Cây hồ tiêu trước nguy cơ “vỡ” quy hoạch
17:52' 17/09/2003 (GMT+7)
Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về sản lượng tiêu xuất khẩu.

Hiện nay, các địa phương có diện tích trồng tiêu nhiều nhất phải kể đến Quảng Trị 2.400ha, Đăk Lăk 9.000ha, Gia Lai 3.800ha, Bình Phước 12.000ha, Bà Rịa - Vũng Tàu 5.400ha và Đồng Nai 4.100ha. Sự "bùng nổ" diện tích hồ tiêu thời gian qua là do lợi nhuận của cây tiêu so với một số cây trồng khác đã tăng đến mức "kỷ lục": gấp 32,8 lần cà phê, 16 lần cao su, 14 lần điều.

So với một số cây trồng khác như cà phê, điều, cao su, cây ăn trái, cây hồ tiêu hiện đang hấp dẫn nông dân các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh duyên hải miền Trung. Việc phát triển diện tích hồ tiêu ồ ạt, nếu không có biện pháp quy hoạch ngay từ bây giờ thì khó có thể tránh được tình trạng “trồng - chặt” như đã từng xảy ra đối với cây cà phê khi giá cả thế giới biến động.

Theo điều tra của Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), chỉ trong vòng 5 năm (1999-2003), tổng diện tích hồ tiêu trên cả nước đã tăng một cách đột biến, từ 15.000ha lên 45.390ha; năng suất bình quân khoảng 75.000-85.000 tấn/năm. Một số huyện như Chưprông, Chưsê (Gia Lai), Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), Lộc Ninh (Bình Phước)... đã chuyển sang độc canh 100% diện tích hồ tiêu từ nhiều năm nay. Nhiều nơi, đất đã bị xói mòn, suy thoái do nông dân quá ỷ vào nguồn dinh dưỡng của đất, chỉ chăm sóc tiêu bằng phân vô cơ mà không chú ý đến biện pháp canh tác bền vững (bón phân hữu cơ, lân, kali... ). Do vậy, đã có tới 50% diện tích tiêu trồng trên vùng đất trống, không có vành đai chắn gió, năng suất giảm từ 15-20%/ha/năm.

Bên cạnh đó, sâu bệnh cũng đang ở mức báo động. Theo thống kê của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (Bộ NN&PTNT), tỷ lệ tiêu chết do bị nhiễm bệnh nấm Phytopthora Carece, rệp sáp và tuyến trùng hàng năm tăng từ 10-15%, có nơi lên đến 25-40% như Đăk Lăk, Vũng Tàu, Phú Quốc. Diện tích tiêu có độ tuổi càng cao, tỷ lệ chết càng nhiều (hiện có đến 30% diện tích tiêu có độ tuổi từ 10 năm trở lên).

Trong khi đó, theo Thạc sĩ Nguyễn Tăng Tôn - Trưởng Bộ môn Nghiên cứu điều và hồ tiêu (Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam), vẫn chưa có cơ quan nào tìm ra cơ chế để kháng các loại bệnh nói trên. Ông Tôn cho biết, hầu hết giống tiêu đang trồng hiện nay là của Ấn Độ, chủ yếu được nhập từ sau giải phóng; đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào về việc lai tạo hoặc nhập giống mới để thay thế giống tiêu cũ. Điều này có thể giải thích vì sao phần lớn diện tích tiêu chỉ khai thác được 10-15 năm là bị thoái hóa hoặc chết.

Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2003 dự kiến khoảng 300.000 tấn, giảm 7,4% so với năm 2002. Những nước có sản lượng nhiều nhất là Brazil 46.300 tấn (tăng 5%), Ấn Độ 65.000 tấn (giảm 15%), Malaysia 21.000 tấn (giảm 11,5%) và Việt Nam 80.000 tấn (tăng 6%), là nước đứng đầu về sản lượng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2003, khoảng trên 43.000 tấn). Nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới hàng năm cần khoảng 220.000-250.000 tấn. Như vậy, cung sản lượng tiêu hiện nay đang vượt xa so với cầu.

Theo kế hoạch của Bộ NN-PTNT, đến 2005, Việt Nam phải tập trung chuyển đổi 150.000/450.000ha cà phê sang cây trồng khác. Theo các nhà chuyên môn, nếu không tiến hành quy hoạch tốt 150.000ha cà phê được chuyển đổi, nông dân sẽ lại chuyển sang trồng tiêu.

(Theo NTNN)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Giá phân đạm tăng nhẹ (17/09/2003)
Hơn 100 câu hỏi trực tiếp với lãnh đạo TP.HCM (17/09/2003)
Các nước sông Mekong tăng cường hợp tác (17/09/2003)
Nông nghiệp ''ngoại thị' chèn lấn ''nội thị'' (17/09/2003)
Cần 12 tỷ USD cho giao thông vận tải TP.HCM (17/09/2003)
Giá dừa khô "nhảy" từng ngày (17/09/2003)
Hà Nội "thừa" gần 40.000 tỷ đồng vốn (17/09/2003)
Sẽ cần trên 1 triệu tấn muối công nghiệp (17/09/2003)
Đã có thể nhắn tin đa phương tiện qua điện thoại di động (16/09/2003)
Phải chấm dứt tình trạng đầu tư công trình "vì kế hoạch" (16/09/2003)
Đà Nẵng thu hút mạnh các dự án đầu tư vào KCN (16/09/2003)
Để có con bò sữa Việt Nam, cần 20 năm nữa (16/09/2003)
Nhà nước nắm giữ 80% cổ phần Vinamilk (16/09/2003)
Nâng mục tiêu xuất khẩu gạo năm nay lên 3,9 triệu tấn (16/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang