Nông dân treo cày vì... dự án nuôi tôm
15:14' 16/09/2003 (GMT+7)

Dự án sau ba năm mới chỉ có hình hài như thế này!

Năm 1999, Bộ Thủy sản có chủ trương thực hiện dự án nuôi tôm công nghiệp tại xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Sau đó vì trục trặc vốn nên dự án này được chuyển giao cho tỉnh, tỉnh lại chuyển giao cho huyện, huyện không kham nổi nên được Công ty tư vấn Việt Anh nhận làm. Từ đó đến nay đã gần ba năm trôi qua nhưng dự án vẫn chưa đâu vào đâu, trong khi nông dân Kỳ Nam đã giao ruộng cho dự án và treo cày, hết việc...

Hy vọng ''đổi đời''!

Ban đầu người dân Kỳ Nam không đồng tình với dự án này vì họ buộc phải giao hết ruộng cho dự án, đồng thời phải góp vào cùng Nhà nước 9 tỷ đồng (trong dự toán 18 tỷ đồng) để thực hiện dự án. Thế nhưng Kỳ Nam vốn là xã nghèo nhất tỉnh với 70% hộ thuộc diện nghèo thì dân lấy đâu số tiền lớn như thế để góp vốn cùng Nhà nước?

Sau đó, một giải pháp khả thi được thực hiện là cho Công ty tư vấn Việt Anh đầu tư làm, với số vốn dự toán đến 33 tỷ đồng, thời hạn thuê đất 13 năm. Công ty này sẽ đền bù 54% giá trị sản lượng thóc thu được trên diện tích dự án cho nông dân vào thời điểm tháng 6 hàng năm (với thỏa thuận 220kg thóc/sào (500 m2/mùa), còn lại 46% do dân phải chịu vì đó là chi phí mà người dân đằng nào cũng phải bỏ ra cho gieo trồng lúa hằng năm. Đồng thời, 150 nông dân sẽ được Công ty Việt Anh nhận vào làm công nhân nuôi tôm. Mặc dù tiền đền bù như thế không bằng tiền thu được từ trồng lúa, nhưng người dân nơi đây vẫn còn hy vọng vào tương lai không xa.

Thế là từ năm 2001, 400 hộ nông dân (chiếm 80% số hộ) trong xã hăng hái giao hẳn 90ha ruộng (trong gần 200ha ruộng toàn xã) cho dự án nuôi tôm công nghiệp Kỳ Nam. Họ mong muốn được đổi đời qua dự án này.

Đồng ruộng hoang vắng 

Thế nhưng hy vọng của nông dân vào việc làm mới từ dự án nuôi tôm ngày càng xa vời vợi. Hôm 10/9, đến công trường chỉ thấy một vùng đồng ruộng hoang vắng đến lạnh người. Trước đây vào thời điểm này là mùa gặt, người dân đông vui trên ruộng lúa vụ hè thu chín vàng, nay ruộng bỏ hoang ngun ngút màu cỏ xơ xác. Dự án mới chỉ thực thi được hạng mục là hình thành sơ khai các bờ vuông hồ, một vài cống thoát nước.

Ông Đặng Đình Dích, Chủ tịch UBND xã, nói: "Xã đã nhiều lần đề xuất với huyện, tỉnh và Công ty Việt Anh sớm hoàn thành dự án để đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn chưa đến đâu". "Mạnh tay" hơn, mới đây UBND còn đặt điều kiện nếu đến năm 2004 dự án không đi vào sản xuất, xã sẽ (đệ trình) lấy lại ruộng để cho dân cày cấy hoặc cho dân sử dụng nuôi cá nước ngọt. Đã đến vậy nhưng vẫn chưa nghe các bên chủ dự án nói gì.

Nông dân... treo cày!

Anh Mai Văn Phấn ở đội 2: "Gia đình tôi đã giao 3,5 sào ruộng (1.750 m2) cho dự án, được hưởng đền bù 559.000 đồng/năm, trong khi đó nếu ruộng này để tôi cày cấy như trước thì một mùa cũng thu được sơ sơ 900kg thóc. Vị chi tính ra giá bán thóc tại xã là 1.800 đồng/kg tôi cũng cầm trong tay hơn 1,3 triệu đồng". Bây giờ giao hết ruộng cho dự án, gia đình không còn việc làm, vợ anh chạy chợ xã kiếm chút đỉnh hàng ngày. Anh Phấn thì chăm chút chiếc xe Minsk kiếm khách vãng lai trên quốc lộ 1A, nhưng lâu lâu mới "rước" được một vài người.

Ruộng hết, cày treo, người thì đi làm thuê đào đất đào đá cho công trình hầm đường bộ qua đèo Ngang trên địa bàn xã, số thanh niên khỏe mạnh thì tứ tán vào miền Nam tìm việc, số còn lại đành nhắm mắt... đưa chân lên rừng lấy củi về bán.

Gia đình ông Mai Trọng Tải, 65 tuổi, cũng cùng tình cảnh như thế. Ông đã giao cho dự án 7 sào ruộng (3.500 m2), hưởng đền bù 1,2 triệu đồng/năm (trong khi ông sản xuất thì thu được 2,2 tấn thóc, bán được gần 4 triệu đồng). Nay hết ruộng, ông treo cày đi... chơi loanh quanh lối xóm!

(Theo Tuổi Trẻ)    

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Việt Nam xuất khẩu 160 triệu USD hạt điều (16/09/2003)
Trung Quốc thiệt hại hàng chục tỷ đôla do kiện bán phá giá (16/09/2003)
Hội chợ triển lãm Thực phẩm và Đồ uống (16/09/2003)
DN chưa được hưởng thuế ưu đãi tham gia AFTA (16/09/2003)
Có thể gọi 171 bằng điện thoại di động (16/09/2003)
Hợp tác xã là một đơn vị kinh tế, phải cạnh tranh để tồn tại (15/09/2003)
Vàng lên giá, nhà đất đóng băng - giữ gì có lợi? (15/09/2003)
Nhà máy điện khí Cà Mau chậm tiến độ một năm (15/09/2003)
Vật liệu xây dựng nội không thua kém ngoại nhập (15/09/2003)
Tiền đâu để tăng lương? (15/09/2003)
Xây dựng Trung tâm tôm giống tại Phú Quốc (15/09/2003)
Hàng lậu thành... hợp pháp (15/09/2003)
Dành 1% thu từ đầu tư nước ngoài cho xúc tiến đầu tư? (15/09/2003)
Quảng Nam hỗ trợ doanh nghiệp làm nhà ở cho công nhân (15/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang