Kiến nghị hỗ trợ lãi suất mua tạm trữ cá tra, basa trong 1 năm
09:42' 31/07/2003 (GMT+7)
Sẽ quy hoạch lại các hầm cá tra để kiểm soát chất lượng.

(VietNamNet) - Liên tục những ngày này, Bộ Thuỷ sản, VASEP, một số tỉnh ĐBSCL đang tất bật lo đầu ra cho con cá tra, basa và ổn định sản xuất. Tại cuộc họp hôm qua (30/7), Bộ Thuỷ sản đã kiến nghị Chính phủ có cơ chế giao cho các DN chế biến mua cá đã đến kỳ thu hoạch trong dân để chế biến và dự trữ, trên cơ sở Nhà nước hỗ trợ lãi suất tiền vay cho việc thu mua và phí lưu kho trong thời gian 1 năm, theo lượng thực tế tồn kho của các DN.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị ngân hàng tăng hạn mức cho vay đối với các DN chế biến và người nuôi cá; chỉ thực hiện vốn vay đối với người nuôi có ký hợp đồng tiêu thụ. Đối với những trường hợp vi phạm các cam kết, sẽ bị xử lý theo chế tài do các DN thống nhất đề nghị thông qua Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP).

Tuy nhiên, Tổng Thư ký VASEP, TS. Nguyễn Hữu Dũng, cho rằng, ngoại trừ tỉnh Vĩnh Long đã kiến nghị Bộ Thuỷ sản được mua tạm trữ 1.000 tấn cá thành phẩm trong vòng 6 tháng để chờ xuất khẩu, với chi phí tạm trữ cần hỗ trợ là trên 4,1 tỷ đồng, đến thời điểm này, các tỉnh nuôi cá tra, basa lớn như An Giang, Cần Thơ, Bến Tre vẫn chưa xác định được số lượng cá tra, basa dư thừa để từ đó, tính toán mức chi phí thu mua tạm trữ.

Chỉ sản xuất lượng cá tra, basa phù hợp đầu ra

Trước đó, khi kết thúc cuộc họp ngày 25/6 tại TP.HCM, Bộ Thuỷ sản cũng kiến nghị, cần hoàn chỉnh lại quy hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra, basa tại ĐBSCL cho phù hợp với khả năng thị trường đến 2010. Trong một vài năm trước mắt, giải pháp được đưa ra là chủ động chỉ đạo sản xuất phù hợp khả năng tiêu thụ; đồng thời, định hướng sản lượng cá da trơn nuôi hàng năm trên cơ sở đã cân đối giữa đăng ký kế hoạch nuôi cá của các địa phương và khả năng xuất khẩu. Ngoài việc đa dạng hoá đối tượng nuôi, sớm ban hành quy trình sản xuất an toàn cá tra, basa; danh mục các loại thuốc phòng và chữa bệnh thay thế các loại kháng sinh bị cấm; ban hành tiêu chuẩn trại nuôi, bè nuôi an toàn và hướng dẫn kiểm tra, công nhận.

Đối với các địa phương nuôi cá tra, basa, cần bố trí lại nuôi theo hướng tập trung. Bên cạnh đó, quy hoạch lại khu vực neo đậu bè thành từng cụm, có độ co giãn hợp lý; quy hoạch các vùng nuôi cá tra ao hầm để có thể kiểm soát được chất lượng.

Riêng VASEP, với vai trò đầu mối cho các DN, cần chuẩn bị triển khai các biện pháp phát triển thị trường, ổn định giá cả theo hướng: tiếp tục giữ vững thị trường châu Á, tìm kiếm khách hàng Mỹ để xuất các sản phẩm từ các da trơn ngoài filê đông lạnh. Mặt khác, tăng cường mở rộng thị trường sang EU, Mexico, Canada, Australia, Trung Quốc... ; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn tiêu dùng trong nước, nhất là tại các thành phố lớn và KCN. Trên cơ sở thống nhất tên gọi cho sản phẩm cá tra, basa, nhanh chóng đăng ký thương hiệu và quảng bá nhãn hiệu sản phẩm này trên thị trường quốc tế. Riêng giá sản phẩm filê xuất vào Mỹ, do biên thuế phá giá của các DN khác nhau nên Bộ Thuỷ sản yêu cầu các DN phải bán với giá theo đúng quy định của luật pháp Hoa Kỳ, tránh việc phải áp dụng hồi tố sau này, gây khó khăn cho DN.

Cá chờ được tiêu thụ, người nuôi lỗ

Ông Huỳnh Thế Năng, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, cho biết, nếu tính giá thành sản xuất mỗi kilogram cá tra, basa từ 9.500-9.700 đồng, trong khi giá cá trên thị trường đang dao động ở mức 9.000-9.100 đồng/kg đối với loại cá thịt trắng, thì mùa cá năm nay, sản lượng còn tồn đọng khoảng 50.000 tấn chưa tiêu thụ được, ngư dân An Giang có khả năng bị thiệt hại trên 75 tỷ đồng. Đó là chưa kể lượng cá thịt hồng, thịt vàng, giá nguyên liệu đã giảm xuống mức thấp, chỉ 6.000-7.000 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, lượng cá nuôi trong dân đã đến kỳ thu hoạch khoảng 3.000 tấn (loại trên 1 kg/con), nếu để lâu sẽ không xuất khẩu được, gây thiệt hại lớn.

Nguồn tin từ Bộ Thuỷ sản cho thấy, quyết định của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các DN sản xuất cá tra, cá basa Việt Nam. Theo dự đoán, giá cá da trơn có thể chỉ đạt mức xuất khẩu vào thị trường Mỹ trị giá khoảng 20 triệu USD trong năm nay, so với 55 triệu USD năm ngoái, tức là giảm trên 50%.

Song, TS. Nguyễn Hữu Dũng cho biết, hiện tại, các nhà máy vẫn đang mua nguyên liệu với giá trên 9.000 đồng/kg (loại cá thịt trắng), như Agfish với hơn 100 tấn/ngày, Afiex 40 tấn, Nam Việt 120 tấn... Nguyên nhân khiến giá cá tra, basa giảm ồ ạt như hiện nay là do tâm lý bất ổn của người dân trước quyết định của DOC, dẫn tới tình trạng bán tháo, tranh nhau bán với giá thấp và cắn răng chịu lỗ.

Do vậy, Bộ Thuỷ sản cũng như VASEP cần có biện pháp mạnh, kịp thời để ổn định sản xuất và tiêu thụ cá tra, basa trong thời gian trước mắt và những năm tới, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Các biện pháp, cơ chế mà Bộ Thuỷ sản đề xuất sẽ được thể hiện dưới hình thức quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo cho các biện pháp và cơ chế được thực hiện một các nghiêm túc, có hiệu quả.

Dư luận Mỹ và thế giới tiếp tục phản đối quyết định bất công của DOC và USITC

Ông Wally Stevens, Chủ tịch Hiệp hội các nhà phân phối thuỷ sản Mỹ (ASDA), trong tuyên bố với báo chí ngày 24/7, nhấn mạnh, đây là một thất bại lớn đối với chính người tiêu dùng Mỹ, những người không được có tiếng nói trong các vụ kiện chống bán phá giá của Mỹ.

Theo ASDA, USITC đưa ra luận điểm chỉ có cá tra, basa Việt Nam cạnh tranh không lành mạnh với cá nheo nội địa là không có căn cứ thực tế. Mặt khác, người tiêu dùng Mỹ còn nghi ngại tính an toàn thực phẩm của cá Mỹ vì lượng thuỷ ngân trong cá nuôi và đánh bắt có thể vượt mức cho phép, chưa kể cá còn được nuôi trong ao tù nước đọng. ASDA ủng hộ tự do thương mại và công bằng đối với tất cả các sản phẩm thủy sản, không tính đến nguồn gốc xuất xứ. Hiệp hội này cho rằng, buộc tội các nhà sản xuất cá tra, cá basa của Việt Nam làm giảm giá cá nội địa là bất công. Vì vậy, ASDA sẽ quyết tâm đẩy mạnh sự nghiệp thương mại tự do và công bằng.

Ngày 25/7, tờ New York Times đăng bài: "Tự do thương mại bị lâm nguy", trong đó viết: Chính phủ Mỹ vừa bồi thêm lần cuối sự hoa mỹ đạo đức giả cho những nỗ lực nhằm đè bẹp ngành sản xuất cá da trơn Việt Nam dưới đống núi bảo hộ. Người Việt Nam, sau quá trình sản xuất rất thành công, chiếm lĩnh được một phần tương đối trên thị trường Mỹ, đã bị cáo buộc là người vi phạm luật thương mại, xứng đáng bị ủy ban thương mại quốc tế Mỹ áp đặt thuế suất ngăn chặn và lâu dài.

Vụ kiện chống lại Việt Nam đã bị lừa gạt một cách thô bạo vì lợi ích của các nhà chính trị và ngành khai thác thủy sản Mỹ. Ðây là sự diễu võ giương oai trước các nước đang có tranh chấp về thương mại, vì vậy, tất cả câu chuyện về toàn cầu hóa cũng không thể kiềm tỏa được các giới chính trị nhà buôn có thế lực gạo cội ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Sự điều khiển của họ vẫn tồn tại ở mọi quy mô của tự do thương mại.

  • Hà Yên
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bán đấu giá công khai những tàu khai thác không hiệu quả (31/07/2003)
"Giá bán của Metro ngang giá chợ Long Biên" (31/07/2003)
Honda Motor giảm lợi nhuận 5,4% (30/07/2003)
Hải quan Mỹ kiểm tra DN dệt may Việt Nam  (30/07/2003)
Mỹ sẽ cơ cấu lại hãng đường sắt Amtrak (30/07/2003)
Sẽ xóa độc quyền điện theo từng bước (30/07/2003)
Cổ phần hoá Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (30/07/2003)
Tổng giám đốc Canfooco bị khởi tố (30/07/2003)
Việt Nam muốn ký kết hiệp định thương mại với Australia (30/07/2003)
Liệu có xảy ra bài toán "hậu Hải Vân"? (30/07/2003)
Xuất hiện tiền EUR giả tại Việt Nam (30/07/2003)
Mỹ sẽ phát hành tờ USD nhiều màu (30/07/2003)
Bánh kẹo nội ''tự tin'' hội nhập (30/07/2003)
Trung Quốc đề nghị Mỹ không áp đặt thuế quan với hàng dệt (30/07/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang