TV, máy lạnh được sản xuất tại... chợ
17:05' 06/09/2003 (GMT+7)

Hàng điện tử bày bán tại chợ Nhật Tảo, TP.HCM.

Tại khu vực chợ điện tử Nhật Tảo TP.HCM, hàng “nội” do nhiều cơ sở, cá nhân mua linh kiện điện tử Trung Quốc dạng trôi nổi trên thị trường về tự lắp ráp như đầu đĩa, karaoke, TV, amply, loa... chiếm số lượng rất lớn, giá cũng cao hơn so với hàng nhập từ Trung Quốc (TQ).

Ông Nguyễn Phương Đông, Trưởng Ban Quản lý chợ điện tử Nhật Tảo, cho biết chỉ tính sơ sơ cũng có cả chục cơ sở lắp ráp theo dạng trên, chưa kể hàng trăm “thợ” điện tử tự mua linh kiện về lắp ráp bỏ mối cho các sạp và các cửa hàng điện máy. Phần lớn hàng điện tử ở chợ được chuyển về tiêu thụ ở các tỉnh.

Linh kiện TQ hiện nay được bày bán rất nhiều, có cả linh kiện rời nhưng cũng không thiếu linh kiện đã được ráp sẵn theo cụm, giá khá rẻ. Chẳng hạn, bộ linh kiện lắp ráp đầu VCD gồm: đầu đọc giá 120.000-200.000 đồng/bộ, bo mạch xử lý 100.000-150.000 đồng/bộ, vỏ đầu đĩa: 110.000đồng/cái... Với chi phí trên thì một đầu đĩa hình lắp ráp hoàn chỉnh chỉ tốn 400.000 đồng- 600.000 đồng/cái nhưng giá bán lẻ hiện 800.000 đồng- 900.000 đồng/cái, thậm chí trên 1 triệu đồng/cái.

Đối với mặt hàng tivi, các cụm linh kiện chi tiết cũng đều là hàng TQ. Vỏ tivi được thu mua từ nhiều nguồn như: Dùng vỏ cũ  tân trang lại, mua vỏ nhựa của các cơ sở dập gia công khu vực Q.5, Q.6 hoặc mua vỏ nhập từ TQ với giá 100.000 đồng- 200.000 đồng/cái. Riêng màn hình, thiết bị quan trọng nhất của TV, các điểm lắp ráp chủ yếu sử dụng hàng TQ mới hoặc tận dụng màn hình từ máy vi tính cũ thải ra bằng cách cân chỉnh lại. Một “chuyên gia” lắp ráp hàng điện tử tại khu vực chợ Nhật Tảo tiết lộ chi phí lắp ráp tivi 14 inch chỉ khoảng 350.000 đồng - 700.000 đồng/cái; loại TV 17 inch trên dưới 1 triệu đồng/cái trong khi giá bán lẻ công khai hàng TQ đều từ 1 triệu đồng cho đến gần 2 triệu đồng/cái. Nếu các mặt hàng trên đưa về các trung tâm điện máy hoặc các cửa hàng điện tử bán lừa là hàng chính hiệu thì giá cao hơn ít nhất gấp 2 lần.

Cho dù tay nghề thợ điện tử khá cao do được “vọc” nhiều, nhưng đa số thợ lắp ráp đều không qua trường lớp bài bản mà chỉ dựa vào kinh nghiệm là chính nên chất lượng loại hàng sản xuất tại chợ thường không bảo đảm. Ngoài ra, trang thiết bị về đo kiểm không có, thợ chỉ sử dụng kinh nghiệm để cân chỉnh cho nên chất lượng không chuẩn, nhất là chất lượng âm thanh, hình ảnh.

Những trục trặc thường gặp như: Dàn cơ không đọc được, độ chính xác không ổn định, hay hư linh kiện. Tiêu hao lượng điện năng lớn, máy quá nóng dẫn đến đứng hình. Độ chống rung kém, hay nhảy hình. Hình ảnh không sắc nét, màu không đều. Thường xuyên gặp hiệu ứng bóng ma, độ nhạy kém. Ông Trương Chung Nghĩa, tổ trưởng tổ điện, điện tử của một trung tâm dịch vụ sửa chữa điện tử, còn cho biết gần đây trạm nhận sửa khá nhiều loại TV, đầu đĩa thuộc dạng lắp ráp từ linh kiện trôi nổi dạng này. Đa số đều rơi vào trường hợp bị hư nguồn, mất tiếng, mất hình, méo hình, nhợt màu, nhiễm từ, âm thanh bị rè, có nhiều tạp âm. Đầu đĩa hay bị kẹt cơ, giựt hình, mất hình hoặc hình ảnh bị nhòe...

Bốn lưu ý để nhận biết hàng điện máy lắp ráp ở chợ:

- Hàng điện máy tự lắp ráp thường không có sổ bảo hành. Nếu có, chỉ là bảo hành miệng, hoặc bằng sổ hay tờ giấy tự in. Thời gian bảo hành ngắn, tối đa là 12 tháng. Trong khi hàng điện máy của các hãng điện tử nổi tiếng đều có sổ bảo hành được in ấn nghiêm chỉnh, địa chỉ nơi bảo hành rõ ràng và thời gian bảo hành từ 2 năm trở lên, tùy chủng loại.

- Do lắp ráp hàng không đồng bộ cho nên tại các vị trí gắn công tắc, nút điều khiển trên vỏ máy thường có độ hở nhất định. Thậm chí còn có dấu gọt giũa. Độ sắc sảo kém, màu sắc không đồng đều. Bề mặt vỏ máy không chuẩn về độ phẳng do sử dụng khuôn tự chế. Đối với vỏ đầu đĩa cũng vậy: do gò, hàn bằng thủ công cho nên độ bằng phẳng không đều, các mối nối không đẹp.

- Thường hay sử dụng thương hiệu lạ, hoặc nhái những thương hiệu tên tuổi nhưng thêm hoặc bớt một vài nét chữ. Trường hợp sử dụng thương hiệu nổi tiếng thường in trên giấy hoặc dập rời trên nhựa hoặc kim loại rồi gắn vào máy.

- Đối với mặt hàng tivi, khi sử dụng lại màn hình của máy vi tính cũ thường là độ trong của màn hình không cao, mặt phẳng không đồng đều do đã đánh bóng lại và thường là loại tivi 14 inch - 17 inch.

(Theo NLĐ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tư vấn công trình giao thông thiếu cả ''tài'' lẫn ''tâm''? (06/09/2003)
Đẩy mạnh bán trái phiếu đô thị TP.HCM ở phía Bắc (06/09/2003)
Larry Ellison - Người đe doạ thế độc quyền của Microsoft (06/09/2003)
''Lỗ hổng'' lớn trong hướng dẫn viên du lịch (06/09/2003)
Thay đổi cách nhìn về thương nhân (06/09/2003)
Vàng lên giá do chính sách duy trì đồng tiền yếu (06/09/2003)
ASEAN đạt được thoả thuận tiến gần một thị trường chung (05/09/2003)
Dự án đấu giá đất tại quận Thanh Xuân vẫn ách tắc (05/09/2003)
Việt Nam dự triển lãm hoa quốc tế tại Moscow (05/09/2003)
TP.HCM tìm đường cho xuất khẩu thiết bị (05/09/2003)
Khơi dậy niềm đam mê kinh doanh (05/09/2003)
Quảng Nam điều chỉnh giá đất ở khu kinh tế mở Chu Lai (05/09/2003)
Mong muốn được xem như người trong nước (05/09/2003)
Giá vàng tăng, giá giao dịch nhà đất giảm (05/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang