Đối với nhiều người, các loại lá, cây cỏ dại trong rừng chỉ là đồ bỏ đi, chẳng có chút giá trị gì, nhưng với hợp tác xã Dệt xuất khẩu Phú Cát, chúng lại là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Các sản phẩm này gồm lá mai khô, cây cọc rào chế biến từ cây trúc quân tử, mành, chiếu trúc, bèo tây, bẹ chuối, bẹ ngô khô... Người khởi xướng việc sản xuất các sản phẩm này chính là ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dệt xuất khẩu Phú Cát. Ông Quỳnh cho biết mấy năm trước, có một số khách Đài Loan sang hỏi mua lá mai khô (một loại lá dại mọc bạt ngàn ở rừng và thường được người dân đem về đun nấu). Tiêu chuẩn của họ đặt ra là lá phải to, đều, đẹp sau khi sấy khô lá vẫn giữ được mùi thơm và màu xanh của tự nhiên, không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất nào.
Để đạt được tiêu chuẩn này đòi hỏi phải có kỹ thuật cao, vì thế ông Quỳnh phải lao vào tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm. Sau nhiều lần nghiên cứu, ông đã nghĩ ra cách phơi sương trước khi đem sấy để giữ chất diệp lục cho lá. Sau thành công đó, sản phẩm của ông đã được khách hàng nước ngoài chấp nhận. Từ đó, người dân nhiều nơi đã mang lá đến bán làm nguyên liệu cho hợp tác xã với giá 4.000 đến 5.000/kg (khá cao so với một loại cây vốn chỉ để làm củi đun).
Ngoài lá mai, hợp tác xã còn sản xuất và chế biến nhiều loại cây, lá rừng khác thành những sản phẩm hoàn chỉnh, có giá trị cao. Trúc là một trong số các mặt hàng chủ lực để sản xuất thành mành, chiếu. Ông Quỳnh cho biết, muốn có mành đẹp, bền, trước tiên phải nâng khổ rộng khung dệt tre trúc, ken dày nan mành, cấy cỏ vào các lớp nan rồi dùng khói hun nan trúc chống mối mọt đồng thời tạo ra màu vàng tự nhiên. Khách Trung Quốc rất ưa thích sản phẩm này.
Cọc rào cũng là loại được tiêu thụ khá tốt do nhu cầu làm nhà sàn lớn, nên hầu như làm ra đến đâu bán hết tới đó, đem lại giá trị kinh tế cao. Tiếp đến là các loại cỏ dại như bèo tây, bẹ chuối, bẹ ngô, đay tế cũng lần lượt được chế biến thành từng tấm. Theo ông Quỳnh, khách hàng từ châu Âu rất ưa chuộng loại hàng này vì bên đó vừa lạ, vừa không sản xuất được do thời tiết. Để bán được những mặt hàng này, khâu quan trọng nhất là chế biến, như bẹ chuối phải biết phơi sao cho khi phơi xong bẹ vẫn còn dai, màu tía, đẹp. Bèo tây thì đem ép thành từng mảng, bón đạm đều đặn, dài 1 đến 2m có thể đem bán được.
Năm nay, mục tiêu của hợp tác xã là xuất khẩu 400 tấn lá mai khô, 180.000 cây cọc rào, tăng hơn năm trước 30%. Hợp tác xã hiện đang xây thêm một xưởng sản xuất mới rộng 1.200m2 để phục vụ việc chế biến và dự trữ lá mai khô khi nguyên liệu khan hiếm. Hiện nay, người dân các huyện Thanh Sơn, Lâm Thao, Yên Lạc đã tăng diện tích trồng mai để cung cấp cho hợp tác xã.