Hợp tác xã là một đơn vị kinh tế, phải cạnh tranh để tồn tại
19:06' 15/09/2003 (GMT+7)
Còn gần 800 HTX yếu kém, chưa chuyển đổi hoặc giải thể.

(VietNamNet) - Gần 800 hợp tác xã (HTX) yếu kém, đang tồn tại hình thức do chưa phân định rõ được tài sản, nợ đọng, đặc biệt là cán bộ, xã viên không chịu chuyển đổi. Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, các HTX này còn quá trông chờ vào Nhà nước mà không chịu nhận thức rằng, HTX cũng là một đơn vị kinh tế, phải bươn trải ra thị trường, phải cạnh tranh để tồn tại.

Hội nghị sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) về phát triển và đổi mới kinh tế tập thể, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với một số bộ, ngành tổ chức, diễn ra trong hai ngày 15-16/9, tại Hà Nội.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có 3 điều mà các địa phương đã triển khai tốt, là: 1/ Các cấp, các ngành đã nhận thức được vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, xây dựng chương trình hành động phù hợp với từng địa phương. 2/ Thể chế hoá được nhiều chủ trương, đường lối thành văn bản, góp phần giải quyết khó khăn cho các HTX. 3/ Số lượng tổ hợp tác và HTX mới tăng cao, tương ứng là 20% và 11,4%. Đây là những tổ hợp tác, HTX tự nguyện phát triển theo hình thức mới, tức là lấy lợi ích kinh tế làm mục đích hàng đầu để tạo ra sản phẩm, hàng hoá có sức cạnh tranh. Qua đó, chăm lo cho đời sống của xã viên. Chất lượng HTX vì thế cũng được nâng cao, thể hiện qua số tổ hợp tác, HTX khá, giỏi tăng; số yếu kém giảm một nửa so với năm 2001. Sự đóng góp của kinh tế tập thể cũng tăng theo, lên 9,5% trong năm 2002 so với 8,5% của năm 2001, mặc dù sự đóng góp vẫn chưa tương xứng với vị trí của nó. Ở các nước phát triển, tỷ lệ này luôn là 20-30%.

Ông Nguyễn Tiến Quân, quyền Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho biết, tính đến 30/6/2003, cả nước có 14.207 HTX, liên hiệp HTX thuộc các lĩnh vực kinh tế, trong đó, có 8.3350 HTX nông nghiệp, 570 HTX thương mại, dịch vụ, 927 quỹ tín dụng nhân dân, 2.069 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 1.027 HTX giao thông vận tải, 480 HTX xây dựng, 683 HTX thuỷ sản và 156 HTX thuộc các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, ông Quân thừa nhận, theo phân loại của 45 liên minh HTX tỉnh, thành, 6 tháng đầu năm nay, ngoài gần 37% các HTX khá, giỏi, 40% HTX trung bình, còn tới 23% HTX yếu kém.

Nguyên nhân của sự yếu kém này, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, đó là do nhiều cấp, ngành nhận thức chưa đầy đủ về kinh tế tổ hợp tác và HTX, chưa thấy được sự tất yếu, sự cần thiết của kinh tế tập thể trong tiến trình phát triển, trong việc xây dựng quan hệ sản xuất mới. Bên cạnh đó, nhận thức trong nhân dân chưa rõ rệt, chưa hiểu thực chất vấn đề, như hiểu không đúng về HTX kiểu mới. Ông lấy ví dụ về chương trình đánh bắt xa bờ, cứ thành lập ra các tổ hợp tác, HTX rồi trông chờ vào Nhà nước mà không nghĩ rằng, HTX cũng là một đơn vị kinh tế, là một DN, phải bươn chải ra thị trường, phải tranh chấp để tồn tại. Chỉ khi nào xác định được như vậy, HTX mới thực sự chuyển đổi và phát triển được.

Ông Nguyễn Gia Tôn, Chủ tịch HĐQT Liên minh HTX thương mại Hà Nội, bức xúc, sau khi các thành viên đã chuẩn bị xong, chỉ để lo các thủ tục thành lập, HTX đã mất đến 10 tháng. Nhiều người, kể cả cán bộ quản lý, đã tỏ ra không tin tưởng lắm vào mô hình làm ăn của HTX. Song, trên thực tế, Liên minh HTX thương mại Hà Nội kinh doanh có hiệu quả, với số vốn hiện đạt 1,22 tỷ đồng. HTX tập trung vào phát triển dịch vụ, với việc mở hệ thống siêu thị ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, đầu tư sản xuất kinh tế nông nghiệp theo mô hình trang trại. Đến tháng 9-10/2003, HTX sẽ xây dựng khu nông nghiệp kỹ thuật cao rộng 16,5ha tại Gia Lâm.

Hay mô hình làm ăn giỏi khác tại xã vùng núi Phù Nhan, Văn Chấn, Yên Bái. HTX này kinh doanh dịch vụ tín dụng, tiêu thụ nông sản phẩm, kinh doanh điện, xăng, vật liệu xây dựng... cho doanh thu 1,62 tỷ đồng (năm 2000), 5 tỷ đồng (2002) và 3,4-3,5 tỷ đồng (6 tháng đầu năm nay). Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Minh, Chủ nhiệm HTX, cho rằng, hạn chế mà xã gặp phải là tình trạng quản lý chồng chéo hiện nay. Theo ông, để HTX phát triển, các cán bộ quản lý phải giỏi, hiểu biết về mô hình HTX, biết áp dụng KHCN vào thực tiễn.

Để khắc phục hạn chế trên, đưa ra những giải pháp và chính sách hợp lý để phát triển kinh tế tập thể, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh 3 giải pháp: Thứ nhất, quán triệt sâu sắc hơn nữa đến cán bộ quản lý và người dân, trên cơ sở đó, phân công cụ thể cho từng cấp, từng ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế hợp tác phát triển.

Thứ hai, kịp thời tổng kết để nhân rộng mô hình HTX giỏi, HTX theo mô hình mới, năng động, sáng tạo, làm ăn có hiệu quả. "Ví như chương trình mía đường, lĩnh vực đang gặp khó khăn, thì Nhà máy đường Lam Sơn vẫn làm ăn có hiệu quả vì nhà máy cùng địa phương, cùng nông dân cùng nhau hợp tác, lập ra 31 HTX để vừa trồng nguyên liệu, vừa vận chuyển và góp vốn cùng nhà máy. Đây là một mô hình vừa kinh tế, vừa chính trị, vừa văn hoá, và hoàn toàn không xa lạ, rất dễ thực hiện", ông nói. Thứ ba, người đứng đầu HTX phải có trách nhiệm, toàn tâm, toàn ý có năng lực, hiểu biết. 3 nhiệm vụ trên cần được triển khai đồng bộ, không chỉ trong nội bộ mà toàn nhân dân.

  • Hạnh Phương
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Vàng lên giá, nhà đất đóng băng - giữ gì có lợi? (15/09/2003)
Nhà máy điện khí Cà Mau chậm tiến độ một năm (15/09/2003)
Vật liệu xây dựng nội không thua kém ngoại nhập (15/09/2003)
Tiền đâu để tăng lương? (15/09/2003)
Xây dựng Trung tâm tôm giống tại Phú Quốc (15/09/2003)
Hàng lậu thành... hợp pháp (15/09/2003)
Dành 1% thu từ đầu tư nước ngoài cho xúc tiến đầu tư? (15/09/2003)
Quảng Nam hỗ trợ doanh nghiệp làm nhà ở cho công nhân (15/09/2003)
Xây dựng xưởng chế biến cá basa tiêu thụ nội địa (15/09/2003)
Rộng đường xuất khẩu, dừa lên giá gấp đôi (15/09/2003)
Campuchia: Được và mất khi gia nhập WTO (15/09/2003)
Giá cà phê Việt Nam tăng mạnh (14/09/2003)
Làm thế nào để nông dân hội nhập? (14/09/2003)
Du khách nước ngoài đến TP.HCM tăng đáng kể (14/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang