Hệ thống công trình Chà Và - Thâu Râu (dự án Nam Mang Thít) và hệ thống công trình dự án Quản Lộ - Phụng Hiệp cho thấy rõ điều này.

ĐBSCL là vùng nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất nước, dự kiến năm 2005, riêng diện tích nuôi tôm đã trên 474.000ha. Để phát triển thuỷ sản ở trình độ cao, không những cần hệ thống thuỷ lợi tiếp ngọt ổn định mà cả hệ thống thuỷ lợi dẫn mặn chủ động. Quy trình sản xuất tôm với năng suất và chất lượng cao cần cả 2 nguồn ngọt - mặn. Do đó, hệ thống thuỷ lợi tiếp ngọt và dẫn mặn đều phải được chú trọng dầu tư đứng mức. Với yêu cầu như thế, rõ ràng đến nay, hầu hết các công trình thuỷ lợi chưa thể đáp ứng tốt mục tiêu phát triển thuỷ sản.

Theo TS. Hà Lương Thuần, chúng ta hiện có nhiều khu nuôi tồn tại từ trước, hầu hết là nuôi tôm bán thâm canh, quảng canh cải tiến. Việc bố trí hệ thống thuỷ lợi thường không thích hợp, các công trình không đầy đủ. Đặc biệt, hệ thống cấp thoát nước thường kết hợp với trồng lúa. Việc tính toán, thiết kế các công trình nội đồng phần lớn đều dựa vào kinh nghiệm. Vì thế, không đảm bảo khả năng cấp thoát nước cũng như cải thiện môi trường trong ao nuôi.

Không những thế, Phó Vụ trưởng Vụ Nghề cá (Bộ Thuỷ sản) Nguyễn Văn Thành cho rằng, quy hoạch cụ thể cho tiểu vùng sinh thái, vùng NTTS tập trung chưa đồng bộ, chậm và lúng túng. Công tác quy hoạch thuỷ lợi cho NTTS, đặc biệt là cho các vùng mới chuyển đổi, vùng nuôi tập trung, nuôi thuỷ sản trên đất cát, chưa đáp ứng nhu cầu. Sự phối hợp giữa hai ngành: thuỷ sản - nông nghiệp chưa nhiều.

Bên cạnh đó, đầu tư cho thuỷ lợi cũng rất hạn chế. Ông Thành cho biết, với 33 dự án thuộc chương trình phát triển NTTS, năm 2001, ngân sách Trung ương hỗ trợ 150 tỷ đồng, năm 2002 là 345 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm, trong đó có thuỷ lợi. Tuy nhiên, số tiền này như muối bỏ biển nếu chia nhỏ ra cho các công trình, dự án trên khắp cả nước. Lấy ví dụ như Cà Mau, theo ông Nguyễn Văn Duyên, Giám đốc Sở Thuỷ sản, đầu tư cho NTTS ở tỉnh này hụt xa so với yêu cầu. Chỉ riêng 18 tiểu vùng phía nam tỉnh, khoảng 170.000ha, đã cần trên 3.400 tỷ đồng. Với tiến độ đầu tư như hiện nay, 40-50 tỷ đồng/năm, thì không biết đến bao giờ mới hoàn thành hệ thống thuỷ lợi và khó có thể phát triển NTTS bền vững, an toàn.

Qua nghiên cứu, đánh giá hệ thống thuỷ lợi phục vụ NTTS cho thấy, phát triển NTTS thời gian qua dựa trên cơ sở hạ tầng chưa được quy hoạch và điều chỉnh kịp thời theo sự phát triển của NTTS bền vững. Ngoài ra, còn tích tụ những yếu tố gây suy thoái về môi trường cho khu vực nuôi. Việc phát triển tự phát diện tích nuôi tôm phá vỡ sự cần bằng vốn có về đất đai, nguồn nước và những yếu tố xã hội ở vùng ven biển. Thiếu hệ thống thuỷ lợi được quy hoạch hoàn chỉnh, cùng với cơ sở hạ tầng không đồng bộ... là những dấu hiệu sẽ lặp lại thất bại mà các nước trong khu vực đã gặp phải.

Giải pháp nào?

Kỹ sư Trần Quỳnh, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư quốc gia, cho rằng, thuỷ lợi trong NTTS hiện có hai ý nghĩa: Trong khu vực nuôi, có hệ thống mương cấp và thoát nước nước hoàn chỉnh, tăng tính ổn định và bền vững cho khu vực. Thực tế cho thấy, 2 vùng nổi bật nhà Đồng Bò (Nha Trang), khu vực Loi Dầu (cần Giờ, TP.HCM) người dân xây ao đầm tự phát, không có quy hoạch cho toàn vùng về hệ thống cấp thoát nước, sau 3 năm đã lộ rõ tính bất cập. Nuôi càng ngày càng khó, bệnh xuất hiện nhiều (nhất là bệnh đốm trắng) độ rủi ro lớn.

Bên cạnh đó, vùng nuôi có độ mặn lớn hơn 2,5% phải có nguồn nước ngọt chủ động cấp cho khu vực nuôi để điều chỉnh độ mặn ngọt theo ý đồ kỹ thuật. Do vậy, nguồn nước ngọt cung cấp cho vùng nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp là hết sức quan trọng, rất lớn, phải tính đến cấp từ sông hay hồ chứa. Không nên bằng mọi giá để có nước ngọt như đào giếng khoan, một bài học mà Đài Loan đang gánh chịu là làm sập địa tầng và ô nhiễm mặn tầng nước ngầm.

TS. Hà Lương Thuần cho rằng, trước mắt, cần thống nhất khái niệm, nội dung của phát triển bền vững trong NTTS cả nước, cho từng vùng, từng tỉnh. Xây dựng hệ thống các chỉ tiêu biểu thị sự bền vững, làm cơ sở cho việc thẩm định, giám sát và đánh giá các vùng, dự án NTTS. Từng vùng, từng tỉnh tiến hành quy hoạch lại thuỷ lợi phục vụ NTTS. Ngoài ra, cần nhanh chóng bổ sung hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi NTTS đối với các vùng nuôi tôm hiện có, chú ý đến các các vùng nuôi tôm sinh thái, quảng canh cải tiến và bán thâm canh. Đối với những vùng NTTS lớn, cần có hệ thống giám sát và cảnh báo môi trường. Điều đặc biệt, theo TS. Thuần, phải nhanh chóng mở rộng xã hội hoá xây dựng và quản lý hệ thống thuỷ lợi NTTS trên cơ sở khung pháp lý hữu hiệu, đảm bảo sự quản lý nhà nước về việc thực hiện quy hoạch và quản lý môi trường.

  • Hà Yên 
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Vịnh Văn Phong đón tàu dầu khổng lồ thứ 16 (22/09/2003)
Khó mời gọi đầu tư mà vẫn giữ giá độc quyền (22/09/2003)
Các tỷ phú Mỹ giàu hơn (22/09/2003)
Chưa bán được tổng kho của Minh Phụng (22/09/2003)
Đầu tư 4 tỷ đồng phát triển viễn thông các xã miền núi khó khăn (22/09/2003)
13 mặt hàng sẽ được thưởng xuất khẩu (22/09/2003)
Thị trường VLXD và nhà đất trầm lắng (22/09/2003)
''Chiến lược kinh tế đôi khi chưa vì người nghèo'' (22/09/2003)
Khi hai giờ truy cập Internet giá chỉ bằng 1 ly cà phê (22/09/2003)
Phó Tổng thư ký Liên Hợp quốc thăm Việt Nam (20/09/2003)
Sản xuất máy bay 2 chỗ ngồi 20% nội địa hoá (20/09/2003)
Thu nhập thấp, giá nhà đất vào loại cao nhất thế giới (20/09/2003)
Giá tối thiểu tính thuế hạt nhựa nhập khẩu quá cao (20/09/2003)
Sau cánh đồng 50 triệu, đến thuỷ sản 100 triệu đồng/ha/năm (19/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang