|
Xuất khẩu thuỷ sản năm 2003 đang trông chờ vào nguồn nguyên liệu sạch. |
(VietNamNet) - Theo Trung tâm Kiểm tra chất lượng và Vệ sinh thuỷ sản (Nafiqacen), trong năm nay, ngành thuỷ sản sẽ triển khai kiểm soát dư lượng kháng sinh trên toàn quốc, gồm 130 vùng, tại 34 tỉnh. Đối tượng được kiểm soát, ngoài các loài đã thực hiện trong năm 2002 như tôm sú, tôm càng xanh, cá tra, basa, còn có cua và cá rô phi.
Mặt khác, để tăng hiệu quả kiểm soát dư lượng kháng sinh trong sản phẩm thuỷ sản, Nafiqacen đã bổ sung đối tượng lấy mẫu kiểm soát là thuốc thú y, thức ăn và nguyên liệu thuỷ sản tại các đại lý.
Nafiqacen cho biết, đến nay, việc kiểm soát dư lượng kháng sinh đã được triển tại toàn bộ các vùng nuôi tập trung (124 vùng, tại 32 tỉnh, thành). Kết quả khảo sát tại các vùng nuôi, sau khi đã tiến hành lấy mẫu và đưa vào kiểm nghiệm, cho thấy, tỷ lệ mẫu phát hiện nhiễm kháng sinh bị cấm rất thấp (4/524 nhiễm chloramphenicol và 0/56 mẫu kiễm tra bị phát hiện thấy Furazolidone). Tuy nhiên, trên thực tế, số lô hàng thuỷ sản xuất khẩu năm trước phát hiện bị nhiễm dư lượng còn nhiều: EU 19 lô, Thụy Sĩ 15 lô, Canada 16 lô...
Nguyên nhân là do việc mẫu lấy từ vùng nuôi mới chỉ mang tính chất đại diện về các chỉ tiêu ô nhiễm môi trường (kim loại nặng, thuốc BVTV), chưa mang tính đại diện về các chỉ tiêu lây nhiễm từ thực hành nuôi (dư lượng kháng sinh, hoá chất... ); thực tế nuôi manh mún, mỗi vùng nuôi bao gồm nhiều chủ nuôi/ao nuôi, dẫn tới không đồng nhất trong việc sử dụng thức ăn, thuốc thú y và phương pháp nuôi thả, chăm sóc. Đây là lý do chính dẫn đến việc kiểm soát dư lượng kháng sinh tại vùng nuôi chưa triệt để.
Theo kết quả điều tra, khả năng nguyên liệu sau thu hoạch, bảo quản bị nhiễm Chloramphenicol cũng chiếm tỷ lệ cao. Việc phát hiện không thấy mẫu nào chứa dư lượng kháng sinh nhóm Tetracycline cho thấy, các chất này không bị lạm dụng trong phòng trị dịch bệnh hoặc do người nuôi chuyển sang sử dụng các chất khác phòng trị bệnh hiệu quả hơn, như nhóm Quinolone, Oxolinic, Axit...
Song, các nước nhập khẩu, đặc biệt là EU, liên tục cập nhật thiết bị và phương pháp phân tích hiện đại để hạ thấp giới hạn phát hiện các chỉ tiêu dư lượng trong kiểm soát hàng thuỷ sản nhập khẩu. Trong khi đó, năm qua, năng lực kiểm nghiệm của Nafiqacen cũng như các phòng kiểm nghiệm khác tại Việt Nam còn thiếu và yếu cả về thiết bị lẫn nhân lực. Các chế tài về xử phạt, xử lý vi phạm trong hoạt động này chưa đầy đủ.
Dự kiến, từ 19 đến 21/11 tới, đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để đánh giá hoạt động kiểm soát dư lượng trong động vật sống và sản phẩm có nguồn gốc động vật. Đây là lần đầu tiên EC cử thanh tra sang Việt Nam đánh giá tại chỗ các hoạt động kiểm soát dư lượng trong thuỷ sản của Việt Nam. Đợt thanh tra này có ý nghĩa quan trọng, vì nó quyết định chế độ EU áp dụng để kiểm soát thuỷ sản nhập khẩu từ Việt Nam. Trước đó, năm 2001, EC đã cử đoàn thanh tra sang Trung Quốc đánh giá hoạt động kiểm soát dư lượng, và ngay sau đó, đã ra quyết định đình chỉ nhập khẩu thực phẩm có nguồn gốc động vật từ Trung Quốc, do nước này không đáp ứng được các yêu cầu của EU.
|