|
Nhãn hiệu Champagne Thuỵ Sỹ sẽ không còn tồn tại nữa nếu như EU cứ tự do làm theo những gì mình muốn. |
Uỷ ban Châu âu vừa cho biết rượu Champagne, giăm bông Parma, pho mát Roquefort và rượu vang Bordeaux sẽ phải được gọi bằng những cái tên khác nếu chúng không được sản xuất tại những thành phố mang tên sản phẩm này. Phản ứng trước quyết định trên, phía Hoa Kỳ cho rằng như thế chả khác nào EU đang cho mình cái quyền là tự do đặt ra giá cả hàng hoá mà mình muốn.
Thành phố Brussels của nước Cộng hoà Bỉ đang có kế hoạch đưa ra trước hội nghị của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO dự kiến tổ chức tại thành phố Cancun, Mêhicô vào tháng 9 tới một danh sách gồm 35 nhãn hiệu sản phẩm đồ uống và thực phẩm của Châu âu.
Một phát ngôn viên của Uỷ ban Châu âu than phiền rằng: "Chúng tôi đã bị cướp mất những thương hiệu hàng hoá của mình và chúng tôi muốn lấy lại chúng". Ông đã dẫn ra một câu chuyện có thật là, do một công ty ở Canada đã đăng ký trước thương hiệu "Parma ham" nên các nhà sản xuất giăm bông ở Parma, Italia đành phải chấp nhận lấy tên cho sản phẩm giăm bông của mình là "Super ham" để có thể được phép cung ứng cho các cửa hàng.
EU cho rằng không chỉ mình họ mong muốn có những quy định chặt chẽ hơn về việc sử dụng các nhãn hiệu thực phẩm có xuất xứ địa lý đặc trưng. Như ấn độ chẳng hạn, họ muốn được bảo đảm rằng chỉ có sản phẩm chè được trồng tại đất nước họ được gọi là chè darjeeling.
Song quả nhiên đây là một vấn đề hóc búa, bởi vì vẫn chưa có sáng kiến nào được đưa ra trong lịch trình của hội nghị WTO ở Can cun.
Vào phút chót, một làn sóng các quốc gia Châu âu đang ồ ạt đưa các sản phẩm mới của mình vào danh sách nói trên trước khi hết hạn vào giữa tháng 8 tới. Hy Lạp thì muốn chen vào với sản phẩm pho mát Feta còn Pháp thì muốn 7 sản phẩm của mình được đưa thêm vào đầu danh sách 12 sản phẩm đã có. Tuy nhiên, sẽ là quá muộn cho những ý nguyện này nếu như cả 15 nước thành viên hiện tại và 10 nước thành viên mới (sẽ là thành viên chính thức vào đầu năm tới) rốt cuộc đều không đồng ý.
Hơn nữa, sự việc trên đang có nhiều tranh cãi do hệ thống siêu thị Asda ở Anh bị cấm sử dụng nhãn hiệu "Parma ham" cho những sản phẩm mà nguyên liệu lấy từ vùng phía Bắc Italia này nhưng lại được chế biến ở Anh. Còn một ngôi làng của người Thuỵ Sỹ chế biến ra loại sâm panh không bọt màu trắng và đỏ đặc trưng của mình đã 800 năm nay đang kịch liệt phản đối về việc họ bị cấm không được sử dụng thương hiệu sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh thực sự có lẽ sẽ chỉ là từ phía các nhà sản xuất lớn như Mỹ, Canada và Australia, họ yêu cầu là những người dân nhập cư sống tại nước họ khi sản xuất ra các sản phẩm ăn uống tại đây cũng phải được công nhận xuất xứ tại các nước này.
Ông Jon Dudas, phó Chủ tịch Uỷ ban Hoa Kỳ về đăng ký thương hiệu sản phẩm và cấp bằng sáng chế, trong một tuyên bố đầu tuần này đã mỉa mai rằng: "Có vẻ như EU đang yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ cùng các nhà sản xuất và người tiêu dùng trợ cấp cho các nhà sản xuất của mình... để cho họ có thể tự do đặt ra giá cả cho hàng hoá mà mình sản xuất".
(Hoàng Tuân - Theo BBC) |