|
Nhà thầu sẽ phải đảm bảo 90% số điểm về kỹ thuật. |
(VietNamNet) - Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 66/CP về Quy chế đấu thầu: ''Bên mời thầu phải đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá vào ngay hồ sơ mời thầu và thông báo mời thầu phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục trong một thời gian nhất định (ít nhất là 7 ngày)''.
Đây là điểm được đông đảo đại diện các bộ, ban, ngành đánh giá là có thể làm dịu phần nào độ ''nóng'' vấn đề ''minh bạch'' trong đấu thầu tại Hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư nói trên tổ chức tại Hà Nội sáng qua (18/9).
Tại hội nghị, Ông Nguyễn Xuân Đào, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Vụ Quản lý Đấu thầu sẽ sớm xây dựng trang web về đấu thầu để công khai hồ sơ dự thầu của phía nhà thầu cũng như từ phía mời thầu. Ngoài ra, các đối tượng là nhân thân của bên mời thầu như cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị em ruột không được tham gia vào các tổ chuyên gia, tư vấn, đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định kết quả gói thầu.
Cũng theo ông Đào, các gói thầu EPC (gói thầu gồm 3 phần: tư vấn, cung cấp thiết bị và thi công) có giá trên 400 tỷ đồng bắt buộc phải qua vòng sơ tuyển của bên mời thầu. Nhà thầu phải đảm bảo 90% số điểm về kỹ thuật, trong đó, về mặt thiết kế phải đảm bảo 40-50% tổng số điểm, về nhân sự phải bảo đảm 50-60% tổng điểm dựa trên các tiêu chí về trình độ học vấn, số năm công tác của cán bộ, công nhân viên bên mời thầu, kinh nghiệm làm việc tại các vùng địa lý tương tự và kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài. Ngoài ra, cũng phải xem xét đến các yếu tố về sáng kiến cải tiến của nhà thầu.
Nhà thầu cũng phải đảm bảo tính độc lập về tài chính, có cơ chế hạch toán kinh doanh riêng biệt. Đặc biệt, đối với nhà thầu là tổ chức nước ngoài, họ phải đảm bảo có đăng ký hoạt động hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền nước họ cấp.
Một nội dung dự thảo thông tư chưa tìm ra được tiếng nói chung trong hội nghị là phương pháp đánh giá nhà thầu. Ông Ninh Viết Định, Phó Ban đấu thầu, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam cho rằng nên theo phương án ''mềm'', qua cả bước trung gian, tức là ba bước: đạt, chấp nhận được và không đạt vì nhiều khi nhà thầu khó đạt được 100% tiêu chuẩn của phía mời thầu đặc biệt là về thiết bị. Còn Bà Nguyễn Thị Như, đại diện Bộ Tài chính lại cho rằng nên thực hiện theo phương pháp ''cứng'', tức là chỉ có thể nói đạt hay không đạt và đạt đến bao nhiêu phần trăm của các tiêu chuẩn đánh giá nhà thầu.
|