|
Hậu quả của cuộc đua huy động vốn là lãi suất tín dụng quá nóng. |
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa họp với 4 ngân hàng thương mại quốc doanh gồm Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đầu tư và Phát triển, Công thương, Ngoại thương để bàn cách hạ sốt lãi suất tín dụng.
Theo ông Lê Văn Sở, Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, sự gắn kết của bốn Ngân hàng thương mại quốc doanh nói trên (hiện đang chiếm tỷ trọng 70% thị phần tín dụng) trong điều chỉnh lãi suất sẽ chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Ngân hàng Công thương Việt Nam và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam là hai đơn vị đi đầu trong việc giảm lãi suất huy động vốn. Lãi suất huy động vốn của hai ngân hàng này đã giảm 0,2-0,3%/tháng trong tháng 7 và sẽ còn tiếp tục được điều chỉnh giảm trong thời gian tới.
Lãi suất đầu ra của các ngân hàng thương mại quốc doanh hiện đã không còn khoảng cách quá lớn, tuy nhiên, trên thực tế lãi suất tín dụng hiện nay vẫn tiềm ẩn những sự bất hợp lý, không khuyến khích vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Mấy tháng qua, do nhu cầu về vốn của nền kinh tế, các ngân hàng thương mại đều nâng lãi suất huy động để cạnh tranh hút vốn, gây nên cơn sốt về lãi suất tín dụng, không có lợi cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Lãi suất huy động tăng cao nên có rất nhiều khách hàng gửi tiền, nhưng lãi suất cho vay cao lại giảm khách hàng sử dụng vốn. Do lãi suất huy động quá cao, chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra ở mức quá thấp, nên nhiều ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong kinh doanh, không đủ chi phí, nhất là đối với các ngân hàng thương mại nhỏ.
(Theo TTXVN)
|