(VietNamNet) - Theo dự báo của Bộ Thương mại, những tháng còn lại của năm 2003, xuất khẩu gạo - dệt may - giày dép - hạt tiêu - cà phê có chiều hướng suy giảm. Nguyên nhân chính ngoài những tác động chung của thị trường toàn cầu, còn là việc doanh nghiệp (DN) bỏ ngỏ nhiều thị trường quan trọng hoặc quá phụ thuộc vào những đơn đặt hàng nước ngoài.
|
Xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục tăng trưởng. |
Khối lượng xuất khẩu gạo dự kiến giảm khoảng 91 nghìn tấn/tháng so với đầu năm do DN chưa ký được hợp đồng xuất khẩu lớn mới, giá cả lại giảm theo giá chung tại thị trường châu Á. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện này vẫn cao hơn Ấn Độ hoặc Pakistran 15-17 USD/tấn, nên hai nước này dễ cạnh tranh với Việt Nam (chưa kể tới lợi thế địa lý vận tải sang châu Phi và Trung Đông).
Dệt may ước tính bình quân mỗi tháng đạt 230 triệu USD, giảm 77 triệu USD/tháng. DN quá tập trung năng lực để xuất sang thị trường Mỹ trong khi khối lượng hạn ngạch được phân bổ chỉ có hạn, vì thế đã bỏ ngỏ các thị trường phi hạn ngạch và thị trường EU. Dự đoán cả năm nay, xuất khẩu dệt may đạt khoảng 3,3 tỷ USD.
Ngành giày dép do chủ yếu là gia công, thị trường phụ thuộc vào DN nước ngoài nên khó tăng kim ngạch xuất khẩu. Bình quân mỗi tháng cuối năm ước đạt 150 triệu USD, giảm 41 triệu USD/tháng. EU hiện là thị trường chủ yếu của Việt Nam nhưng chỉ có 5% số giày dép xuất khẩu sang thị trường này mang nhãn hiệu Việt Nam, số còn lại sản xuất theo những hợp đồng gia công do Đức hoặc châu Âu đặt hàng.
Hạt tiêu, cà phê cũng trong tình hình tương tự do sản lượng thu hoạch giảm.
Tuy nhiên, riêng xuất khẩu thuỷ sản, dự kiến 5 tháng cuối 2003 đạt khoảng 1,1 tỷ USD, tăng bình quân 50 triệu USD/tháng. Nhìn chung, nguồn hàng dành cho xuất khẩu được đảm bảo do việc thu hoạch, nuôi trồng khá thuận lợi. Khai thác, chế biến ở hầu hết các tỉnh được đẩy mạnh, khắc phục khó khăn trong việc xuất khẩu cá tra, basa sang Mỹ, các DN bắt đầu tìm kiếm thị trường khác và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. 7 tháng đầu năm, xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ vẫn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng, tiếp đến là Australia, Nhật, Hàn Quốc và Hongkong...
Xuất khẩu dầu thô, rau quả vẫn sẽ bằng các tháng đầu năm.
Bộ Thương mại cũng đã đề ra một số biện pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu từ giờ đến hết năm gồm: Triển khai tốt việc hướng dẫn, giao và thực hiện hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ; Chống gian lận thương mại xuất khẩu vào Mỹ để không bị cắt giảm hạn ngạch, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường phi hạn ngạch; Xây dựng phương án giải quyết tình hình Hoa Kỳ áp thuế nhập khẩu mới với cá tra, basa; Đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường chủ yếu, có sức tiêu thụ lớn ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN; Xây dựng kế hoạch cân bằng cung - cầu.
|