Không ngăn chặn được ''chảy máu'' ngoại tệ
14:40' 30/08/2003 (GMT+7)
Ngoại tệ bằng nhiều cách vẫn ''chảy'' ra nước ngoài.

Theo quy định Nhà Nước Việt Nam, mỗi cá nhân khi đi ra nước ngoài chỉ được phép mang theo một số ngoại tệ là 3.000 USD và chỉ có ngân hàng mới được phép cho chuyển tiền ra nước ngoài với số lượng lớn hơn. Thế dòng ngoại tệ vô hình vẫn ''chảy'' ra khỏi Việt Nam bằng nhiều ngả, trong đó đặc biệt qua các ''cò'' chuyển ngoại tệ.

Công ty A đăng ký ngành nghề kinh doanh là mua bán lương thực thực phẩm, văn phòng phẩm, vật liệu xây dựng... nhưng lại sống nhờ vào việc chuyển ngoại tệ về nước cũng như chuyển ra nước ngoài. Chuyển cho người nhà ở California, khách hàng sẽ chịu ''phí'' 1% và chỉ vòng 24 giờ sau người nhà sẽ nhận được tiền. Các đối tượng chuyên làm ''dịch vụ'' chuyển tiền theo kiểu này là hình thức chuyển tiền ''chui'' vì Nhà nước không cho phép.

Theo một cán bộ thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, chỉ có ngân hàng mới được phép chuyển ngoại tệ ra nước ngoài nhưng hiện có khá nhiều công ty và cá nhân chuyên đứng ra làm dịch vụ chuyển ngoại tệ trái phép, với dịch vụ không cố định từ 1%-5%. Ngân hàng phát hiện nhiều vụ nhưng chỉ có thể xử phạt hành chính, có vụ chuyển cho cơ quan công an nhưng sau đó không thấy hồi âm.

Trong khi đó, nguồn ngoại tệ xuất lậu qua đường hàng không cũng gia tăng báo động. Theo báo cáo của hải quan sân bay, hàng năm nguồn ngoại tệ xuất hiện lậu phát hiện được từ 1,6 - 1,8 triệu USD. Nhưng chỉ mới bảy tháng của năm 2003, số ngoại tệ xuất lậu lên đến gần 1 triệu USD với 118 vụ bị phát hiện. ''Số vụ có khả năng qua lọt có thể hơn rất nhiều'' - một cán bộ làm thủ tục tại sân bay cho biết. Đa số ngoại tệ xuất lậu được các đối tượng giấu trong áo, quần, túi xách, giày dép, thậm chí trong... chỗ kín của phụ nữ, rất khó phát hiện.

Theo qui định, khi phát hiện một vụ xuất ngoại tệ lậu, hải quan trả lại 3.000 USD cho đương sự (được phép mang ra nước ngoài), còn tạm giữ biên bản chờ xử lý. Nếu đương sự không chứng minh được nguồn gốc ngoại tệ là hợp pháp thì phạt tịch thu. Một cán bộ hải quan bộc bạch: ''Không hiểu thế nào mà hầu hết các vụ sau khi bị phát hiện đều chứng minh được nguồn gốc hợp pháp!''. Do đó, buộc phải trả lại toàn bộ số ngoại tệ cho đương sự. Hải quan sân bay Tân Sân Nhất đang đề nghị thêm thiết bị kiểm tra và tăng cường kiểm tra thái độ, tác phong hành khách bằng... mắt, nhưng các cán bộ có trách nhiệm vẫn thật lòng: ''Không thể kiểm soát hết được, nên nguồn ngoại tệ vẫn âm thầm ''chảy máu'' ra ngoài bằng nhiều ngả đường...''.

(Theo Tuổi Trẻ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
''Quá ít DN đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài'' (30/08/2003)
Giao hạn ngạch dệt may theo tiêu chuẩn hàng tồn (30/08/2003)
Không được bán thép dưới giá thành (30/08/2003)
DN Việt Nam mua lại nhãn hiệu Tobicom (29/08/2003)
Đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất gạch Rubistone (29/08/2003)
Việt Nam đang phải đối mặt với hoạt động kinh doanh ''ngầm'' (29/08/2003)
Giá vàng trong nước đạt 684.000 đồng/chỉ (29/08/2003)
Hàng ngàn giấy đăng ký kinh doanh chưa được thu hồi (29/08/2003)
Gạo xuất khẩu Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh (29/08/2003)
Đà Nẵng hình thành các tuyến du lịch bằng tàu cao tốc (29/08/2003)
''Sao Vàng đất Việt 2003 đã được trao cho những DN giỏi'' (29/08/2003)
Hai năm tới, GDP phải tăng từ 8,2% trở lên! (29/08/2003)
Thị trường bánh Trung thu chuẩn bị... nước rút (29/08/2003)
310.000 tỷ đồng phát triển công nghiệp vùng Đông Nam Bộ (29/08/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang