Khó mời gọi đầu tư mà vẫn giữ giá độc quyền
08:10' 22/09/2003 (GMT+7)

Đến năm 2010 EVN phải xây dựng thêm 32 nhà máy điện.

Nhu cầu điện tăng, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán vốn đầu tư cần thiết để phát triển các công trình nguồn điện, lưới điện cho đến năm 2010 là 21 tỷ USD. Chính vì vậy, ngoài vay vốn ưu đãi từ bên ngoài, vay ngân hàng..., EVN đang kêu gọi đầu tư từ các DN khác. Tuy nhiên, cơ chế chào giá điện không cạnh tranh khiến các DN khác không thoải mái.

Trong 5 năm qua, nhu cầu điện năng tiếp tục tăng với giá trung bình 15%/năm; riêng năm 1992 mức tăng về nhu cầu điện được tính là 17%. Nhưng những nguồn điện hiện có đã không còn đủ khả năng làm dịu cơn khát điện ở nhiều khu vực kinh tế, nhất là một số khu công nghiệp ở các tỉnh phía Nam.

Tại hội Thảo, ông Đào Văn Hưng, Tổng giám đốc EVN cho biết để đáp ứng nhu cầu về điện, từ nay đến năm 2010, EVN sẽ phải xây dựng thêm 32 nhà máy điện, trong đó có 20 nhà máy thuỷ điện và 12 nhà máy nhiệt điện chạy than và khí. Mạng lưới truyền tải, phân phối điện cũng phải phát triển tương ứng. Riêng năm 2004, cả nước cần thêm 10 công trình nguồn điện và một số đường dây truyền tải với tổng vốn đầu tư là 1,55 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư cần thiết để phát triển các công trình nguồn điện, lưới điện cho đến năm 2010 là 21 tỷ USD.

Để có thể huy động một lượng vốn đầu tư khổng lồ như vậy. EVN không còn có thể duy trì thế độc quyền trong việc khai thác nguồn và phân phối điện. Ngoài việc vẫn phải tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), các nhà tài trợ song phương...; vay từ các ngân hàng trong nước; vốn cấp từ ngân sách nhà nước, vừa qua EVN đã phải kêu gọi đầu tư từ các DN khác. Nhận thấy những lợi ích to lớn trong đầu tư, khai thác điện, có nhiều DN ngoài EVN đầu tư xây dựng các nhà máy điện.

Theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, trong đó 62 nhà máy thuộc quy hoạch điện mới hiệu chỉnh được Thủ tướng phê duyệt thì có 30 nhà máy do các đơn vị ngoài EVN đầu tư, với tổng công suất chiếm 36,1%. Trong số đó, có những nhà máy lớn sẽ được vận hành trong giai đoạn 2003-2005 như Nhà máy Điện Phú Mỹ 3, Phú Mỹ 2.2; Nhà máy Điện Na Dương, Thuỷ điện Cần Đơn... Tại hội thảo, EVN cũng đã công bố danh sách các nhà máy kêu gọi đầu tư của các đơn vị ngoài EVN như Nhà máy Thuỷ điện Sông Kôn 2, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh giai đoạn 2... với công suất cũng lên tới hàng ngàn MW.

Tuy nhiên một vướng mắc lớn nhất hiện nay là các doanh nghiệp ngoài ngành vẫn chưa cảm thấy thoải mái với chính sách giá điện của EVN. Các DN khác sản xuất ra điện vẫn phải bán cho EVN mà không được tự quyết giá bán điện. Ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng dầu khí, Bộ Công nghiệp đề nghị: "Nhà nước nên tôn trọng quyền tự định giá điện cạnh tranh của các đơn vị phát điện. Cơ cấu giá điện phải không ngừng cải tiến, có phân biệt theo công suất và điện năng sử dụng, thời điểm sử dụng trong ngày, giá theo mùa và theo vùng và nhất là phải khuyến khích được sử dụng trong các giờ thấp điểm". Đây chính là những thiếu sót trong giá điện hiện nay.

Tại hội nghị, ông Đào Văn Hưng cho biết đang kiến nghị với Bộ Công nghiệp cho phép áp dụng cơ chế chào giá điện cạnh tranh, các nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào phát triển ngành điện, nhà đầu tư nào bán điện rẻ thì EVN sẽ mua điện của nhà đầu tư đó. Phần cuối hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết các văn bản tín dụng và biên bản ghi nhớ đầu tư trị giá 650 triệu USD giữa EVN và các ngân hàng, tổ chức trong và ngoài nước.

(Theo Thanh Niên)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Các tỷ phú Mỹ giàu hơn (22/09/2003)
Chưa bán được tổng kho của Minh Phụng (22/09/2003)
Đầu tư 4 tỷ đồng phát triển viễn thông các xã miền núi khó khăn (22/09/2003)
13 mặt hàng sẽ được thưởng xuất khẩu (22/09/2003)
Thị trường VLXD và nhà đất trầm lắng (22/09/2003)
''Chiến lược kinh tế đôi khi chưa vì người nghèo'' (22/09/2003)
Khi hai giờ truy cập Internet giá chỉ bằng 1 ly cà phê (22/09/2003)
Phó Tổng thư ký Liên Hợp quốc thăm Việt Nam (20/09/2003)
Sản xuất máy bay 2 chỗ ngồi 20% nội địa hoá (20/09/2003)
Thu nhập thấp, giá nhà đất vào loại cao nhất thế giới (20/09/2003)
Giá tối thiểu tính thuế hạt nhựa nhập khẩu quá cao (20/09/2003)
Sau cánh đồng 50 triệu, đến thuỷ sản 100 triệu đồng/ha/năm (19/09/2003)
Phải công khai tiêu chuẩn đánh giá nhà thầu (19/09/2003)
Cho vay 380 tỷ đồng xây dựng Nhà máy nước sông Sài Gòn (18/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang