(VietNamNet) - Thủ tướng Chính phủ hôm qua (11/9) đã ra chỉ thị yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và chính quyền đô thị các cấp áp dụng ngay các biện pháp kiểm tra và ngăn chặn việc mua bán đất trao tay, chuyển quyền sử dụng đất trái phép tại các khu vực đã được quy hoạch để phát triển đô thị; nghiêm cấm việc giao đất, cấp giấy phép xây dựng khi không có quy hoạch chi tiết hoặc không theo quy hoạch chi tiết dọc các tuyến đường giao thông và hành lang kỹ thuật.
|
Các công trình xây dựng mọc lên như nấm xung quanh sân vận động Quốc gia Mỹ Đình - Từ Liêm, Hà Nội. |
Trong chỉ thị, Thủ tướng giao các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ và chính quyền đô thị các cấp 4 nhiệm vụ chính. Trong đó tập trung ưu tiên dành các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho công tác khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại các đô thị để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch hàng năm, triển khai các dự án đầu tư, giao đất hoặc cho thuê đất, cấp giấy phép xây dựng...
Xử lý cương quyết các trường hợp vi phạm xây dựng
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức thực hiện ngay các đồ án quy hoạch xây dựng sau khi được duyệt, áp dụng đồng bộ các biện pháp: Ban hành Quy chế quản lý xây dựng theo các đồ án quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Công bố và công khai các đồ án quy hoạch xây dựng để dân biết, dân kiểm tra và thực hiện; Lập, xét duyệt hồ sơ và đưa chỉ giới quy hoạch ra ngoài thực địa, giới thiệu và xét duyệt địa điểm xây dựng theo yêu cầu của các chủ đầu tư cung cấp thông tin kịp thời về quy hoạch xây dựng thông qua biện pháp cấp chứng chỉ quy hoạch; Đẩy mạnh công tác cấp giấy phép xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân xây dựng công trình phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt.
Các ủy ban cũng phải xử lý cương quyết và dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, tự ý điều chỉnh quy hoạch xây dựng không đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; xây dựng không đúng với quy hoạch, xây dựng không phép hoặc xây dựng sai giấy phép; tự ý điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền và không đúng với quy hoạch được duyệt.
Thủ tướng cũng giao thanh tra Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường định kỳ tổ chức thanh tra việc quản lý xây dựng, quản lý sử dụng đất và việc xây dựng dọc các tuyến đường giao thông, hành lang an toàn giao thông theo quy hoạch được duyệt để xử lý kịp thời các vi phạm theo thẩm quyền; đồng thời báo cáo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp khắc phục, nhằm đưa công tác quản lý quy hoạch xây dựng đi vào nề nếp.
Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển đô thị
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chỉ đạo ủy ban nhân dân các thị xã, thành phố, các huyện lập kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng và đề án đầu tư nâng cấp đô thị làm cơ sở cho việc lập kế hoạch đầu tư xây dựng hàng năm và triển khai các dự án đầu tư xây dựng phù hợp với các tiêu chuẩn phân loại đô thị; Có cách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển đô thị; Thực hiện các hình thức dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp, các khu đô thị, khu nhà ở xây dựng tập trung hoặc tại một số tuyến đường có điều kiện; Thu hồi đất hai bên đường để lập quy hoạch chi tiết làm cơ sở triển khai dự án đầu tư xây dựng đồng bộ ''đường gắn với phố'' theo phương thức sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đối với các vùng đô thị lớn (đặc biệt Hà Nội và TP.HCM) mà quá trình phát triển thành phố hạt nhân có liên quan trực tiếp đến các tỉnh xung quanh, Thủ tướng chỉ thị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố các vùng trên chủ động hợp tác với nhau để xử lý các vấn đề về quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch và phát triển đô thị, nông thôn mà các bên cùng liên quan.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải tổng kết, đánh giá tình hình lập, xét duyệt quy hoạch xây dựng đô thị tại địa phương mình; ưu tiên dành các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho công tác khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại các đô thị để quy hoạch xây dựng phải đi trước, làm cơ sở cho việc lập kế hoạch đầu tư xây dựng hàng năm; triển khai các dự án đầu tư, thiết kế xây dựng, giới thiệu địa điểm, cấp chứng chỉ quy hoạch, giao đất hoặc cho thuê đất, cấp giấy phép xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà.
Bộ Xây dựng được giao chỉ đạo việc rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng được duyệt; chủ trì lập quy hoạch xây dựng các vùng trọng điểm, quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội và quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM, soạn thảo Nghị định về quản lý quy hoạch xây dựng; hướng dẫn công tác quản lý các dự án quy hoạch xây dựng; sửa đổi, ban hành quy định về việc lập, xét duyệt quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch, các tiêu chuẩn, quy phạm, quy chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng.
Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính thẩm định kế hoạch vốn khảo sát và quy hoạch xây dựng hàng năm; cân đối đủ vốn cho công tác khảo sát và quy hoạch xây dựng; nghiên cứu xây dựng cơ chế tạo vốn cho công tác quy hoạch. Bộ Tài chính hướng dẫn và chỉ đạo việc cấp phát; quản lý, thanh và quyết toán vốn ngân sách nhà nước đối với các dự án quy hoạch xây dựng.
|