(VietNamNet) - Trong buổi gặp gỡ với báo giới nhân dịp Ngân hàng Thế giới (WB) lần đầu tiên công bố bản tiếng Việt ''Báo cáo Tình hình phát triển thế giới 2004'', ông Klaus Rohland - Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam đã cho rằng: ''Chúng ta (Việt Nam) chi tiêu nhiều cho các dự án lớn nhưng nên hỏi kỹ lại rằng các dự án này hỗ trợ thế nào với những người nghèo. Đôi khi tôi thấy có những điều còn thiếu trong các chiến lược kinh tế đó''.
|
Báo cáo năm nay của WB đưa ra khuôn khổ thực tiễn để các dịch vụ phục vụ được những người nghèo. |
Bản tiếng Việt cuốn Báo cáo Tình hình phát triển thế giới 2004 với tên gọi ''Cải thiện các dịch vụ để phục vụ người nghèo'' do WB phát hành vừa được ông Klaus Rohland - Giám đốc quốc gia của Việt Nam và ông Martin Rama - chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam công bố tại Hà Nội. Bản báo cáo này đồng thời được chính thức phát hành trên toàn cầu tại Dubai vào chiều 21/9.
Đây là lần đầu tiên bản tiếng Việt cuốn Báo cáo tình hình phát triển thế giới được phát hành đồng thời với nguyên bản tiếng Anh nhờ sự nỗ lực chung của WB và NXB Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. WB cho rằng, sự kiện này cũng là bằng chứng cho thấy năng lực ngày càng lớn mạnh của Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực chuyển giao tri thức nói riêng, một lĩnh vực đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước.
Việt Nam đã đóng góp tích cực vào Báo cáo phát triển thế giới 2004
- Báo Tuổi Trẻ: WB có tham gia vào hoạch định những chính sách công và các dự án công tại Việt Nam như mía đường, Dung Quất với Chính phủ hay không và ông đánh giá thế nào về các dự án đó?
- Ông Klaus Rohland: Việt Nam đã làm rất tốt công tác xoá đói nghèo, chúng tôi đã lấy những kinh nghiệm tại Việt Nam đưa vào bản báo cáo này. Chúng tôi cũng đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và các cơ quan của Việt Nam trong quá trình điều tra các thông số về các hộ gia đình tại Việt Nam.
- VietNamNet: Hiện Việt Nam có những dự án được phê duyệt với số tiền rất lớn nhưng dường như lại không liên quan đến giảm nghèo, như dự án đầu tư vào ngành công nghiệp ôtô chẳng hạn?
|
Người nghèo là đối tượng chính của các chiến lược kinh tế. |
- Ông Klaus Rohland: Chúng tôi cho rằng đầu tư để xoá đói giảm nghèo thì trước tiên phải nghĩ đến lĩnh vực giáo dục và y tế. Tuy nhiên, không nhất thiết tất cả các dự án đều phải đầu tư vào giáo dục và y tế mà sẽ có nhiều dự án góp phần vào việc phát triển cơ sở hạ tầng. Bao giờ trong các dự án cũng có cả các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội nói chung, đơn cử như nó đã tạo ra bao nhiêu việc làm và tác động đến thúc đẩy kinh tế địa phương như thế nào... Đó cũng là đóng góp.
- Báo Thanh Niên: Tác động đối với người nghèo trong các dự án của Việt Nam có tương ứng với các mục tiêu Chính phủ và WB đặt ra không?
- Ông Martin Rama: Không nên nói sớm quá vì những chính sách kinh tế sẽ thay đổi theo thời gian và từng hoàn cảnh. Sự tham gia của người nghèo ở cấp cơ sở như các hộ gia đình, hộ dân cũng rất quan trọng để góp ý cho các nhà hoạch định chính sách.
Hãy cùng Việt Nam vượt qua các thách thức
Phát biểu trong cuộc họp báo này, bà Tôn Nữ Thị Ninh - đại diện cho Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam - đã chia sẻ quan điểm với ông Klaus Rohland: ''Từ góc độ của Quốc hội, chúng tôi đang cố gắng phối hợp với các nhà tài trợ cũng như WB để đóng góp được nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách. Đặc biệt là việc cung cấp thông tin tới các nhà lập pháp tại các địa phương. Tôi thấy cũng nên đưa những thông tin trong bản báo cáo này đến các đại biểu Quốc hội cũng như chúng tôi sẽ giúp các bạn phản ảnh cuộc sống của người dân.
Tôi nghĩ các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ nên coi các hình thức sở hữu là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam. Sự thật là Việt Nam phát triển tương đối chậm một số lĩnh vực nhưng tôi cho rằng chúng tôi đã làm khá tốt việc đưa dịch vụ vào y tế và giáo dục. Tuy nhiên, việc cung cấp và quản lý các dịch vụ này còn nhiều vấn đề, người ta gọi đó là ''dịch vụ công'' nhưng thực tế vẫn còn mang tính dịch vụ tư''.
''Tôi mong các nhà tài trợ hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những thách thức của Việt Nam là ở chỗ nào. Thời gian tới nhất định chúng tôi sẽ có gặp gỡ giữa Quốc hội với các nhà tài trợ để cùng tìm hiểu về những vấn đề khó khăn của Việt Nam'', bà Ninh nói.
Ông Klaus Rohland đã khẳng định, WB sẽ xem xét sao cho dịch vụ với nhân dân nói chung và nhất là người nghèo đảm bảo được chất lượng và vẫn đảm bảo được mức độ ngân sách trong khả năng cho phép của mình. Và thời gian tới, WB sẽ cố gắng để đưa ra các giải pháp tốt hơn.
Tăng trưởng kinh tế rất quan trọng, nhưng chưa đủ
Với những bài học từ thành công và những nguyên nhân thất bại trong việc cung cấp dịch vụ tới người nghèo, Báo cáo tình hình phát triển thế giới năm nay chỉ rõ rằng các dịch vụ có thể được cải thiện nếu chúng ta đưa người dân nghèo vào trọng tâm của việc cung cấp dịch vụ; bằng việc tạo điều kiện cho người dân nghèo giám sát và kỷ luật những nhà cung cấp dịch vụ, mở rộng tiếng nói của họ trong quá trình làm chính sách; khuyến khích hơn nữa những nhà cung cấp dịch vụ cho người nghèo. Thoát khỏi bệnh tật và xoá mù chữ là hai phương thức quan trọng nhất giúp người dân nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo đói. Để đạt được những mục tiêu này, tăng trưởng kinh tế và các nguồn tài chính rất quan trọng nhưng vẫn chưa đủ.
Cải thiện lớn trong phúc lợi cho con người sẽ không thể thực hiện được nếu những người dân nghèo không được tiếp cận rộng rãi hơn tới những loại dịch vụ chất lượng tốt hơn và hợp túi tiền của mình trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường và điện. Hiện 1 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận với nguồn nước sạch và 2,5 tỷ người không được tiếp cận với vệ sinh môi trường.
Báo cáo này chỉ ra rằng, thường thì các dịch vụ chủ chốt không phục vụ được những người dân nghèo. Báo cáo đưa ra những ví dụ và các cách thức cố vấn cho các chính phủ về người dân để cải thiện tình hình.
Báo cáo năm nay của WB đưa ra một khuôn khổ thực tiễn cho việc để các dịch vụ đóng góp cho phát triển con người phục vụ được những người dân nghèo. Trong khuôn khổ này, những công dân, các chính phủ và các nhà tài trợ có thể hành động và thúc đẩy những tiến bộ theo mục tiêu chung là giảm nghèo đói, như đã được đề ra cụ thể trong Các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.
|