|
DN sẽ được lựa chọn mức lương tối thiểu. |
(VietNamNet) - Tình trạng bình quân hoá về lương giữa khu vực DN và cơ quan nhà nước, giữa các ngành và vùng khác nhau... đang làm giảm ý nghĩa khuyến khích vật chất của tiền lương và động lực của người lao động. Những vấn đề này được đưa ra bàn thảo tại diễn đàn ''Cải cách tiền lương từ góc nhìn của DN'' vừa tổ chức tại Hà Nội.
Lương ''danh nghĩa'' và ''thực tế''
Theo đánh giá trong đề án cải cách tiền lương, chính sách tiền lương đã có nhiều bước sửa đổi trong suốt 10 năm qua (đến tháng 1/2003 đã tăng lương tối thiểu lên 290.000 đồng) nhưng vẫn chưa thực sự làm ''đòn bẩy'' để thúc đẩy người lao động làm việc. Tiền lương tối thiểu áp dụng cho cả khu vực DN trong khi người lao động được tuyển dụng và đánh giá lương qua hiệu quả công việc của cá nhân và hiệu quả chung của cả DN. Lương tối thiểu đối với DN nhà nước (được tối đa gấp 3 lần mức lương tối thiểu chung) chỉ bằng 25-30% mức lương thực lĩnh của người lao động và chỉ giữ vai trò tính đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Ông Đặng Đình Nhật, Phó phòng Tổ chức Cán bộ, Tổng công ty Đường sông Miền Bắc cho rằng, việc giao đơn giá tiền lương cho các DN hiện quá khắt khe và chặt chẽ. Nên chăng chỉ cần cử cán bộ hoặc đại diện của cơ quan thẩm định xuống các DN kiểm tra việc chi trả lương của DN cho nhân viên. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề rất bất cập vì trong thực tiễn, việc kiểm tra kiểm soát của cơ quan thuế, thanh tra, kiểm toán... không có trình độ cơ bản về tiền lương. Vì thế, việc để cho các cơ quan này kiểm tra thực hiện tiền lương nhiều khi chỉ hình thức.
Đại diện Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam đặt ra vấn đề ''không kiểm soát được thu nhập ngoài lương''. Ông Đặng Như Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết, thu nhập ngoài lương (có thể là rất cao) chỉ có số ít ở đội ngũ cán bộ quản lý, còn những cán bộ trực tiếp sản xuất kinh doanh thì không có thu nhập ngoài lương nhiều. Tuy nhiên, ông Lợi cũng khẳng định từ nay đến năm 2007 sẽ hạn chế tối đa việc không quản lý được thu nhập ngoài lương.
Ngoài ra, nhiều ý kiến của các DN đồng ý là giảm thang, bậc lương nhưng không nên quá giảm để dẫn đến sự khó áp dụng cho các DN.
Cơ chế lương sẽ ''mở'' hơn
Theo ông Đặng Như Lợi, đề án cải cách tiền lương lần này chú ý nhiều hơn tới quyền lợi của các DN; có thể cho DN tự chọn mức lương tối thiểu phù hợp, không thấp hơn mức lương chung, không khống chế tối đa; giảm từ 21 thang lương và 26 bảng lương hiện hành xuống còn 6 thang lương, mỗi thang lương có 3 nhóm lương. DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn giữ lương tối thiểu 4 vùng 417.000 đồng, 487.000 đồng, 556.000 đồng và 626.000 đồng.
Ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Tiền công - Tiền lương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, sắp tới, Nhà nước chỉ thống nhất quản lý chi phí tiền lương ''đầu vào'' đối với DN còn tiền lương cao hay thấp lại phụ thuộc vào năng suất, hiệu quả ''đầu ra'' của DN. Khi lựa chọn mức lương tối thiểu cao hơn mức ''giá sàn'' để tính đơn giá tiền lương và trả lương cho người lao động, DN phải đáp ứng 2 điều kiện: Tốc độ tăng tiền lương phải thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động; tỷ trọng lợi nhuận trên tiền lương năm kế hoạch không được thấp hơn so với thực hiện của năm liền kề.
Về tiền lương tối thiểu theo vùng ngành, theo ông Huân, đây là vấn đề phức tạp cần được nghiên cứu, thí điểm và chưa quy định chung. Một số yếu tố liên quan đến tiền lương vùng, ngành sẽ tiếp tục được thực hiện bằng chế độ phụ cấp như hiện hành như phụ cấp nặng nhọc, độc hại, ưu đãi; phụ cấp khu vực; phụ cấp thu hút... Tuy nhiên, theo ý kiến của một số đại biểu, các mức phụ cấp theo ngành, vùng cụ thể cần được đánh giá lại cho phù hợp hơn với giá cả, điều kiện sống và làm việc của người lao động tại các ngành hay vùng đó.
Dự kiến lộ trình cải cách tiền lương đến 2007: (sẽ đưa ra Quốc hội xem xét vào cuối năm nay):
- Từ 1/1/2003: Điều chỉnh tiền lương tối thiểu từ 210.000 đồng/tháng lên 290.000 đồng/tháng.
- Từ 1/10/2004: Thay đổi thang, bảng lương theo quan hệ tiền lương mới.
- Từ 1/10/2005: Điều chỉnh mức lương tối thiểu sàn từ 290.000 đồng/tháng lên 300.000 đồng/tháng.
- Từ 1/10/2006: Điều chỉnh mức lương tối thiểu sàn từ 300.000 đồng/tháng lên 320.000 đồng/tháng.
- Từ 1/10/2007: Điều chỉnh mức lương tối thiểu sàn từ 320.000 đồng/tháng lên 340.000 đồng/tháng. |
|