Thay đổi cách nhìn về thương nhân
10:42' 06/09/2003 (GMT+7)
Thương nhân là kênh quan trọng nối nông dân với người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ đã từng công nhận, thương nhân mua bán nông sản ở nông thôn hiện nay là kênh tiêu thụ hơn 95% sản phẩm cho nông dân nhưng nhiều năm qua nhà nước chưa coi trọng vai trò của họ. Tuy nhiên, cái nhìn hiện nay về thương lái của nhiều quan chức đã có nhiều thay đổi hơn, công bằng hơn so với trước.

An Giang được coi là địa phương đầu tiên trong cả nước công nhận vai trò của thương nhân trong giao lưu hàng hoá ở nông thôn. Chính vì vậy tỉnh này còn có chủ trương mời thương nhân vào làm xã viên khi thành lập các HTX hoặc CLB nuôi cá tra, cá ba sa. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Nguyễn Minh Nhị khẳng định nếu không có đội ngũ thương nhân thì cả nông dân và DN chế biến nông sản sẽ ''chết''.

ĐBSCL là vựa lúa gạo lớn nhất cả nước, nơi sản xuất ra 50% sản lượng gạo nhưng chiếm đến 80% lượng gạo xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam. Tại đây, đội ngũ thương nhân mua bán gạo tập trung đông đảo từ cả thế kỷ qua và có chân rết đến tận xã, ấp trong khi DN xuất khẩu không đủ năng lực để làm điều này.

Đó cũng chính là lý do mà tại huyện Cái Bè - Tiền Giang từ nhiều năm qua đã hình thành một trung tâm xay xát, chứa trữ và mua bán lúa gạo lớn nhất Việt Nam, nhưng hoàn toàn do thương nhân làm chủ. Đi trên quốc lộ 1A qua xã An Hữu, gần cầu Bà Đắc, ai cũng có thể nhận thấy hàng đoàn xe tải nối đuôi nhau vào đây ''ăn gạo". Một giám đốc DN xuất khẩu gạo ở TP.HCM cho biết, chỉ cần một cú điện thoại là các thương nhân ở chợ gạo này đủ sức giao đến tận mạn tàu ở cảng TP.HCM cho DN.

Ông Lê Văn Quang, Giám đốc Công ty Thuỷ sản Minh Phú, Cà Mau cho rằng, ''thương lái nhỏ, thương lái lớn'' đều góp phần rất lớn cho sự phát triển của ngành thuỷ sản Việt Nam. ''Mình cứ nói họ là lái nọ, lái kia, ép người nuôi trồng, ép dân. Theo tôi, nói như thế không công bằng, không sòng phẳng'' - ông nói. Để tồn tại, tư thương phải cạnh tranh với nhau rất khốc liệt trong điều kiện tôm ít, nhà máy và đại lý mọc lên ngày càng nhiều. Muốn mua được tôm, họ phải tính toán đến từng đồng xu chi phí để giảm giá thành, nâng cao giá mua.

Bà Nguyễn Thị Việt Ánh, Giám đốc Công ty Thương nghiệp Cà Mau cho biết, bà học được rất nhiều kinh nghiệm làm ăn của thương nhân. ''Họ buôn bán không lệ thuộc vào giờ hành chính mà theo nhu cầu của khách hàng''.

Hồi cuối tháng 8/2003, trong một cuộc hội thảo về thị trường trong nước tại TP.HCM, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cũng đã công nhận vai trò của thương nhân trong giao lưu hàng hoá ở thị trường trong nước.

Đi kèm theo sự thay đổi cách nhìn nhận về thương nhân của Nhà nước là một loạt các chính sách phát triển đội ngũ thương nhân trong nước do Bộ Thương mại tham mưu cho Chính phủ ban hành hồi đầu năm nay. Theo đó, đội ngũ này sẽ được hỗ trợ phát triển bằng cơ chế, chính sách thuế, chủ trương xây dựng chợ đầu mối để tập trung thương nhân buôn bán nông, thuỷ sản. Các quan chức ngành thương mại cũng đều thừa nhận muốn tạo đòn bẩy cho thị trường trong nước, thị trường nông thôn phát triển mạnh, làm tiền đề cho xuất khẩu thì phải bắt đầu từ đội ngũ thương nhân - người quyết định kênh lưu thông hàng hoá.

(Theo TBKTSG)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Vàng lên giá do chính sách duy trì đồng tiền yếu (06/09/2003)
ASEAN đạt được thoả thuận tiến gần một thị trường chung (05/09/2003)
Dự án đấu giá đất tại quận Thanh Xuân vẫn ách tắc (05/09/2003)
Việt Nam dự triển lãm hoa quốc tế tại Moscow (05/09/2003)
TP.HCM tìm đường cho xuất khẩu thiết bị (05/09/2003)
Khơi dậy niềm đam mê kinh doanh (05/09/2003)
Quảng Nam điều chỉnh giá đất ở khu kinh tế mở Chu Lai (05/09/2003)
Mong muốn được xem như người trong nước (05/09/2003)
Giá vàng tăng, giá giao dịch nhà đất giảm (05/09/2003)
"Các doanh nghiệp thép đã quá "thổi phồng"? (05/09/2003)
Điều tra số lượng tàu cá và thuyền viên (05/09/2003)
Bùng phát nuôi tôm ngoài quy hoạch tại ĐBSCL (05/09/2003)
Giá gas giữ mức 122.000 đồng/bình 12kg (05/09/2003)
IPC đề nghị Việt Nam đánh thuế tiêu xuất khẩu (04/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang