Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Nguyễn Tâm Chiến:
"Quan trọng là hoạch định chiến lược xuất khẩu vào Mỹ"
11:27' 07/08/2003 (GMT+7)
Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến.

Những vấn đề nóng bỏng trong giao thương Việt - Mỹ như quan hệ thương mại song phương, xâm nhập thị trường Mỹ, giải quyết tranh chấp thương mại... đã được đưa ra với ông Nguyễn Tâm Chiến, đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nhân dịp ông về Việt Nam dự Hội nghị ngoại giao lần 24 đang diễn ra tại Hà Nội.

- Thưa đại sứ, các vấn đề dân chủ, nhân quyền đang được phía Mỹ đặt ra trong quan hệ hai nước. Những vấn đề này ảnh hưởng thế nào đến việc phát triển giao thương song phương?

- Không chỉ riêng đối với Việt Nam mà với nhiều nước khác, Mỹ cũng chủ trương việc gia tăng quan hệ buôn bán với Mỹ phải được đáp lại bằng cái gọi là ''cải thiện tình hình nhân quyền, dân chủ'' kiểu Mỹ. Nói cụ thể thì nước Mỹ muốn đổi lợi ích giao thương bằng việc tuyên truyền những giá trị Mỹ. Đây là kiểu tư duy thiếu hợp tác. Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về nền văn hoá lâu đời và phong phú của mình. Chúng ta có vị thế để giao lưu với các nước khác, góp phần làm giàu văn hoá lẫn nhau.

Còn quan hệ kinh tế thương mại là mối quan hệ hai chiều, có đi có lại. Nếu như xác định được tính chất cùng có lợi, buôn bán bình đẳng tạo dựng được không khí hợp tác thì quan hệ giao thương mới có đà phát triển. Trong tất cả các cuộc tiếp xúc với phía Mỹ, tôi luôn kiên trì tiêu chí hai bên cùng có lợi trên thực tế. Ví dụ Việt Nam mua máy bay Boeing của Mỹ thì cũng giúp tạo công ăn việc làm cho hãng trong thời điểm kinh tế Mỹ gặp khó khăn, còn chúng ta phát triển hàng không, du lịch.

- Theo đại sứ thì đâu là ''văn hoá hợp tác'' kiểu Mỹ mà các nhà doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý để có thể thành công trong giao thương với Mỹ?

- Văn hoá hợp tác trong giao thương tổng hợp từ văn hoá giao tiếp, văn hoá kiếm tiền, văn hóa ký hợp đồng... Nói chung người Mỹ khá thẳng thắn, không có lợi thì không muốn gặp nhiều, không muốn nói nhiều. Họ rất thực tế. Nếu khả thi và cùng có lợi thì họ mới quan tâm. Ở Mỹ, chuyện gì cũng phải nói đên luật pháp, luật sư. Những kiến thức về luật là vô cùng quan trọng để có thể thương thảo, ký kết, triển khai hợp đồng. Giới trẻ ở Mỹ thường có hai, ba bằng đại học, trong đó phần lớn có bằng về luật. Rất khó có kiểu làm ăn theo kiểu tình cảm, ưu đãi.

Ngay như vụ cá basa vừa rồi, chưa có nước nào đụng đầu với vụ tranh chấp thương mại đầu tiên với Mỹ đã làm như chúng ta. Chúng ta sẵn sàng theo kiện theo kiểu Mỹ, thuê công ty tư vấn Mỹ, luật sư Mỹ để đấu tranh với người Mỹ. Tuy chưa thành công nhưng chúng ta lại học được rất nhiều, học về cơ chế xử lý tranh chấp, học cách đánh giá tính khả thi của vấn đề. Người Việt Nam vốn có ưu điểm là học rất nhanh.

- Theo dự đoán, Việt Nam năm nay có thể xuất khẩu sang Mỹ đạt 3 tỷ USD. Tuy nhiên, mỗi năm nước Mỹ nhập khẩu khoảng 1.200 tỷ USD, trong đó, Trung Quốc và một số nước ASEAN đã chiếm được những thị phần nhất định. Theo đại sứ, đâu là cơ hội của Việt Nam?

- Nói về khối lượng thì đúng là thị trường Mỹ vô cùng mênh mông còn chúng ta mới chỉ chập chững những bước đầu tiên xâm nhập. Tuy nhiên, theo tôi, triển vọng là rất lớn. Quan trọng là chúng ta hoạch định được chiến lược xuất khẩu với thị trường này, tìm ra những mặt hàng vừa có tính cạnh tranh vừa tránh được hàng rào bảo hộ. Ví dụ như hàng đồ gỗ rất có tiềm năng, ngoài hải sản, may mặc, giày dép, hàng nông lâm, rau quả nhiệt đới, gốm sứ đều có triển vọng tăng cao.

Kinh nghiệm của Trung Quốc là ''bí'' mặt hàng này thì lập tức có mặt hàng khác thay thế. Ở Mỹ hiện tràn ngập hàng Trung Quốc. Các hàng tiêu dùng thiết yếu từ cái tăm đến đồ điện gia đình, đồ chơi cơ khí, ngay con bò ''cowboy'' biểu tượng của Texas cũng ''Made in China''. Hoặc như Singapore, họ chỉ chưa đầy 3 triệu dân thôi mà mỗi năm xuất vào Mỹ 44 tỷ USD. Chúng ta có tới 80 triệu dân, phải xuất sang Mỹ tới vài chục tỷ USD mới tương xứng và cần những doanh nghiệp giỏi để đạt được mục tiêu này.

- Sau vụ cá basa, đại sứ có thể nói gì về xu hướng của thị trường Mỹ hiện nay?

- Có thể nói ngay từ chuyện cá basa rằng hiện có xu hướng bảo hộ rất cao trong thị trường Mỹ. Nước Mỹ cũng phải trải qua cơ cấu kinh tế, nhiều mặt hàng truyền thống có nguy cơ bị suy giảm và do vậy có thể xuất hiện ngày càng nhiều hàng rào bảo hộ. Ví dụ như ngành trồng bông của Mỹ cũng đang gặp khó khăn. Đối phó với xu hướng này, chúng ta cần linh hoạt. Ví dụ như cá basa, không phải áp thuế cao là chúng ta vội rút lui khỏi thị trường.

Chúng ta hãy nghĩ đến việc sản xuất những sản phẩm giá trị gia tăng từ cá basa (không phải là cá philê nữa) để có thể tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ. Hoặc như ngành dệt may, hiện chúng ta đang triển khai một dự án hợp tác, theo đó, chúng ta nhập bông của bang Texas để sản xuất hàng dệt may rồi xuất lại vào Mỹ, như vậy là tránh được xung đột thương mại.

(Theo Tuổi Trẻ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
''WB hỗ trợ Việt Nam gia nhập WTO dưới bất kỳ hình thức nào'' (07/08/2003)
Hải quan Hoa Kỳ bắt đầu kiểm tra DN dệt may tại TP.HCM (07/08/2003)
Triển lãm hàng Thái Lan tại Hà Nội (07/08/2003)
Thêm 1 "ông lớn" bảo hiểm nhân thọ ngấp nghé thị trường VN (06/08/2003)
Việt Nam xuất khẩu 50.000 tấn gạo sang Cuba (06/08/2003)
"Đường vào WTO mỗi ngày mỗi khó" (06/08/2003)
Khuyến nông qua mạng (06/08/2003)
Chống hàng giả bằng quyền sở hữu công nghiệp (06/08/2003)
TP.HCM cấm kinh doanh nông sản, thực phẩm trên nhiều tuyến đường (06/08/2003)
17.000 USD mua... lối đi chung ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng? (06/08/2003)
Tàng trữ, lưu hành tiền giả và một bản án 21,5 năm tù (06/08/2003)
Giá hạt tiêu tăng cao, nông dân vẫn găm hàng (06/08/2003)
Việt Nam tiếp tục xuất khẩu điện qua Lào (06/08/2003)
6 DN thuỷ sản được phục hồi xuất khẩu vào EU (06/08/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang